img

Một tin vui với người yêu nghệ thuật hát xẩm khi bộ môn này đang trong giai đoạn đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này cũng tạo đà cho niềm đam mê xẩm lan rộng khắp đất bắc, với hơn 30 câu lạc bộ xẩm sinh hoạt rộn ràng ở các tỉnh thành mạnh về hát xẩm như Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội…

Trong số những cao thủ hát xẩm ở các câu lạc bộ, Bùi Công Sơn là người đang nắm giữ nhiều kỷ lục nhất về xẩm. 18 tuổi đã mở lớp dạy xẩm, chơi đủ loại nhạc cụ dân gian, từ nhị, nguyệt, tam, đáy, đến các loại trống… đồng thời tích cực góp phần lan tỏa đam mê nghệ thuật xẩm đến với đông đảo người ái mộ.

Thanh Niên đã có buổi trò chuyện thú vị với Bùi Công Sơn về chuyện xẩm, chuyện đời.

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 1.

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 2.

Thái Bình là đất chèo, duyên cớ gì khiến Sơn say xẩm?

Vì nó đời, xẩm kể chuyện đời, rất chân quê, gần gũi. Tôi đặc biệt thích xẩm chợ, bởi đòi hỏi người thể hiện giỏi nhiều nhạc cụ, thuộc nhiều làn điệu về xẩm, khác xẩm sân khấu, xẩm thính phòng…

Nghệ thuật dân gian cần nhiều yếu tố để phát triển, duy trì, trong đó có tính gia truyền, có đúng với hoàn cảnh của Sơn?

Nhà tôi chẳng ai theo nghệ thuật dân gian cả. Tôi sống với ông bà ngoại và bác từ nhỏ, ông là người am tường nghi lễ, lề lối, cách hành xử theo con người ngày xưa. Ông thường đưa tôi đi gặp các bậc cao niên, nghe đàm đạo, và khi được nghe xẩm, tôi đâm mê và thích cái khó của nó là kể câu chuyện của người khác nhưng khiến người nghe rung động.

Người ta hay nói "hát xẩm", sao Sơn lại dùng khái niệm "kể"?

Hát dễ, học là thể hiện được. Còn kể, cũng là bấy nhiêu chữ, nội dung giống nhau, nhưng chỉ cần cách nhả chữ, nhấn nhá, đưa đẩy khác nhau, làm cho câu chữ trở nên hấp dẫn, có hồn và phải khiến người nghe hiểu được cái nghĩa, cái tứ mình muốn kể.

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 3.

Hai người mẹ (bà ngoại và bác) trong lời tri ân “Ơn nghĩa sinh thành” của Xẩm Sơn

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 4.

Xẩm Sơn và nghệ sĩ quan họ Khánh Toàn (phải) đến từ Bắc Ninh

Vậy để "kể" cho hay, lại là kể chuyện của người khác, kinh nghiệm của Sơn là gì?

Càng thạo đời càng hay. Tôi dành 4 năm lang thang các chợ quê khắp tỉnh thành phía bắc, tích lũy kinh nghiệm sống, để hiểu đời hơn.

Nhiều người nghe Sơn hát xẩm thường có nhận xét giống với phong cách của cụ Hà Thị Cầu, Sơn nghĩ gì về điều này?

Trong xẩm có nhiều kiểu, xẩm thập âm, xẩm chợ, xẩm huê cầu… mỗi nghệ sĩ sẽ chọn theo đuổi một phong cách khác nhau, ví dụ NSND Xuân Hoạch theo cụ trùm Nguyên (Nguyễn Văn Nguyên), còn tôi thích xẩm chợ, nên theo phong cách cụ Hà Thị Cầu.

Cụ Hà Thị Cầu là "tượng đài" về xẩm. Để học theo, chắc chắn là không dễ, vậy Sơn làm thế nào?

Cái khó trong phong cách cụ Hà Thị Cầu, không chỉ là rèn luyện, mà phải hiểu ca từ, phải được sống và trải nghiệm thực tế. Tôi xây dựng phong cách theo căn gốc của cụ Hà Thị Cầu, rồi từ đó tạo thành phong cách của mình.

Xẩm chợ của Xẩm Sơn, nếu tả gọn, sẽ thế nào?

Các nhà nghiên cứu gọi tôi là giọng kim đồng, âm vực cao, phù hợp hát xẩm chợ, vì không gian chợ cần độ vang, cao, đạt mức độ âm thanh to, rõ. Hát xẩm chợ thì bỗ bã, đời, hợp phong cách dân gian hơn là giọng thổ đồng, hát trong đình, trong không gian hẹp, thính phòng.

