'Bức tử' dòng suối huyết mạch ở Hà Giang: Những 'quả bom' treo trên đầu dân

'Bức tử' dòng suối huyết mạch ở Hà Giang: Những 'quả bom' treo trên đầu dân

13/05/2024 12:30 GMT+7

Nỗi lo hiện hữu từng ngày khi mỗi mỏ khoáng sản đều có những bãi thải khổng lồ nằm lộ thiên trên thượng nguồn như những quả bom hẹn giờ trên đầu người dân.

Hoạt động khai thác khoáng sản tại Hà Giang thời gian qua đã bộc lộ những tác động tiêu cực tới môi trường, để lại nhiều hệ lụy khiến người dân “ăn không ngon, ngủ không yên”.

'Bức tử' dòng suối huyết mạch ở Hà Giang: Những 'quả bom' treo trên đầu dân

Nằm lộ thiên trên thượng nguồn, sự tồn tại của những mỏ quặng với hàng vạn tấn chất thải được xả ra mỗi ngày như “quả bom nổ chậm”, ngày đêm đe dọa cuộc sống của người dân, nhất là khi mùa mưa lũ đang tới gần.

Trong nhiều ngày ghi nhận thực trạng tại các mỏ khai thác khoáng sản ở Hà Giang, phóng viên Báo Thanh Niên nhận thấy tại các hồ chứa chất thải của Nhà máy tinh chế quặng Minh Sơn (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông), mỏ chì - kẽm Tà Pan của Công ty Cổ phần khoáng sản Minh Sơn (tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê), mỏ quặng sắt Nam Lương (của Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Nam Lương), mỏ quặng sắt Lũng Pù (của Công ty TNHH Đức Sơn, tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đều nằm lộ thiên trên thượng nguồn, có độ dốc cao nhưng không được xây dựng kiên cố, tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa nếu gặp mưa lũ.

Hoạt động khai thác tại mỏ sắt Sàng Thần

Hoạt động khai thác tại mỏ sắt Sàng Thần

ĐÌNH HUY

Theo người dân sống gần bãi thải của Nhà máy tinh chế quặng Minh Sơn, hồ chứa chất thải của nhà máy này trước đây là một thung lũng nước, sâu khoảng 150 - 180 mét. Mỗi năm trôi qua, hàng ngàn tấn chất thải đã lấp kín thung lũng này.

Liên quan đến thực trạng này, bà Nguyễn Thị Chiêm, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên), cho biết trên địa bàn xã có mỏ sắt Nam Lương và mỏ sắt Lũng Pù. Hiện nay, chỉ có mỏ sắt Lũng Pù còn hoạt động theo giấy phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Chiêm thừa nhận địa phương có tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước đây, Công ty Nam Lương và Đức Sơn đều đã có sự cố về môi trường và đã khắc phục. Bà Chiêm bày tỏ, chính quyền rất muốn các bãi thải sẽ có bờ bao kiên cố hơn.

Khu vực này nếu xảy ra sự cố chất thải sẽ đổ thẳng xuống sông Miện. Cả đầu nguồn lẫn hạ nguồn sẽ bị nhiễm chất thải, ảnh hưởng sẽ rất lớn đến người dân.

Trong khi đó, ông Thào Mỹ Chính, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn (tại huyện Bắc Mê), khẳng định các hồ chứa chất thải trên địa bàn xã gặp "mưa nhiều thì nghiễm nhiên tràn".

Theo lãnh đạo xã Minh Sơn, nỗi lo lớn nhất là mùa mưa lũ.

“Vừa rồi, đơn vị cũng đã đề nghị các sở, ngành trong tỉnh thẩm định, kiểm tra lại các hồ chứa xem có đảm bảo không. Nếu cứ làm rồi đổ cho thiên tai thì không được, người dân không nghe đâu. Nếu làm chuẩn thì đã không có vấn đề gì”.

Hồ chứa chất thải của Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn

Hồ chứa chất thải của Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn

ĐÌNH HUY

Mặc dù địa phương đều có những nỗi lo nhất định về sự an toàn của các hồ chứa chất thải trong tương lai song doanh nghiệp dường như không mảy may lo ngại vì có lá bùa hộ mệnh là "phí bảo vệ môi trường".

Ông Bùi Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Sơn, đơn vị khai thác mỏ sắt Lũng Pù, cho biết mỗi năm, đơn vị khai thác đúng trữ lượng khoảng 70.000 tấn khoáng sản. Với mỗi tấn khoáng sản thu được, phải đóng phí môi trường 50.000 - 60.000 đồng.

Hình thức khai thác khoáng sản của công ty là hầm lò và lộ thiên. Với 1,4 tấn quặng thô khai thác thì công ty sẽ thu được khoảng 1 tấn kim loại, còn lại 0,4 tấn đất đá thải.

'Bức tử' dòng suối huyết mạch ở Hà Giang

Nói về hồ chứa chất thải, ông Thắng cho hay, hồ chứa của công ty có hơn 10.000 tấn chất thải, nước bay hơi khoảng 20 m3/giờ. Hồ này có 3 ô chính, 2 ô phụ (vớt thải, phơi thải). 2 ô phụ là chất thải nguy hiểm, sau khi nước thải khô sẽ vớt lên, đắp bên cạnh cùng cát. Chân bãi có công trình bảo vệ và tầng lọc, tầng lọc có máy bơm hút lên, tránh tràn ra suối. Ông cũng nêu hạn chế, nếu rãnh trên đỉnh bãi thải thoát nước không tốt sẽ bị tràn ra môi trường.

Trước mùa mưa, bao giờ cũng có cán bộ quản lý đến làm rãnh đỉnh (là con suối bao quanh vùng sạt lở, chảy theo con đường xuống trung tâm thị xã). Về cơ bản là bình thường, nhưng mưa lớn khoảng 400 mm trở lên sẽ không chịu được.

Vị giám đốc khẳng định bãi thải được ông tự thiết kế, an toàn với địa hình đồi núi dốc vì có hệ thống rọ đá kè dưới chân hồ chứa nước thải. Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi về sự chống chịu với thiên tai do mưa lũ ở cấp độ nào, ông Thắng cho rằng "cái đó chỉ làm để chống sạt lở chứ không hiểu cấp mấy. Đơn vị quản lý cũng không phân định cấp mà chỉ bảo phải đảm bảo yếu tố an toàn".

Ông Thắng cho biết thêm, sau khi đơn vị làm như thế này, bên môi trường mới đồng ý về thiết kế để bãi thải hoạt động đã, còn sự cố tính sau. Hiện sự cố không thể xảy ra nhưng "lúc khác thì không biết trước được điều gì". Nếu có sự cố doanh nghiệp sẽ chủ động cứu hộ, sự việc lớn quá không xử lý được thì Chính phủ sẽ dùng quỹ môi trường mà doanh nghiệp đóng để cho máy móc vào cứu hộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.