Phản ánh với Thanh Niên, chị Thúy Kiều, nhân viên văn phòng ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết ngày 3.11 chị đến bệnh viện khám bệnh. Do đã cài đặt ứng dụng VssID nên chị không mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy. Tuy nhiên, do quên mật khẩu, chị Kiều sử dụng chức năng “lấy lại mật khẩu” thì nhận được thông báo thu phí 1.000 đồng/tin nhắn lấy mật khẩu.
“Khi tôi cài đặt ứng dụng này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) quảng bá ứng dụng có nhiều tiện ích và hoàn toàn miễn phí. Vì sao bây giờ lại thu phí tin nhắn lấy mật khẩu của người dùng mà không thông báo trước. Mặc dù đây chỉ là khoản tiền nhỏ, nhưng ứng dụng an sinh xã hội tận thu của người dân như vậy là không hợp lý”, chị Kiều bức xúc.
Nhiều chuyên gia về an sinh xã hội cũng khá bất ngờ về việc thu phí nêu trên. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Việc người dân bức xúc khi nhận được thông báo thu phí cũng là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, khi lấy lại mật khẩu ngân hàng, chứng khoán… hoặc giao dịch điện tử khác đều không mất phí. Việc thu tiền tin nhắn khi lấy lại mật khẩu VssID là không hợp lý. Thêm vào đó, việc không thông báo rõ ràng, người dân buộc phải trả tiền trong trường hợp cần thiết dẫn đến tâm lý không thoải mái”.
Được biết, đến 18.10, toàn quốc đã có hơn 21,6 triệu tài khoản VssID được phê duyệt. Có tới 11,3 triệu tin nhắn quên mật khẩu (1 tin nhắn OTP để xác thực số điện thoại, 1 tin nhắn mật khẩu mới). Theo tính toán của Trung tâm công nghệ thông tin BHXH VN, với số liệu trên, có khoảng 5,6 triệu lượt người sử dụng quên mật khẩu (chiếm 26% người dùng).
Người ta miễn phí, còn “ông” thu 1.000 đồng/tin nhắn
“Trong khi không thấy ai thu phí việc “lấy lại mật khẩu”, thì “ông” VssID lại thu phí. Thật khác thường. Có khoảng 5,6 triệu lượt người sử dụng quên mật khẩu (chiếm 26% người dùng), cứ mỗi lượt 1.000 đồng/tin nhắn, thì thu được 5,6 tỉ đồng. Một con số không hề nhỏ. Nói vui, kiểu này thì nên khuyến khích mọi người quên mật khẩu để tăng thu cho bên cấp mật khẩu”, bạn đọc (BĐ) Hiền viết.
Mấy ông BHXH nghĩ lại xem tại sao có hàng triệu người quên mật khẩu? Vì mật khẩu của các ông rất khó nhớ, ai không quên mới lạ. 1.000 đồng/tin nhắn là số tiền nhỏ, nhưng hàng triệu người phải lấy lại mật khẩu thì số tiền không hề nhỏ đâu.
Khanh son
Sao IT không viết phần lấy lại mật khẩu trên app luôn, phản hồi bằng tin nhắn OTP, xác thực danh tính xong cấp lại mật khẩu mới và tự đặt lại mật khẩu theo ý riêng, mà phải thuê đầu số 8079 cho tốn phí. Đã công nghệ 4.0 mà còn xài tin nhắn lấy mật khẩu?
Tramhung
Cùng quan điểm, BĐ Hùng Vượng Lê chia sẻ: “Một người dân làm văn phòng thì có không ít hơn 20 loại mật khẩu như điện thoại, VssID, Sổ sức khỏe điện tử, PC-Covid, các app ngân hàng, điện lực, email, Grab, Facebook, user máy tính... thì không thể nhớ nổi khi ít dùng”. BĐ suu phan thì cho rằng: “Lý do đưa ra không thuyết phục”.
Tuy nhiên, cũng có BĐ ủng hộ… thu phí. BĐ Hoàng Nguyễn cho rằng: “Miễn phí thì lạm dụng, mỗi lần SMS là phải trả tiền cho nhà mạng đó các bạn, mật khẩu thì phải nhớ chứ mỗi lần quên lại SMS thì kinh phí nào chịu nổi. Ủng hộ thu phí”. Còn BĐ thanhphong4vn thì cho biết: “Đi ngân hàng lấy lại mật khẩu mất thời gian. Tốn 1.000 đồng/tin nhắn mà được việc”.
Đừng để mất thiện cảm của người dùng
Nói về việc thu phí cấp lại mật khẩu, BĐ Vĩnh Hùng nêu 2 thắc mắc: “1. Số phí thu được từ “cấp lại mật khẩu” dùng để làm gì, cho ai, bên VssID có thể cho biết được không? Lẽ ra VssID nên thông tin rõ ràng ngay từ đầu: người dùng phải nhớ kỹ mật khẩu, nếu xin cấp lại phải trả phí, để người dùng ráng mà nhớ chứ? 2. Khi lấy lại mật khẩu ngân hàng, chứng khoán… hoặc giao dịch điện tử khác thì đều không mất phí? Vì sao họ không “nâng cao trách nhiệm của người dân” như cách VssID đã làm?”.
Trong khi đó, BĐ Miền Đông đề nghị: “Nên nhớ, đây là app an sinh xã hội, đang mời gọi mọi người cài đặt và sử dụng. Việc thu phí kiểu này làm mất thiện cảm của người dùng đối với app rồi. BHXH rất nên tính toán lại”. BĐ [email protected] cũng cho rằng: “Khuyến khích mà hở ra tính tiền thì người dùng có hào hứng sử dụng nữa không, hay là bắt buộc nên muốn làm gì thì làm?”.
Bình luận (0)