Bùi bùi đọt nhãn lồng quê tôi

24/03/2014 06:11 GMT+7

Trước đây, tôi chỉ được ăn loài rau dại này khi có dịp về quê. Nhưng khoảng một năm nay, tôi được thưởng thức nhiều hơn nhờ chúng đã có mặt tại một số chợ ở TP.HCM dù chỉ là thỉnh thoảng…

Trước đây, tôi chỉ được ăn loài rau dại này khi có dịp về quê. Nhưng khoảng một năm nay, tôi được thưởng thức nhiều hơn nhờ chúng đã có mặt tại một số chợ ở TP.HCM dù chỉ là thỉnh thoảng…

>> Lên Đà Lạt tìm ăn đọt su
>> Nhớ thương đọt mì chấm cá bống dừa kho

Những ai được sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ thì không hề xa lạ với loài rau dại thân dây này. Bởi từ lâu, nó đã đi vào câu hát ru con của người phụ nữ miền Tây. Ngoài tên nhãn lồng, nó còn có nhiều tên khác như chùm bao hay lồng đèn với thân dây mảnh mai. Chúng mọc hoang khắp nơi và rất dễ sống, có thể đeo trên mé lá dừa nước dọc bờ sông, trườn trên các vườn mía hay vươn mình trên các bờ giậu…

Mùa nắng nó hơi khô cằn tí, mùa mưa xanh mơn mởn, đọt lá vừa mập vừa mềm. Người quê hay ngắt ngang đọt với chừng 2-3 chiếc lá trên cùng về rửa sạch hấp cơm hoặc luộc chấm cùng nước cá lòng tong, cá cơm kho, hay thịt ba rọi kho tiêu, bùi bùi thơm thơm rất ngon. Thậm chí trong những ngày mưa lạnh, chỉ cần chấm với món kho quẹt cũng đủ cả nhà vét đến hạt cơm cuối cùng...

Bùi bùi đọt nhãn lồng quê tôi 1
Người quê hay ngắt ngang đọt với chừng 2-3 chiếc lá trên cùng về rửa sạch hấp cơm hoặc luộc chấm
cùng nước cá lòng tong, cá cơm kho, hay thịt ba rọi kho tiêu, bùi bùi thơm thơm rất ngon - Ảnh: Minh Tuệ
 

Người miền Tây hay hấp hơn luộc đối với đọt nhãn lồng bởi hấp sẽ có vị ngọt hơn so với luộc nhờ nước trong rau không bị mất đi. Mà hấp lại cũng rất tiện. Cách làm rất đơn giản: ngắt bỏ râu của đọt rau (vì các râu có vị đắng và hơi cứng) rồi rửa sạch để ráo nước, rồi đợi đến khi nồi cơm vừa được chắt nước xong là mở nắp ra để dĩa chứa đọt nhãn lồng vào đậy lại. Khoảng 15 - 20 phút sau rau sẽ chín vừa, hòa cùng hương cơm mềm dẻo thơm vô cùng.

Hồi đó, nhà tôi thường xuyên ăn loại rau này vì chỉ cần ngắt đọt là vài ngày sau dây cho đọt mới liền. Không chỉ hấp và luộc chấm với món kho, mà còn có thể nấu canh nữa. Tuy nhiên, để cho món canh ngon hơn, nên nấu chung với các loại rau khác thành món canh thập cẩm như rau bồ ngót, rau dền và rau mồng tơi cùng với nhúm tép bầu hay tép bạc trắng, bạc đất thì không còn gì tuyệt hơn. Húp nước canh ngọt không cũng đủ… tái tê lòng.

Tôi còn nhớ, nhãn lồng này không chỉ là món ăn yêu thích của người lớn mà còn là món trái cây ăn chơi thú vị của đám con nít nhà quê, nhất là con gái. Nếu người lớn thích nó vì hương thơm, ăn vị bùi bùi khi chấm với nước thịt kho thật hợp, đêm đến giúp giấc ngủ được ngon và sâu hơn sau một ngày làm việc cật lực, thì trẻ con thích vì những trái tròn tròn nho nhỏ đeo dọc theo thân dây.

Bình thường trái màu xanh, khi chín sẽ chuyển sang vàng. Trái chín ăn có vị chua chua ngọt ngọt thanh thao, nhưng chỉ ăn ở dạng nhấp nháp từ từ thấm hương vị chứ không bỏ vào miệng cắn bụp bụp được nên đám con gái thích ăn hơn con trai…

Cẩm Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.