"Em còn nhớ chăng mùa đông đầu tiên Mátxcơva
Những cánh rừng tuyết rơi trắng xóa
Cây dương già khoác áo mới tinh khôi
Và tiếng cười em sưởi ấm chỗ ta ngồi" (Có một mùa đông Mátxcơva)
Thì tôi cũng nhớ lan man một ngày cuối đông Mátxcơva, khi tôi vừa sang đó để học một lớp ngắn hạn 3 tháng tại Học viện Văn học Maxim Gorki. Hình ảnh cánh rừng tuyết trắng xóa và cây dương già cô độc bên đường ngoại ô thủ đô Nga cứ ám ảnh tôi, lúc tình cờ tôi được bạn đưa đi chơi ra ngoại ô. Mùa đông ở Nga với tôi thật lạ, vì chưa bao giờ tôi thấy tuyết rơi. Có lẽ, Bùi Thế Đức cũng như vậy, khi lần đầu anh sang học ở Liên Xô.
Thơ Bùi Thế Đức thật lành, nhưng giống như "tiếng cười em", nó ấm. Nó có thể tình cờ "sưởi ấm chỗ ta chơi". Vì lúc ta đọc thơ, cũng là lúc ta chơi ấy mà. Nhưng Bùi Thế Đức còn một điều khi anh làm thơ khiến tôi rất thích, là anh yêu thiên nhiên. Tập thơ Hương vị thời gian của anh có thể hiểu "hương vị" ở đây là hương vị các mùa trong năm, nhưng quan trọng hơn, là hương vị của cỏ cây hoa lá. Thiên nhiên chính là thời gian hiện hữu, thời gian nhìn thấy được, yêu thương được.
Từ mùa đông nước Nga về với mùa xuân nước Việt, giọng thơ Bùi Thế Đức rộn rã hẳn. Đây là cảm giác xuân trong tâm hồn, nó khác với ý tưởng về mùa xuân, khác cả những thể hiện ngôn ngữ ca ngợi mùa xuân:
"Chim ríu rít ca vang
Lá thì thầm hòa nhịp
Mưa xuân rơi tí tách
Giã biệt mùa đông xa…" (Lắng nghe mùa xuân về)
Có âm nhạc trong đoạn thơ đầy hòa âm này, và ai cũng biết, khi người làm thơ biết thể hiện âm nhạc trong thơ, thì người ấy đã biết khả năng thể hiện của thơ rồi. Câu thơ "Giã biệt mùa đông xa" tạo cho người đọc một khoảng lặng, một chờ đợi. Thơ chứa rất nhiều khoảng lặng, đó là những "khúc giao mùa" trong thơ, khiến người đọc lặng lẽ mà rung cảm.
Và như một điều phải đến, cuối mùa xuân là những tiếc nuối nhè nhẹ, những "rung rinh" nhè nhẹ của tình cảm, của một cái gì thoáng gặp mà khiến ta nhớ mãi:
"Một thoáng gặp suốt đời anh nhớ mãi
Dẫu biết rằng ta chẳng thể riêng nhau
Gương mặt ấy… Và bồng bềnh mái tóc
Theo anh hoài
Tím mỗi hoàng hôn sau" (Tím mỗi hoàng hôn)
Tôi những muốn cùng tác giả thơ đi qua đủ bốn mùa, nhưng thơ không phải nói hết. Thơ chỉ gợi. Và những hình ảnh gợi cảm của thơ có thể theo người đọc đi qua từ mùa này sang mùa khác, một cách tự nhiên, hồn nhiên.
Rồi tôi bỗng dừng ở một bài thơ không nói về thời gian thiên nhiên, mà nói về thời gian của tình phụ tử, bài Chiều thu nhớ bố:
"Chiều giữa thu con về thăm bố
Đường nghĩa trang cỏ mọc xanh rì
Heo may thổi rì rào chiều vắng
Ngát khói hương thắp chốn bình an"
…
" Cả cuộc đời bố giành sự chăm lo
Nuôi dạy chúng con thành người có ích
Nói sao hết những nỗi niềm trăn trở
Của người Cha mong con cái nên người"
Bài thơ mộc mạc giản dị mà xúc động. Nó tới với tác giả lúc mùa thu thăm nghĩa trang nơi bố mẹ mình nằm. Nơi ấy, thời gian như ngưng đọng.
Là nhà thơ đã từng làm nhiều bài thơ về mẹ, nhưng với tôi, làm thơ về bố mình là khó nhất. Cách đây mấy năm, cuối cùng, tôi đã viết được bài thơ về bố mình, người mà tôi gọi bằng thầy. Như thế, mới thấy bài thơ về bố của Bùi Thế Đức dù giản dị nhưng không hề dễ viết. Nhất là khi người viết bài thơ ấy là con trai.
Nhưng Bùi Thế Đức đã có bài thơ về bố mình, đã có hẳn tập thơ về thiên nhiên hằng sống trong tâm cảm mình.
Thơ an ủi người làm thơ, là như vậy.
Bình luận (0)