Thế mạnh ẩm thực và áo dài
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, rất tự hào chia sẻ về thế mạnh ẩm thực của Huế. Vị này cho biết, hiện tại VN có 7 thành phố có dự định đăng ký trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO. Mỗi thành phố lại đăng ký một lĩnh vực riêng.
"Với TP.Huế, chúng tôi lựa chọn áo dài và ẩm thực. Huế gắn với áo dài và Huế cũng có nhiều di sản ẩm thực, như: ẩm thực cung đình, ẩm thực đường phố, ẩm thực chay rất nổi tiếng. Đây là hai lĩnh vực thế mạnh lớn của Huế, kể cả về văn hóa và về phát huy để làm du lịch", ông Hải nói.
Với mục tiêu phát huy ẩm thực nhằm quảng bá văn hóa, làm du lịch, ông Hải cho biết song song với việc đăng ký danh hiệu thành phố sáng tạo, việc đăng ký thương hiệu, các nhận diện cũng rất quan trọng. "Đối với ẩm thực, chúng tôi đăng ký nhận diện thương hiệu bún bò Huế; đồng thời, chúng tôi cũng làm hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL đưa bún bò Huế vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định một lộ trình lựa chọn món ẩm thực, sau bún bò Huế, là các món chè Huế, ẩm thực chay, ẩm thực cung đình… lần lượt làm thành hệ thống", ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, hiện việc nhận diện được thực hiện qua kênh của Sở KH-CN Thừa Thiên-Huế. "Xây dựng nhận diện hiện đều qua các kênh của sở KH-CN. Chúng tôi đăng ký nhãn hiệu, một số nhãn hiệu đã được đăng ký rồi. Chúng tôi cũng mong, người Huế nói riêng, người VN nói chung sẽ quen với việc có đăng ký nhãn hiệu. Chúng ta tuân thủ nhãn hiệu và bản quyền, đặc biệt là trong hội nhập", ông Hải nói.
Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó giám đốc Sở KH-CN Thừa Thiên-Huế, cho biết: "Năm 2019, Sở KH-CN Thừa Thiên-Huế tham mưu UBND tỉnh phê duyệt một nhiệm vụ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô ẩm thực" và giao Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế chủ trì. Sau đó, Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đang thụ lý hồ sơ để cấp bảo hộ".
Theo hồ sơ dự án "Huế - Kinh đô ẩm thực", mục tiêu đặt ra là: nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô ẩm thực" được đăng ký, xác lập quyền bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả trên thực tế. Dự án cũng sