Một góa phụ trẻ có ba con nhỏ (vài năm trước chồng bà đã qua đời vì một căn bệnh khác) kể về hoàn cảnh bi đát của mình. Một bằng chứng cho thấy nỗi bi thảm mà một người trẻ cũng có thể phải đối mặt trong mùa dịch Covid-19. Câu chuyện sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện thực tại bệnh viện Bergamo. Nơi có số người bị lây nhiễm Covid-19 và số người chết mỗi ngày cứ tăng.
Cơn sốt vào lúc dịch Covid-19 lan đến Ý
Tôi là một phụ nữ 38 tuổi. Tôi có nghe nói về dịch Covid-19 đang xảy ra ở Trung Quốc. "Nhưng từ đây và Trung Quốc cách nhau quá xa để có thể lây nhiễm cho mình”, tôi nghĩ thế và tự nhủ không việc gì mình phải lo và cố gắng giữ vững tinh thần với một thái độ tích cực. Tuy vậy, đọc tin trên báo, một chút sợ hãi cũng bắt đầu xuất hiện.
Khi truyền hình công bố tin tức về sự lây nhiễm đầu tiên ở Ý, ở làng Codogno, tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ một cách ích kỷ là may thay, có một khoảng cách khá xa giữa thành phố Bergamo và thị trấn Codogno.
Sau đó, tin tức về các ca lây nhiễm đầu tiên xảy ra ở thị trấn Alzano Lombardo thuộc tỉnh Bergamo, nằm phía sau nhà tôi.
Vào ngày 26.2, tôi thức dậy với một cơn sốt dù tôi đã không hề bị bệnh trong 4 năm qua. Tôi gọi đến số điện thoại miễn phí và tôi được mời phải cách xa các con ngay lập tức. Tôi bị mất tiếng, không nói nên lời, tôi không cảm nhận được vị và mùi, mắt tôi bỏng rát, tôi đau đầu và cảm thấy trống vắng. Tôi đã bị sốt trong 2 tuần nhưng bác sĩ nói rằng độ bão hòa ô xy trong máu là tốt và ông kê toa thuốc kháng sinh.
|
Ngày 3.3, tôi không thể hít thở bình thường, tôi hụt hơi và tôi lại gọi số điện thoại khẩn cấp 112.
Họ đưa tôi đến Ponte San Pietro, vòng địa ngục đầu tiên của tôi. Cả đêm nằm trong cái lạnh, chiếc cáng được đặt trên hành lang giữa những người bị bệnh như tôi. Suốt đêm tôi chỉ nghe những tiếng ho vọng lại và những tiếng rên đầy sợ hãi. Không ai quan tâm đến tôi hỏi tôi có khát nước hay có cần đi vệ sinh không. Các nhân viên y tế không được chuẩn bị, họ không thể tưởng tượng là sẽ phải tiếp nhận một dòng người đông như vậy và họ vẫn chưa hiểu rõ là chuyện gì đang xảy ra.
Tôi được xuất viện, suy yếu sau hai tuần bị sốt, một đêm khó khăn và cổ tay tôi bị đau do truyền tĩnh mạch. Tiên lượng năm ngày, họ nói tôi bị viêm phế quản.
Sau một vài ngày, cơn sốt tăng lên 39,7oC. Bác sĩ nói rằng hãy đợi thuốc kháng sinh phát huy hiệu lực nhưng cứ sau mỗi cơn ho thì càng có ít không khí tràn vào, tôi dường như nghẹt thở. Một người bạn đến thăm, rất lo lắng, anh gọi 112. Tôi sợ, tôi không muốn quay lại bệnh viện nhưng tôi không thở được. Tôi nôn. Tôi khóc.
"Xin ông hãy cứu tôi"
Tôi vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Bergamo, ở đây tôi là một trường hợp đặc biệt và họ sẽ chữa lành cho tôi. Họ đo các thông số và đưa tôi ra khỏi phòng trong thời gian cấp tốc. Truyền dịch, ô xy, lấy máu, nước tiểu, khí máu, chụp X-quang, lấy mẫu xét nghiệm ở cổ họng.Tôi mang số 425. Trong sự hỗn loạn của các bác sĩ và y tá, có một bác sĩ tiếp cận tôi và nói: "Đó là virus Corona".
