Bức tranh thêu nghĩa tình

21/08/2015 11:26 GMT+7

Trong phòng làm việc của thượng tá Nguyễn Hữu Lợi, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Bình Định, có treo bức tranh thêu để luôn nhắc nhở bản thân về tình cảm của người dân dành cho lực lượng công an.

Trong phòng làm việc của thượng tá Nguyễn Hữu Lợi, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Bình Định, có treo bức tranh thêu để luôn nhắc nhở bản thân về tình cảm của người dân dành cho lực lượng công an.

 
Bức tranh thêu nghĩa tình
 Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi và bức tranh thêu - Ảnh: Mai Linh Giang
Manh mối từ cuộc gọi nhầm số
Theo thượng tá Lợi, bức tranh thêu này được một người dân ở Cần Thơ yêu mến tặng cho lực lượng công an khi tham gia phá án vụ Huỳnh Đăng Lào (38 tuổi, ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh, H.Phù Mỹ, Bình Định) đâm chết em vợ là chị N.T.A.L (ở thôn Trung Thành, xã Mỹ Quang, Phù Mỹ) vào năm 2013.
Tên Lào và vợ là N.T.T đã có một đứa con 2 tuổi nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Lào mê cờ bạc, hay đánh chửi vợ nên chị N.T.T bỏ nhà đi vào đầu năm 2013. Lào nhiều lần hỏi địa chỉ, số điện thoại của vợ nhưng chị N.T.A.L luôn trả lời là “không biết”. Tối 24.6.2013, Lào cầm dao đến nhà và đâm chết chị N.T.A.L tại thềm giếng rồi bỏ trốn.
Tháng 7.2013, Lào bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm. PC52 phối hợp cùng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Bình Định và Công an H.Phù Mỹ triển khai truy bắt Lào. Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi được giao chỉ huy lực lượng truy bắt. Lúc đó, thượng tá Lợi cử 3 trinh sát lên các tỉnh Tây nguyên, còn bản thân mình và 2 trinh sát khác vào các tỉnh phía nam truy bắt Lào.
Tại phía nam, tổ công tác được Cục C52 (Bộ Công an) và lực lượng công an các tỉnh bạn giúp đỡ, các trinh sát đã ra đến phao số 0 - lãnh hải giữa các nước Đông Nam Á, bám trụ nhiều ngày tại đảo Thổ Châu (H.Phú Quốc, Kiên Giang) và đảo Hòn Chuối (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) để truy tìm tên Lào trên các tàu đánh cá nhưng vẫn không có kết quả.
Giữa lúc đó, trinh sát kỹ thuật phát hiện tên Lào gọi điện thoại đến số máy 091… Chưa biết giữa Lào và chủ nhân số máy đó quan hệ thế nào nhưng các trinh sát xác định tài liệu này rất quan trọng. Tổ công tác phía nam khẩn trương xác minh và xác định chủ nhân số máy 091… là một phụ nữ trẻ, đã có gia đình, sống ở Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Sau khi xác định người phụ nữ này và tên Lào chưa hề quen biết nhau, các trinh sát lên kế hoạch tiếp cận.
Trò chuyện với các trinh sát, người phụ nữ này cho biết, vào tháng 2.2013, chị ta gọi điện thoại nhầm vào số điện thoại di động của một người đàn ông nên đã xin lỗi và tắt máy. Tuy nhiên, người đàn ông này gọi lại xưng là chồng của chị T. nào đó rồi đề nghị cho nói chuyện với vợ của mình. Mặc dù người phụ nữ nói là do gọi nhầm số và không biết chị T. là ai nhưng người đàn ông đó vẫn tiếp tục gọi điện.
Nghe xong, thượng tá Lợi cho vợ chồng người phụ nữ kia biết người đàn ông đó là Huỳnh Đăng Lào và kể lại việc chị N.T.A.L chết thảm bên thềm giếng. “Không thể để tên Lào sống ngoài vòng pháp luật. Vợ chồng em giúp các anh tìm bắt kẻ giết người”, thượng tá Lợi đặt vấn đề và hướng dẫn người phụ nữ đóng vai giám đốc công ty dệt may ở TP.HCM để duy trì liên lạc với Lào. Nhờ những cuộc điện thoại, trinh sát đã xác định vị trí lẩn trốn, áp dụng biện pháp truy lùng, câu nhử.
Phá án nhờ sự giúp đỡ của nhân dân
Các trinh sát kỹ thuật theo dõi các cuộc điện thoại của Lào và biết được ngày 22.8.2013, y đã vào bờ tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ngay sau khi xác định được nơi Lào xuất hiện, thượng tá Lợi và đồng đội cấp tốc đến Rạch Giá triển khai kế hoạch truy bắt. Tại Rạch Giá, được những người dân bình thường như vợ chồng ông chủ bán điện thoại di động, bà cụ bán trái cây, chị bán hàng rong và các ngư dân nhiệt tình giúp đỡ, việc truy bắt tên Lào của tổ công tác PC 52 Công an tỉnh Bình Định gặp nhiều thuận lợi.
Thượng tá Lợi kể, tối 19.9.2013, tổ công tác PC 52 Công an tỉnh Bình Định cùng với lực lượng PC52 Công an tỉnh Kiên Giang bám theo một thanh niên có nhận dạng giống Lào đến Công viên Rạch Giá. Tại đây, khi bà cụ bán trái cây khẳng định người thanh niên đó nói giọng Bình Định, thượng tá Lợi phát lệnh cho tổ công tác rời vị trí mai phục. Khi tên Lào nhận ra vòng vây trinh sát đang thắt chặt xung quanh thì đã muộn, chỉ còn biết đưa tay vào còng số 8. Sau này, tên Lào khai là do ngộ nhận chủ nhân số máy 091… biết số máy của y là do chị T. cho số nên gọi lại với hy vọng gặp được vợ…
“Suốt 75 ngày truy lùng Huỳnh Đăng Lào, các tổ công tác của chúng tôi được quần chúng nhân dân giúp đỡ rất nhiều.Trong những ngày ở Cần Thơ, chúng tôi được bà con thương yêu như con em của họ. Riêng người phụ nữ chủ nhân của số điện thoại 091... không chỉ giúp chúng tôi tìm tên Lào mà gia đình chị còn xem chúng tôi như người nhà. Lúc chúng tôi đến Q.Thốt Nốt cũng là lúc chị bắt đầu thêu và bức tranh hoàn thành khi chúng tôi kết thúc thắng lợi chuyên án truy xét. Khi tiễn chúng tôi về Bình Định, chị tặng bức tranh làm kỷ niệm. Mỗi lần nhìn bức tranh thêu của chị, tôi càng nhớ đến sự thương yêu, giúp đỡ của nhân dân đối với lực lượng công an, càng quyết tâm công tác để phục vụ nhân dân được tốt hơn”, thượng tá Lợi tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.