Bài thơ Bụi đỏ được Lê Nhược Thủy viết năm 1982, 10 năm sau khi anh đằm mình với nắng bụi mưa lầy, tháng ngày dạy học ở Pleiku. Tình yêu bay xa theo cánh chim/Rừng thông xanh một đời ở lại/Về đâu hỡi mùa hoa dâng trái/Bụi đỏ ngỡ còn cay mắt đêm…
Quãng thời gian mịt mù bom đạn giữa thập niên 1970 vắt qua những năm hòa bình khó khăn hậu chiến, của thập niên 1980, Lê Nhược Thủy sống với Pleiku mênh mang sương khói. Sự đối lập giữa một đời sống muốn có chút bình yên của người thầy giáo bên đám học trò hồn nhiên, lại bị vây quanh giục giã ác liệt của chiến tranh thuở nào, có lẽ đã in hằn trong anh dấu ấn về Pleiku, không thể nào quên. Cho nên phố phường cao nguyên một thuở thanh xuân như chiếc dằm nhói mãi trong anh với bao kỷ niệm. Cho đến bốn năm chục năm sau này, anh vẫn làm nhiều bài thơ về một Pleiku. Đẹp, thao thức và khắc khoải!
Cách đây 3 năm, vào khoảng thời gian đầu của đại dịch Covid-19 hoang mang dồn dập, ngồi ở nhà, anh gửi cho tôi chùm thơ đặt tên là Không đề. Cả 3 bài đều thể thơ lục bát và trong đó anh đều gửi gắm, đều rưng rưng nhớ về một nơi xa thẳm. Xa cả không gian lẫn cả thời gian. Nơi xứ điệp trùng rừng núi ấy, có lẽ trong anh từ lâu lắm, hiển lộ ánh mắt của nàng thiếu nữ Jrai hay tiếng cồng chiêng vọng vang một thuở. Mà khi đọc, tôi không thể nào quên viết đôi lời đề dẫn: "Pleiku - miền ký ức riêng anh, hóa thân thành chùm thơ lục bát ba bài, mỗi bài đúng vừa mười câu. Lối thơ 2 câu có thể tách riêng ra một bài, ngỡ như từng bậc dốc của những con phố quanh co muốn níu chân người. Viết riêng cho một vùng đất, nơi đó anh từng dầm mình sương chiều, gội vai nắng sớm"…
Sài Gòn chợt nhớ Pleiku
Tinh mơ dốc phố còn mù sương không
Ray rứt mãi, tiếng chiêng cồng
Đường về thôn bản bềnh bồng gót chân
(Không đề 1)
Hoặc:
Pleiku biết có còn không
Mùa trăng ẩm ướp cỏ hồng hoang xưa
Có còn ngày nắng đêm mưa
Tí tách bếp lửa lạnh vừa vòng tay
(Không đề 2)
Và:
Bâng khuâng từ độ trong thu
Rưng rưng mắt biếc Pleiku buồn buồn
Ngổn ngang chớp bể mưa nguồn
Lòng không dạ trống đời buông tơ chùng
(Không đề 3)
Để rồi bây giờ, trong tập Mắt núi tôi đang cầm trên tay, 3 bài thơ ấy được in trang trọng, như là một cảm thức dằng dặc hơn 50 năm, mà đôi lần trà dư tửu hậu, Lê Nhược Thủy nói rằng: "Thật khó quên được những con phố đèo dốc quanh co mờ mịt sương sớm, bảng lảng sương chiều, của những ngày đầu xách va li rời ngôi trường Đại học Sư phạm Huế năm 1972, lên miền xa ấy".
Nhưng khi anh nhắc Pleiku, là lúc anh nhớ thêm nhiều địa danh lân cận. Đó là lũng thấp An Khê thơ mộng, là Biển Hồ mênh mông sóng nước. Những nơi từng in dấu chân của một nhà thơ rất sớm vẽ ra nét u hoài bằng lối làm thơ khá kinh điển, thuở ấy: "Ta nhớ em vô chừng/Ngựa hoang đã đứng bên mùa thu nghiệt ngã/An Khê điệp trùng cây lá/Mà trong ta nắng võ vàng" (An Khê và An Khê). Rồi: "Biển Hồ gợn sóng long lanh/Tựa hồn thiếu nữ mỏng manh dại khờ/Cà phê giọt đắng giọt thơ/Uống tình phố núi nào ngờ trăm năm!".
Cái tình phố núi, cứ đeo đẳng một hồn thơ đã qua tuổi thất thập. Tập thơ khá mỏng, nhưng đọc xong ngỡ vẫn ẩn giấu rất nhiều điều…
Nhà thơ Lê Nhược Thủy (tên thật là Lê Hữu Huế) sinh năm 1949, quê quán ở Huế, tốt nghiệp cử nhân văn chương, Ban Việt văn - Đại học Sư phạm Huế năm 1972. Ông từng dạy học ở Pleiku 10 năm (1972 - 1981). Sau năm 1981, ông công tác ở Phòng Văn hóa thông tin Q.3 (TP.HCM), Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM. Sau đó, ông chuyển sang làm báo Thanh Niên, giữ chức Trưởng ban Thanh Niên chủ nhật và là thư ký tòa soạn báo in Thanh Niên cho đến lúc về hưu. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ.
Bình luận (0)