Tôi bật khóc: "Tôi có ba đứa con nhỏ đã mất cha". Tôi nói với bác sĩ: "Xin ông hãy cứu tôi".
Đó là ngày 8.3 và tôi được nhập về khoa Phổi. Tôi có một mặt nạ thở oxy nhưng lượng không khí cung cấp cho tôi không đủ. Tôi phải dùng máy CPAP (Continuous Positive Airway Pressure, máy áp lực dương liên tục) với chiếc mũ bảo hiểm kiểu "Minions". Họ nói với tôi rằng tôi có các phế nang đầy nước và đây là giải pháp duy nhất có thể cứu tôi lúc này. Nó siết chặt cổ tôi, tôi cảm thấy như đang bị bóp cổ, có lúc lo lắng vì cảm thấy như mình đang bị chôn sống.
Tôi uống Lexotan để giảm căng thẳng. Tôi không hiểu những gì họ nói với tôi và tôi cũng không thể đọc được qua chuyển động hai môi vì tất cả đều mang khẩu trang. Ti vi, gọi điện thoại, tất cả đều vô ích. Tôi chỉ thấy cô đơn với nỗi sợ hãi và suy nghĩ của chính mình.
Tôi đã không thể rời khỏi giường trong nhiều ngày, không thể tự tắm rửa hay bài tiết. Họ tắm rửa tôi và bảo tôi bài tiết vào một vật chứa hình cái chảo. Các ống tiêm để kiểm tra khí huyết (emogas) ở động mạch rất nhanh nhưng làm tôi đau đớn, Heparin (một loại thuốc - NV) trong bụng, mẫu máu được lấy liên tục và kim truyền tĩnh mạch cứ tiếp tục rơi. Tôi chịu đựng mọi thứ.
Tôi không còn đếm ngày nữa. Họ cho cả ba và mẹ tôi nhập viện. Bạn tôi phụ trách việc chăm sóc các con tôi. Trong khi đó, tin tức liên tục về cái chết, người thân, bạn bè, cũng đến. Tôi đã cố bám vào giả thuyết rằng virus này khoan dung hơn đối với phụ nữ và những người trẻ tuổi. Tôi 38 tuổi, tôi nhắc lại với chính mình, tôi còn trẻ. Tôi cầu nguyện Chúa, tôi làm điều đó một cách mãnh liệt, tôi biết mình hoảng sợ nhưng tôi không thể làm khác.
Nhân viên bệnh viện là những người tử tế, họ chạy tới chạy lui, nỗ lực hết sức khiến chúng tôi cảm thấy như mình đang ở trong một gia đình lớn.
Cuối cùng bác sĩ hồi sức của tôi cũng đến. Anh ấy là một người mạnh mẽ, anh làm tôi quên nỗi đau, làm tôi bình tĩnh và khiến tôi mỉm cười.
"Chúng ta sẽ làm thỏa thuận chứ?", anh ấy hỏi tôi.
"Ngay lúc này thì tôi cũng sẵn sàng làm một thỏa thuận với quỷ", tôi nói.
"Tôi sẽ tháo mũ bảo hiểm của chị, kiểm tra các thông số, đi một vòng ngoài hành lang rồi quay trở lại. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng tôi sẽ tháo bỏ nó vĩnh viễn", bác sĩ nói.
Chúng tôi tiến hành từ từ, dây đai để giữ mũ bảo hiểm xoay dưới nách và hằn dấu lên da. Tôi thấy đau như thể bị những vết cắt, bầm tím. Họ ra ngoài, nước mắt tôi rơi vì không thể kiềm chế. Có lẽ cơn ác mộng đã qua.
Tôi gọi các con, tôi trấn an chúng. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của tôi vẫn chưa chấm dứt. Mẹ và ba tôi vẫn còn đang nằm viện.
|
Khi họ thay tấm trải giường, tôi ngồi xuống, bên bà cụ ở giường bên cạnh. Bà ấy 72 tuổi, đơn độc như tôi, bà ấy sợ không gặp lại con cháu. Bà khóc ngon lành trong mũ bảo hiểm, khóc trong im lặng, không rên rỉ. Tôi nắm lấy tay bà, chúng tôi hỗ trợ nhau bằng những nụ cười mong manh và những cái vuốt ve yếu ớt.
