Bức xúc tội phạm nông thôn - Bài 2: Côn đồ lộng hành vì mức xử quá nhẹ?

13/11/2015 09:48 GMT+7

Một băng nhóm hàng chục côn đồ mang hung khí đi đánh nhau, bị công an chặn bắt, chỉ số ít bị phạt tiền. Còn lại, họ khai là đi dự sinh nhật, đi hát karaoke nên thoát tội.

Một băng nhóm hàng chục côn đồ mang hung khí đi đánh nhau, bị công an chặn bắt, chỉ số ít bị phạt tiền. Còn lại, họ khai là đi dự sinh nhật, đi hát karaoke nên thoát tội.

Hung khí của côn đồ dùng để gây án - Ảnh: Hoàng PhươngHung khí của côn đồ dùng để gây án - Ảnh: Hoàng Phương
Không biết” thì thoát tội
Cách đây chưa lâu tại Tiền Giang từng xảy ra vụ 63 côn đồ vườn xăm mình vằn vện, thuê 2 chiếc xe khách chở đồng bọn từ H.Cái Bè đến TX.Cai Lậy tìm đối thủ để giải quyết mâu thuẫn, xuất phát từ việc tranh chấp trong làm ăn. Băng nhóm này đã bị lực lượng công an chặn bắt kịp thời nhưng rồi không xử lý được, vì họ chưa… gây án. Điều đáng nói là qua khám xét, công an đã thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm như mã tấu, dao tự chế, gậy 3 khúc, roi điện và cả… lựu đạn (dùng để diễn tập) để ở băng hành lý trên xe, nhưng cũng không xử lý được.
Đó là băng nhóm do Nguyễn Quang Bảo, còn gọi là Bảo “điên” (30 tuổi, ngụ khu 2, TT.Cái Bè) cầm đầu. Bảo “điên” khai rằng hôm đó y nhận được cầu cứu từ một đàn em ở TX.Cai Lậy nên đã gọi cho 5 đàn em khác “cai quản” địa bàn dọc theo quốc lộ 1 từ TT.Cái Bè tới cầu Mỹ Thuận tiếp ứng. Rồi 5 đàn em này chịu trách nhiệm gọi thêm các đàn em khác dưới tay mình, cuối cùng tổng cộng có 63 côn đồ. Tuy nhiên, ngoài 5 đàn em do Bảo “điên” trực tiếp gọi, chỉ số ít khai nhận có thấy hung khí để trên xe và biết mục đích là đi đánh nhau thì mới bị xử phạt. Số còn lại khai là đi dự sinh nhật, đi hát karaoke, nên chịu thua!
Tại sao không xử được? Đại tá Nguyễn Văn Nhỏ, Trưởng Công an TX.Cai Lậy, lý giải: “Trong trường hợp đó họ chỉ mới tụ tập nhưng chưa xảy ra đánh nhau, vì vậy chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự. Còn tội gây rối trật tự công cộng thì hậu quả chưa xảy ra. Ví dụ như làm cho dân tập trung đông người, gây bất ổn... Đối với tội cố ý gây thương tích, nếu không kịp ngăn chặn thì hậu quả rất nghiêm trọng vì họ đem theo hung khí, chuẩn bị chém. Nhưng luật đòi hỏi cụ thể gây thương tích cho ai, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm? Do vậy Viện KSND sẽ không phê chuẩn vì “hậu quả tới đâu tính theo tới đó”. Tất nhiên, trong 63 côn đồ phải có kẻ chịu trách nhiệm về hung khí. Nhưng họ im lặng thì không thể chứng minh, cũng không quy cho “tập thể” được”.
Mặt khác, qua xét nghiệm có tới 21/63 đối tượng trong băng nhóm nói trên có sử dụng ma túy. Nhưng theo quy định thì mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy mới cấu thành tội phạm. Còn sử dụng thì được xem là nạn nhân và phải đưa đi cơ sở giáo dục. “Theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì muốn đưa đi cai nghiện phải có người có thẩm quyền của cơ quan y tế xác định tình trạng nghiện của người sử dụng ma túy. Nhưng hiện nay ngành y tế chưa tập huấn các cán bộ đủ tư cách pháp nhân để chứng nhận tình trạng nghiện của người sử dụng ma túy, vì vậy không thể đưa đi cai nghiện bắt buộc được. Còn nếu để người nghiện ở địa phương thì mỗi lần họ hút phải có tiền, không tiền thì đi ăn trộm, cướp giật... Thế là chỉ còn biện pháp phạt tiền. Nhưng đa số người nghiện không tiền nên rất khó chấp hành. Hơn nữa phạt tiền họ đâu có sợ”, đại tá Nhỏ nói.
Bắt dễ nhưng xử khó…