"Thầy già, con hát trẻ" Được biết Sơn làm thầy rất sớm (18 tuổi), xẩm chợ lại cần kinh nghiệm, trải đời. Thế Sơn có gặp điều gì trúc trắc không?

Tôi khôi phục lớp xẩm ở Ninh Bình, quê hương cụ Hà Thị Cầu, từ năm 2017, đến 2018 chính thức thành lập, gọi là CLB xẩm chợ Lồng, xã Yên Phong, H.Yên Mô, Ninh Bình; học trò của tôi phần lớn là các bạn nhỏ. Mọi chuyện chẳng có gì khó khăn ngăn trở cả. Thầy trò chúng tôi mỗi năm đi thi đều đạt các giải thưởng cao về xẩm của khu vực và toàn quốc.

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 5.

Xẩm Sơn trao đổi kinh nghiệm kéo đàn nhị cùng các nghệ nhân dân gian trong làng chèo ở Thái Bình

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 3.

Được biết thời gian qua Sơn lập một nhà thờ tổ nghề xẩm ở quê hương Thái Bình, Sơn có thể chia sẻ về điều này?

Nghề xẩm có lịch sử hơn 700 năm, nhưng không có nhà thờ tổ, vì đặc thù mọi người đi hát, đến ngày giỗ tổ thường mượn hương án, dựng tạm bàn thờ ngoài đường chợ, ngoài đình để làm. Điều kiện sống bây giờ khác. Bắt đầu từ năm 2020, tôi quyết định dựng nên nhà thờ tổ, làm nơi giao lưu các nghệ nhân, nghệ sĩ, nơi lưu giữ hiện vật, tài liệu của xẩm để ai có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, nhà thờ tổ sẽ là nguồn thông tin đa dạng và chính thống về xẩm cổ của VN.

Qua gần 3 năm hoạt động, cái được của nhà thờ tổ nghề xẩm là gì?

Tôi may mắn được mọi người ủng hộ, toàn bộ nhà thờ tổ nghề đều do một tay tôi dựng lên, từ xây dựng, làm mộc, kiến trúc…, kể cả cách bài trí các ban thờ để thờ cúng tổ nghề và các nghệ nhân hậu tổ như cụ Hà Thị Cầu và chồng (trùm Mậu - cụ Nguyễn Văn Mậu)… Đây là nhà thờ tổ đầu tiên của nghề xẩm. Nghệ nhân khi hay tin, họ gửi tặng tôi nhiều vật dụng, từ cổ vật, các loại đàn, trống, sáo, các tư liệu sách báo, phim ảnh, băng ghi âm về hát xẩm do người Việt, người Pháp thực hiện từ cách đây gần trăm năm để tôi lưu giữ.

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 7.

Sơn mang xẩm đi chinh chiến khắp nơi, mỗi lần ca lại một khác biệt

Ngoài chuyện sưu tầm, lưu giữ hiện vật, tư liệu, còn hoạt động nào với nhà thờ tổ nghề xẩm mà Sơn tâm đắc?

Từ khi thành lập đến nay, hằng năm tôi tổ chức 4 cuộc giao lưu, gọi là "nhất niên tứ tiết". Nhà thờ tổ vào các dịp "tứ tiết" sẽ trở thành không gian văn hóa. Tôi gọi mời các liền anh, liền chị từ vùng quan họ Bắc Ninh, cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ của nghệ thuật chèo, hát văn, ca trù, đặc biệt là xẩm, từ khắp vùng Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ đến giao lưu với nhau trên tinh thần chia sẻ, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Mỗi lần họp mặt luôn mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, chúng tôi học hỏi nhau được nhiều điều.

Xẩm đang quay trở lại mang theo nhiều tín hiệu tốt, nhưng là người trong nghề, có điều gì khiến Sơn lo lắng với sự phát triển của xẩm?

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 4.

Đam mê cùng xẩm, hát xẩm, nghiên cứu, học hỏi, giảng dạy… Sơn còn muốn tìm say gì thêm ở xẩm?

Đầu năm sau tôi sẽ lên Hà Nội, học chuyên sâu về nghệ thuật dân gian để có cơ hội nghiên cứu một cách bài bản với xẩm, với nghệ thuật truyền thống. Việc học cũng giúp tôi nâng cao tính thống nhất và khoa học trong tập hợp tư liệu, tài liệu, để phục vụ cho việc lan tỏa xẩm đến với cộng đồng.

Cảm ơn Bùi Công Sơn về những chia sẻ thú vị.

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 9.

Không khí giao lưu các hảo thủ về chèo, xẩm, văn, ca trù, quan họ… do Xẩm Sơn tổ chức

Bùi Công Sơn, kẻ đời say với xẩm - Ảnh 6.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.