'Bức tranh lửa đạn' Trung Đông sau khi Mỹ tấn công Houthi

15/01/2024 06:00 GMT+7

Tình hình Trung Đông liên tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu lắng dịu ngay cả khi Mỹ - Anh tấn công trực diện vào lực lượng chính trị quân sự Houthi vốn đang kiểm soát Yemen.

Hôm qua (14.1), tờ The New York Times dẫn nguồn quan chức Mỹ cho hay các cuộc không kích do Washington dẫn đầu vừa qua đã làm hỏng hoặc phá hủy khoảng 90% các mục tiêu bị tấn công.

Houthi có thể đáp trả Mỹ

Mặc dù vậy, cũng theo nguồn tin trên, Houthi vẫn duy trì được 75% khả năng phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tập kích các tàu thương mại đi qua biển Đỏ. Theo đó, dù đã tấn công hơn 60 mục tiêu vận hành tên lửa và UAV với hơn 150 vũ khí chính xác, các cuộc không kích chỉ làm hỏng hoặc phá hủy khoảng 20 - 30% khả năng tấn công của Houthi. Phần lớn vũ khí tấn công của Houthi được lắp ráp trên các nền tảng di động và có thể dễ dàng di chuyển hoặc che giấu.

'Bức tranh lửa đạn' Trung Đông sau khi Mỹ tấn công Houthi- Ảnh 1.

Lực lượng ủng hộ Houthi tuần hành ở Yemen sau khi Mỹ và Anh tấn công

Reuters

Trả lời Thanh Niên ngày 14.1, một chuyên gia tình báo quân sự Mỹ, người từng đứng đầu một đơn vị tình báo quân sự của NATO ở khu vực Balkan, đã đưa ra nhận định về tình hình Trung Đông. Ông cho rằng: "Trước hết, các cuộc tấn công của Mỹ vào Houthi sẽ khiến lực lượng này tạm ngừng tấn công do cần thời gian thay đổi chiến thuật. Nguyên nhân là vì Houthi đã mất các radar và các hệ thống cảm biến được để xác định và theo dõi mục tiêu. Ngoài ra, các cuộc tấn công của Mỹ cùng đồng minh đã phá hủy một phần lớn trong kho vũ khí và cơ sở chỉ huy của Houthi. Lực lượng này sẽ mất vài ngày để đánh giá xem họ có thể làm gì với những gì còn lại".

"Các nhà lãnh đạo Houthi có lẽ thấy phải đáp trả nhưng cho đến khi các hệ thống radar và cảm biến được phục hồi thì mới có thể triển khai máy bay không người lái (UAV) để tác chiến. Thông thường, để hồi phục thiết bị như vậy thì có thể mất đến 1 tuần. Nếu tấn công, Houthi sẽ sử dụng UAV và "tàu cá cảm tử" để tấn công tàu trên biển Đỏ và ngoài khơi bờ biển Yemen. Không loại trừ khả năng Houthi đang tìm cách tấn công tàu của Hải quân Mỹ", vị chuyên gia dự báo.

Bên cạnh đó, theo ông, là một bên có ảnh hưởng với Houthi, Iran hiểu rằng cuộc tấn công vừa qua của Mỹ và Anh là thông điệp nhấn mạnh 2 nước này sẽ không chấp nhận Houthi tiến hành thêm bất cứ vụ tập kích nào trên biển Đỏ. Vì thế, Tehran có thể tác động để Houthi tạm ngừng.

"Có lẽ, Iran không muốn Mỹ tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Houthi - điều mà có thể làm giảm nghiêm trọng khả năng của lực lượng này. Bởi đây là lực lượng duy nhất mà Tehran có thể tạo ảnh hưởng tại Yemen, vốn có ưu thế trong việc tiếp cận biển Đỏ", vị chuyên gia nhận định.

Theo ông, sau khi bắt giữ tàu chở dầu gần đây, nếu Iran có thêm động thái thì có lẽ Mỹ sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt để gửi thông điệp đến Tehran rằng sẽ phải trả giá nếu khiến mọi việc đi xa hơn.

"Vấn đề là Iran sẽ chọn lựa như thế nào? Việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran đã tạo điều kiện để Tehran có nguồn lực nhiều hơn, đủ khả năng hỗ trợ nhiều hơn cho các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn. Nếu cảm thấy các nước khác phản ứng yếu ớt trước hành động động của Iran, Tehran có thể tăng cường các cuộc tấn công vào Israel, đồng thời gây khó cho hàng hải và các lực lượng Mỹ", vị chuyên gia đánh giá.

Chiến dịch của Israel tiếp diễn đến tháng 2?

Sau 100 ngày nổ ra xung đột tính từ lúc Hamas bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7.10, xung đột giữa 2 bên đến hôm qua đã sang ngày thứ 100.

'Bức tranh lửa đạn' Trung Đông sau khi Mỹ tấn công Houthi- Ảnh 2.

Binh sĩ Israel ở Dải Gaza (hình được công bố vào ngày 14.1)

Bộ Quốc phòng Israel/Reuters

Liên quan vấn đề này, vị chuyên gia trên cho rằng chiến dịch của Israel ở Dải Gaza có lẽ sẽ tiếp tục cho đến tháng 2, thậm chí kéo dài hơn. "Trừ khi Washington cắt đứt viện trợ cho Tel Aviv - điều rất khó xảy ra trong năm nay khi Mỹ có cuộc bầu cử tổng thống, còn không thì Israel sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi triệt hạ nhóm lãnh đạo và sức mạnh quân sự của Hamas. Có như thế, Tel Aviv mới cảm thấy an toàn. Tất nhiên, Tel Aviv muốn đẩy nhanh quá trình này", ông phân tích.

Trong khi đó, theo ông, lực lượng Hezbollah ở Li Băng sẽ tiếp tục kích động để thu hút sự chú ý và kéo nguồn lực của Israel rời xa Dải Gaza lẫn Syria.

"Nhưng lãnh đạo của Hezbollah có lẽ không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Mặc dù có áp lực từ Iran, Hezbollah tỏ ra tính toán từng bước rất cẩn trọng. Nếu Israel không khởi xướng chiến dịch quân sự đến Li Băng, xung đột với Hezbollah vẫn là quy mô nhỏ, chủ yếu giới hạn bằng việc pháo kích và oanh tạc bằng đạn pháo, tên lửa", vị chuyên gia đánh giá.

Điểm xung đột: Houthi cứng cỏi trước Mỹ; lính Ukraine kinh hoàng ở Kherson

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.