Theo đại tá Nguyễn Văn Nhỏ thì tình trạng côn đồ băng nhóm không chỉ thành thị mà cả ở vùng nông thôn, đâu cũng có. Trước đây nói cao bồi thành thị, bây giờ cao bồi vườn còn dữ hơn, nhưng việc xử lý còn nặng về giáo dục, chưa đủ sức răn đe. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến côn đồ ngày càng lộng hành.
Rất bức xúc, đại tá Nhỏ kể những câu chuyện bắt rồi nhưng không xử được, rồi hỏi “nhà báo có tức không?” Chẳng hạn, nửa đêm chủ nhà nghe tiếng động, giật mình thức dậy thì phát hiện kẻ trộm đang dắt chiếc xe gắn máy ra khỏi nhà. Ông tri hô lên, hàng xóm cùng đuổi theo bắt được kẻ trộm, còn một đồng phạm khác chạy thoát. Tưởng vậy là ngon rồi, nhưng tại cơ quan công an, kẻ trộm khai rằng hắn chỉ quá giang người bạn lên Sài Gòn. Dọc đường, bạn của hắn kêu ghé nhà bà con… mượn thêm xe để mỗi người một chiếc đi cho tiện. Người kia vào nhà lấy, còn hắn chỉ… dắt giùm thôi. Nhưng mượn xe gì lúc nửa đêm? Biết là hắn nói dối nhưng vẫn không xử lý được vì chưa bắt được đồng phạm.
Một câu chuyện khác: Chiều tối, một kẻ trộm lẻn vào trèo lên gác của một tiệm vàng ở xã Hậu Mỹ Bắc A, H.Cái Bè. Hắn đem theo dụng cụ “hành nghề” như dây thừng, móc sắt rồi nằm mai phục, định đợi đến tối lấy vàng xong sẽ cột dây từ trên gác trèo xuống đất. Nhưng gặp ông chủ nhà cẩn thận, trước khi ngủ đã đi kiểm tra, phát hiện kẻ trộm và bắt giao công an. Công an huyện đã ra quyết định khởi tố nhưng Viện KSND không phê chuẩn vì lý do hành vi trộm chưa hoàn thành và thiệt hại cũng chưa xảy ra. Cuối cùng kẻ trộm được “tha bổng” nhưng công an bị… hàm oan vì bị dân tố là “ăn hối lộ nên tha cho kẻ trộm”.
Đại tá Nhỏ cũng nêu ra những vướng mắc, bó buộc ngành công an. Ví dụ như đối với trường hợp chém người gây thương tích, ông nói chỉ cần nhìn qua là biết tỷ lệ đã quá 11% rồi. Nhưng theo quy định thì phải chờ điều trị, ổn định vết thương. Nếu vết thương nặng có khi phải mất cả tháng mới giám định được. Trong thời gian đó thì kẻ phạm tội cứ nhởn nhơ bên ngoài, khiến người dân bức xúc. Mặt khác, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng thì công an cấp xã và huyện chỉ được tạm giữ 12 tiếng đồng hồ. Trường hợp cần thiết có thể gia hạn thêm 12 tiếng nữa. Sau thời gian đó thì đành phải cho đối tượng về. Đây là lý do khiến gia đình nạn nhân phản ứng “công an bắt vô rồi thả”.
Lại có những trường hợp đã giám định xong, công an ra quyết định khởi tố, bắt giam, thì phía gây án chạy tới gia đình nạn nhân thương lượng xin bồi thường và gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại. Theo điều luật về tội cố ý gây thương tích thì giải quyết theo yêu cầu của bị hại. Do vậy nếu bị hại nói thôi, không xử lý hình sự nữa, thì công an phải thả ra, đình chỉ điều tra. Đó là chưa nói trường hợp côn đồ tới gia đình nạn nhân hăm dọa. Nạn nhân sợ quá nên làm đơn bãi nại. Nhưng thói côn đồ khó bỏ. Nếu vụ này ta làm không đến nơi đến chốn thì chúng làm tiếp vụ khác với mức độ gây án nặng hơn.
Vì các lẽ trên, đại tá Nguyễn Văn Nhỏ cho rằng muốn trừng trị được côn đồ thì các cơ quan pháp luật phải có quyền nhận định. Chẳng hạn nếu xác định đối tượng là côn đồ, nhiều lần đâm chém, có đầy đủ hồ sơ, thì cho dù nạn nhân bãi nại vẫn cứ xử lý. Có như vậy mới trị được băng nhóm côn đồ có tổ chức. “Đây là vấn đề khiến tôi bức xúc nhất vì luật quy định như vậy thì không thể làm khác được. Nhưng làm đúng theo luật, hoàn thành trách nhiệm rồi mà trong lòng cứ ray rứt, khó chịu và ấm ức”, đại tá Nhỏ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.