Bức tượng Bác Hồ trở về từ Pháp

08/05/2020 07:04 GMT+7

Bức tượng Bác Hồ trở về từ Pháp, bức Chân dung ánh sáng là hai trong rất nhiều hiện vật đáng chú ý tại trưng bày Hồ Chí Minh - những nét phác họa chân dung ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, khai mạc ngày 7.5.

Trưng bày chuyên đề Hồ Chí Minh - những nét phác họa chân dung do Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng và Bộ VH-TT-DL thực hiện, với hơn 200 tài liệu, hiện vật gồm 6 phần: Nguyễn Sinh Cung - cậu bé giàu nghị lực; Nguyễn Tất Thành - người thanh niên yêu nước tiến bộ; Nguyễn Ái Quốc - người chiến sĩ cộng sản kiên trung; Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo thiên tài; Hồ Chí Minh - nhà văn hóa lớn và Hồ Chí Minh - chân dung đời thường. Do đó, những mốc quan trọng trong cuộc đời Bác đều có thể tìm thấy qua trưng bày này. Người quan tâm đến chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành có thể xem sổ lương của Người khi làm việc trên tàu Amiral Latouche Tréville. Với tên Văn Ba, Người được nhận số lương là 45 franc một tháng, nhiều gấp 3 những phụ bếp cùng làm. Sổ cũng ghi rõ Nguyễn Tất Thành làm việc trên tàu 2 tháng 27 ngày. Người xem quan tâm đến tinh thần tập luyện của Bác có thể xem bộ dụng cụ tập thể thao của Người dùng năm 1967, khi sức khỏe yếu. Bác thường sử dụng bộ dụng cụ này trong nhà, sau đó khi sức khỏe khá hơn Bác tập đi bộ và leo núi...
Bức tượng Bác Hồ trở về từ Pháp1

Bức tượng Bác Hồ đã được mang ra Côn Đảo, sang Pháp rồi trở về Việt Nam

ẢNH: NAM NGUYỄN

Nhiều câu chuyện về Bác Hồ đã được kể lại với các hiện vật sống động tại cuộc trưng bày. Trong đó, đáng chú ý là Bức tượng Bác Hồ trở về từ Pháp và bức Chân dung ánh sáng. Bức tượng Bác Hồ làm bằng thạch cao, khắc họa chân dung Người. “Khi các đồng chí bị đi tù ở Côn Đảo, không hiểu sao họ đã bí mật mang theo được. Ở Côn Đảo, các chiến sĩ vẫn đặt bức tượng này trong những dịp tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ trong nhà tù”, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết.
Sau đó, bức tượng bị một giám ngục Pháp là Paul Atoine Miniconi phát hiện. Cảm nhận được Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có vai trò tinh thần quan trọng qua sự yêu mến của những người tù, ông đã giữ lại bức tượng, rồi mang về Pháp. Con trai ông sau đó đã trao lại bức tượng cho Đại sứ Việt Nam tại Pháp - ông Nguyễn Thiệp. “Điều thú vị là chính cha của đại sứ Nguyễn Thiệp cũng bị tù ở Côn Đảo”, bà Thanh Mai nói.
Trong khi đó, bức Chân dung ánh sáng do bà Laure Albin Guilliot, nhiếp ảnh gia Pháp nổi tiếng chuyên chụp chân dung chính khách, chụp năm 1946. Sau này, bà cũng kể lại câu chuyện gặp Bác trên báo La Liberté. “Một cặp mắt rất tinh anh và hiền hậu, nét mặt hiền lành nhưng có vẻ kiên quyết, một bộ râu đen làm cho diện mạo của cụ thêm vẻ Á Đông. Cụ mặc một bộ quân phục, không trang sức gì cả. Giọng nói rõ ràng, minh bạch nhưng không trau chuốt, không làm kiểu cách. Cụ vững vàng nâng trên vai cả vận mệnh một dân tộc mà cụ là đại biểu những đức tính đặc biệt của dân tộc đó”, bà Laure Albin Guilliot kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.