Tôi ngồi ăn giữa sự thân tình và phấn khởi của các bác sĩ và y tá về sự cải thiện mà tôi đã có. Đó là một thành công, tất cả họ đều như đang ở trên 7 tầng trời. Tôi đi vài bước rồi quá mệt mỏi nên vội trở lại giường và liền ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh dậy tôi nhìn thấy một lá thư. Cô y tá làm ca trực đêm trước cảm ơn tôi vì đã hỗ trợ bà cụ hàng xóm bên cạnh giường. Tôi khóc xúc động. Bệnh viện là một thế giới song song. Ở đây, chúng tôi đã trở thành một gia đình, chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau để không cảm thấy cô đơn, chúng tôi chiến đấu cùng nhau.
Điện thoại thông minh chứa đầy tin nhắn từ những người bạn gửi đến để hỗ trợ tinh thần và tôi đã bám vào từng lời của họ để tự mình đứng dậy, để tìm lấy sức mạnh để có thể chịu đựng sự tàn phá về thể chất và tinh thần mà tôi đang trải qua.
Trong những ngày tiếp theo, sức lực của tôi dần dần trở lại và tôi bắt đầu nhận thức về những gì đang xảy ra xung quanh rõ nét hơn.
Các nhân viên y tế liên tục di chuyển. Suốt ngày phải mang trên người bộ đồng phục mà không thể thay và mặt luôn mang khẩu trang để ngừa lây nhiễm. Thay đổi đồng phục hoặc khẩu trang có nghĩa là phải vứt chúng đi và thay bằng bộ mới. Nhưng bệnh viện không có đủ và vì vậy cho đến khi chưa hết ca họ không thể ăn, uống hoặc đi vệ sinh.
Xuất viện khi còn dương tính Covid-19
Đó là ngày 21.3, tuy áp huyết vẫn còn hơi thấp nhưng các thông số khác đều tốt. Tôi phải xuất viện mặc dù vẫn còn dương tính. Số giường trong bệnh viện có hạn nên tôi phải nhường chỗ cho những người bệnh nặng hơn. Tôi chào từ giã bà cụ cùng phòng với tôi. Tôi xin lỗi phải để bà ở lại một mình. Tôi về nhà, tôi về với các con. Bố và mẹ tôi cũng tốt hơn. Trong hành lang tôi nhận được sự chúc mừng và nhìn thấy ánh mắt hài lòng của các y tá và bác sĩ.
Tôi rời khỏi bệnh viện.
Anh bạn thân của tôi đã chứng tỏ là một người chu đáo và mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Chính anh ấy đã đưa tôi về nhà, chăm sóc các con tôi và hôm nay vẫn còn hỗ trợ tôi trong khi bản thân vẫn còn dương tính với virus, đóng cửa, nằm trong phòng. Tôi hơi lo lắng và sợ hãi vì điều này nhưng tôi cố gắng giữ vững tinh thần. Dường như điều tồi tệ nhất đã qua.
Hôm nay tôi có thể hít thở sâu một luồng không khí mới, gần như chưa bao giờ được hưởng, tôi nghĩ lại những gì mình vừa trải qua, nỗi sợ phải rời xa các con, nỗi sợ mình không thể vượt qua và không thể kìm được, tôi bật khóc.
Đây không phải là một bệnh cúm thông thường. Tất cả chúng ta đều có thể bị nhiễm và lây nhiễm cho người khác.
Chúng ta cần phải tôn trọng một vài quy tắc theo khuyến cáo của các cơ quan y tế, phải nghiêm chỉnh tuân thủ để tránh rủi ro lây nhiễm Covid-19. Bằng cách đó, cũng là cách mà chúng ta tôn trọng công việc không ngừng nghỉ của các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện luôn có nguy cơ cao về lây nhiễm virus vì cứu giúp người khác.
Bình luận (0)