Bức xúc tình trạng “cán bộ thanh tra ngáo quyền lực”

15/11/2019 06:03 GMT+7

Thực trạng “một số cán bộ thanh tra ngáo quyền lực” được ông Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra, nêu ra tại hội thảo Thực trạng hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp nhà nước hôm qua (14.11) tại TP.Đà Nẵng.

Hội thảo do Thanh tra Chính phủ tổ chức, với sự tham dự của đại biểu các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo ngành thanh tra các tỉnh miền Trung - Tây nguyên. Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Văn Chiến cho rằng cần thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn.
“Tôi không nghĩ một cuộc thanh tra cần phải kéo dài đến 4 tháng. Tôi không nghĩ cuộc thanh tra có đến 21 người phải làm trong 4 tháng. Khi ra về, doanh nghiệp (DN) lại nơm nớp, chờ đợi một kết luận. Có cuộc thanh tra nợ đọng 22 tháng chậm tiến độ, nó quá căng thẳng”, ông Chiến nói và cho biết: “DN khó chịu vì thái độ làm việc của cán bộ thanh tra”.

“Có chuyện phong bì, cắt xén sai phạm”

Một vài cuộc thanh tra bị bắt vừa rồi, tôi nói với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ rằng tôi không ngạc nhiên chuyện họ bị bắt mà ngạc nhiên tại sao bây giờ họ mới bị bắt

Ông Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra

Cũng theo ông Chiến, thực trạng tồn tại bộ phận “cán bộ thanh tra, kiểm tra vừa dốt nát vừa ngáo quyền lực, đã dốt mà hay dọa nạt”. Với phong thái như vậy sẽ gây ra sự bức xúc; kết thúc cuộc thanh tra không để lại giá trị về nhận thức của DN mà họ còn suy nghĩ thêm cách chống đối. Bên cạnh đó, ông Chiến đánh giá “có chuyện phong bì, có chuyện tiêu cực, có chuyện cắt % phát hiện sai phạm”... “Một vài cuộc thanh tra bị bắt vừa rồi, tôi nói với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ rằng tôi không ngạc nhiên chuyện họ bị bắt mà ngạc nhiên tại sao bây giờ họ mới bị bắt. Bởi cách thức làm việc, thái độ và mức độ tiêu cực như vậy của một bộ phận cán bộ thì không thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là việc làm cần thiết”, ông Chiến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Trí, Chánh thanh tra tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện công tác thanh tra ảnh hưởng thời gian của DN. Nhiều DN phản ánh cán bộ thanh tra đi làm “là phải xác định bao nhiêu % mang về”. “Như thế thì ai quản lý cán bộ về làm gì ở dưới DN... Tôi quán triệt, sau khi công bố thanh tra thì mang hồ sơ về nhà làm, không ở lại làm việc tại DN và các địa phương”, ông Trí nói.
Ông Lữ Ngọc Bình, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho rằng hiện tồn tại việc xử lý không nghiêm kết quả thanh tra hoặc không tương xứng với thực trạng. Có chuyện thỏa thuận tiêu cực giữa cán bộ với DN dẫn đến thanh tra nhiều nhưng kết quả rất ít. “Yêu cầu tất cả những hoạt động kiểm tra phải công bố, phải có sản phẩm công khai. Sự công khai này sẽ làm áp lực làm nhiệm vụ, thay đổi trách nhiệm công chức làm nhiệm vụ thanh tra…”, ông Bình kiến nghị.

Đẩy mạnh thanh tra liên ngành để giảm chồng chéo

Ông Vũ Hồng Hải, Phó chánh thanh tra Bộ Tài chính, cho biết năm 2001, cả nước có 6.000 DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực. Đến hết tháng 12.2018, còn lại 561 DNNN, trong đó 495 DN 100% vốn NN
(143 DN thuộc các bộ, ngành; 352 DNNN thuộc các địa phương).
Hiện 66% DNNN đầu tư vốn vào 19 ngành lĩnh vực then chốt, như: điện lực, dầu khí, than, khoáng sản… DNNN đóng góp vào GDP khoảng
26 - 28%, chiếm gần 25% thu ngân sách NN; tổng tài sản hơn 30.105 ngàn tỉ đồng, nộp ngân sách năm 2018 khoảng 179.000 tỉ đồng. “Vốn lớn và dàn trải trên nhiều lĩnh vực khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra giám sát khó khăn, dẫn đến thất thoát, lãng phí vốn đầu tư và thực tế đã diễn ra việc kém hiệu quả của DNNN”, ông Hải nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho hay dù Thủ tướng quy định thanh tra DN 1 lần nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào điều phối, DN vẫn kêu bị thanh tra 5 - 6 lần/năm. Ông Vĩnh kiến nghị, cần tiếp tục tăng cường phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch giữa Thanh tra Chính phủ và kiểm toán; giữa thanh tra các bộ, ngành và kiểm toán khu vực để tránh chồng chéo về thời gian, nội dung. Cần thống nhất trong kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hằng năm trước khi ban hành nhằm giảm các cuộc thanh tra trùng lặp. Cần sớm ban hành hướng dẫn Chỉ thị 20 của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra DN, nhằm tránh cách hiểu tùy tiện về kiểm tra; đẩy mạnh hoạt động thanh tra liên ngành, nhất là một số lĩnh vực đặc thù, như thuế, hải quan…
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), phản ánh các cuộc thanh tra, kiểm tra có thời gian kéo dài và nhiều tổ nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thuộc EVN. Nhiều dự án của EVN chịu tác động của nhiều chính sách, đặc biệt liên quan đến công tác xây dựng, đầu tư giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vấn đề này còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn thực hiện, giải trình kết quả thanh tra, kiểm tra... EVN đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, thường xuyên đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra DN nhà nước (NN) qua đó phát hiện những chồng chéo trong các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho hợp với thực tiễn; các cơ quan giám sát kiểm toán, thanh tra cần thường xuyên trao đổi để đánh giá phân tích hiệu quả hoạt động thanh tra, tránh chồng chéo…
Cho rằng để xử lý những vấn đề chồng chéo trong thanh tra thì cần phải sửa đổi luật, ông Lữ Ngọc Bình kiến nghị Chính phủ cần ban hành ngay nghị định thanh tra, kiểm tra DN thay cho Chỉ thị 20 để đảm bảo tính pháp lý cao hơn...
Kết luận hội thảo, ông Trần Văn Minh, Phó tổng thanh tra Chính phủ, đánh giá qua các tranh luận cho thấy đề án về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý NN đối với DNNN; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN do Thanh tra Chính phủ xây dựng (dự kiến trình Chính phủ ban hành năm 2020) là rất quan trọng. Phó tổng thanh tra Chính phủ khẳng định Ban biên tập đề án sẽ tiếp thu ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để có bản dự thảo đề án tốt hơn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.