Cách TP.Phan Thiết gần 100 km và TP.HCM khoảng 300 km, biển Cổ Thạch từ lâu trở thành điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch tại Bình Thuận, đặc biệt là vào mùa rêu (khoảng tháng 1 đến tháng 3 hàng năm). Khi thủy triều xuống thấp, các bãi đá ven biển ngập tràn một màu xanh mướt, tạo nên một cảnh tượng vô cùng đẹp mắt.
Vào buổi sáng sớm, khi trời vừa hừng đông, khung cảnh tại bãi rêu càng đẹp hơn khi có sự cộng hưởng giữa bình minh hừng đỏ với màu xanh rêu xanh ngắt trên các bãi đá. Lúc những con sóng đánh vào bờ, bọt nước tung trắng xóa như lớp sương mờ ảo phủ lên mặt đá được ghi lại trong những bức ảnh chụp tốc độ chậm càng khiến khung cảnh trở nên huyền ảo.
Tuy nhiên, vào những hôm nước ròng, bãi rêu lộ thiên xanh mướt, nhiều khách tham quan thay vì chỉ đứng bên ngoài thưởng lãm và chụp ảnh lại vô tư giẫm đạp, nhảy nhót, lăn lộn tạo dáng… trên rêu bất chấp biển cấm.
Anh Nguyễn Minh Tú, nhiếp ảnh gia đến từ TP.HCM bức xúc: "Nếu ai cũng leo trèo lên đá, giẫm đạp lên bãi rêu thì du khách đến sau còn gì để chiêm ngưỡng, ngắm cảnh, chụp ảnh?".
Chị Thanh Ngọc, du khách đến từ TP.HCM nhận xét: Sau những 'bức ảnh thô bạo' ấy, rất nhiều mảng rêu xanh bị dập nát, bong tróc lộ ra các phiến đá trơ trọi dưới nắng thật thảm hại. Chưa kể những rác thải mà du khách để lại ngay trên bãi biển cứ trôi dập dềnh theo từng cơn sóng rất mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Không dừng lại ở việc giẫm đạp trên bãi rêu, nhiều du khách còn leo lên cổ thạch (có hình thù đặc biệt giống như "bà khòm") để tạo dáng chụp hình, bất chấp việc sẽ làm hư hại, gãy đổ di tích.
Việt Nam may mắn được trao tặng một vẻ đẹp thiên nhiên quý giá, chỉ cần chúng ta, mỗi người, góp một chút sức lực vào việc giữ gìn và bảo vệ, thì tất cả mọi người đều có được những trải nghiệm về một chuyến đi tốt đẹp.
Bình luận (0)