Bùi Hữu Hùng và sơn mài ngoại giao văn hóa

28/08/2020 07:00 GMT+7

Sự đắm chìm trong quá khứ cộng với kỹ thuật sơn mài thượng thừa đã giúp tác phẩm của họa sĩ Bùi Hữu Hùng “trụ thị trường” hàng chục năm nay.

Vàng son lịch sử

Khi không gian văn hóa Hanoia ở đình Đồng Lạc (Hà Nội) tổ chức nói chuyện về văn hóa truyền thống, về sơn mài, hai nghệ sĩ đã được mời đến. Đó là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và họa sĩ Bùi Hữu Hùng. Nếu như ông Đạt rất nổi tiếng với các điêu khắc sử dụng kỹ thuật sơn mài thì ông Hùng lại nổi danh vì những bức sơn mài kể câu chuyện vàng son dĩ vãng. Nhưng ông Hùng còn được chọn chia sẻ chuyện sơn mài vì kỹ thuật thượng thừa của mình.
“Nếu như có ai đấy kỹ thuật ngang với anh Hùng thì có nghĩa là có phúc cho sơn mài Việt Nam. Nhiều họa sĩ có thể vẽ được sơn ta, nhưng không ai có chất thợ như anh Hùng; rất nhiều họa sĩ có thể vẽ được sơn mài, nhưng không phải ai cũng là một người thợ sơn mài mà chữ THỢ phải viết hoa”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nói.
Ông Bùi Hữu Hùng, trước khi làm họa sĩ đã là một người thạo đường thạo lối kỹ thuật sơn mài nhờ những tháng ngày làm thợ giỏi. “Nhiều họa sĩ giỏi về kỹ thuật vẽ sơn mài nhưng một người vừa là nghệ sĩ vừa có thể làm sơn mài như một người thợ giỏi thì ở Việt Nam chỉ duy nhất anh Hùng. Trước khi làm họa sĩ anh ấy học Trường Mỹ nghệ Việt Nam (giờ không còn nữa) và học được với rất nhiều người thợ giỏi về kỹ thuật sơn mài. Vì thế các kỹ thuật sơn mài anh ấy nắm trong lòng bàn tay. Đấy là phần khác biệt của anh ấy”, ông Đạt chia sẻ.
Đã sẵn có kỹ thuật trong tay, chủ động đến từng giọt sơn ta mài tranh, ông Hùng cũng có đề tài rất riêng biệt. Những bức tranh của ông như đôi mắt chỉ nhìn về quá khứ, nhìn rất lâu về quá khứ và chỉ tìm thấy vẻ đẹp trong sự cổ xưa đó. Tác phẩm của ông thường vẽ về một đời sống đã qua từ rất lâu, với khăn vấn, những bộ trang phục cổ. Nhân vật thường có khuôn mặt bình thản, nhìn thẳng vào người đối diện. Họ đôi khi mặc yếm, có những lúc lại đủ lệ bộ cổ phục gợi về một gia phong vững chãi. Không khí của tranh thường trầm lắng, không niềm vui không nỗi buồn, không có chuyển động. Cảm giác như đó là một lát cắt của lịch sử mà ông đột nhiên làm ngưng lại.
Họa sĩ Bùi Hữu Hùng vẽ nhiều thiếu nữ, nhưng đó không phải là những nhân vật cụ thể. Đúng hơn đó chỉ là hình dung về đời sống xưa như nó đã từng. Ông cũng vẽ những chi tiết đời sống khác như lồng chim, những chuỗi hạt, dấu triện xưa, chiếc quạt, lư hương, bàn thờ… Có tác phẩm ông gần như chỉ thể hiện một mảng màu lớn vàng vừa có sắc óng vừa sâu xuống như đã trải qua nhiều năm. Nhưng ngay cả sự trống trải đó trên tranh cũng tạo cảm giác nhớ nhung quá vãng.
Màu của tranh Bùi Hữu Hùng khá kiệm dù ông có thể vẽ lên những sắc màu rất lạ, rất ít khi có trên tranh sơn mài. Thẩm mỹ này của ông định hình khá sớm và cũng giữ ổn định hàng chục năm nay. Cho dù không bao giờ nói đến không gian, thời gian mà mình đeo đuổi tái hiện, các tác phẩm của ông thường gợi nhớ những năm 1930. Đó gần như là những vàng son cuối cùng của thời kỳ phong kiến.
Bùi Hữu Hùng và sơn mài ngoại giao văn hóa1

Tác phẩm Em Xoan của họa sĩ Bùi Hữu Hùng

ẢNH: CỤC MỸ THUẬT - NHIẾP ẢNH - TRIỂN LÃM CUNG CẤP

Họa sĩ ngoại giao

Với sơn mài, ông Hùng có lịch trình nghề nghiệp với nhiều mốc đáng nhớ. Trước "Đổi mới", ông nhiều lần có tranh trưng bày triển lãm quốc tế tại Ba Lan, Bungary. Điều này cho thấy “màu dân tộc” trong các tác phẩm của ông sớm được đánh giá cao và cũng sớm được cho là sẽ thu hút cái nhìn về Việt Nam từ bên ngoài. Năm 1994, ông cùng các họa sĩ Trương Tân, Đỗ Minh Tâm, Lê Hồng Thái… lập nhóm Avand Garde và có triển lãm do sứ quán Đức tài trợ. Năm 1996 đánh dấu với việc ông mang tác phẩm Sân khấu cổ đến triển lãm sơn mài quốc tế Tokyo, Nhật Bản. Một năm sau, ông được mời trưng bày tại Singapore cùng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Chung… Các tác phẩm của Bùi Hữu Hùng sau đó luôn trong tình trạng mua bán rất đều.
Năm 2017, chương trình Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa bắt đầu công việc tạo quỹ tranh của các họa sĩ trong nước. Đây là sáng kiến của bà Đào Thị Liên Hương, Tổng thư ký Liên đoàn Các hiệp hội giáo dục và ngôn ngữ thế giới và ông Phạm Sanh Châu (Bộ Ngoại giao). Những bức tranh này được treo tại các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng như làm quà tặng ngoại giao cho các nước bạn. Đây cũng là năm Việt Nam tổ chức APEC, ông là một trong những họa sĩ cho mượn tranh để trưng bày tại các không gian khánh tiết quan trọng của sự kiện. Cùng với họa sĩ Hồng Việt Dũng, ông có nhiều tác phẩm đặc biệt làm quà tặng các nguyên thủ như Nhật hoàng, Thủ tướng Đức và Nữ hoàng Hà Lan.
Giờ đây, đời sống của ông cũng vừa trầm vừa vàng son như tác phẩm. Họa sĩ Bùi Hữu Hùng sống trong một ngôi nhà gần hồ Tây. Ông ít sử dụng điện thoại, khó liên lạc nhưng vẫn vẽ tranh đều đặn. Các tác phẩm của ông trong các trưng bày ngoại giao xác nhận ông là một họa sĩ mang màu sắc dân tộc rõ ràng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.