Cụ thể, trong báo cáo ngày 2.6 gửi Bộ GTVT về tình hình số lượng, chất lượng và chế độ chính sách đối với người lái máy bay, Tổng giám đốc Vietnam Airline Dương Trí Thành cho biết mức lương trung bình (trước thuế) của một lái chính (cơ trưởng) máy bay B787 trong nước năm 2017 là 198 triệu đồng/tháng, tối đa 223 triệu đồng. Con số tương ứng từ 1.6.2018 là 205 triệu đồng và 246 triệu đồng. Lương trung bình của lái phụ (cơ phó) là 120 triệu đồng/tháng, tối đa 137 triệu đồng (năm 2017) và 124 - 150 triệu đồng/tháng từ 1.6.2018.
Trong khi đó, cũng cùng loại máy bay, lương trung bình của cơ trưởng nước ngoài từ 262 - 268 triệu đồng/tháng tùy theo hợp đồng đã ký với nhà cung ứng phi công (thu nhập sau thuế TNCN). Cơ phó nhận mức lương từ 181 - 199 triệu đồng.
Đại diện VNA lý giải phi công thuê từ nước ngoài phải thực hiện theo đúng quy định của thị trường quốc tế về chế độ lương cũng như tần suất bay. Ông Dương Trí Thành khẳng định lương VNA trả cho nhân viên nói chung cũng như phi cơ của hãng nói riêng hoàn toàn đúng với bảng lương đã báo cáo cho Bộ GTVT. Phi công VN thực tế nhận thấp hơn do họ phải thực hiện nghĩa vụ thuế, lương càng cao đóng thuế càng nhiều. Tuy nhiên phi công trong nước được hưởng rất nhiều đãi ngộ như thưởng tháng lương thứ 13, thưởng lễ, tết, hưởng chế độ y tế đặc biệt, chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tài khoản tối đa Tổng công ty mua cho phi công là 300 triệu đồng/người… những khoản mà phi công nước ngoài không có. Nếu cộng hết vào, thu nhập của phi công VN một tháng bằng khoảng 70% phi công nước ngoài.
Trước cáo buộc “bóc lột sức lao động”, ép phi công VN làm việc quá số giờ cho phép của Cục hàng không, VNA cũng thẳng thắn bác bỏ. Theo đó, giờ bay, tuyến bay của các phi công luôn được báo cáo liên tục lên Cục hàng không, chắc chắn tuân thủ đúng quy định và cho đến giờ cũng chưa có phi công nào có số giờ bay chạm mốc 100 giờ/tháng theo hạn chế của Cục, kể cả giai đoạn cao điểm.
Bình luận (0)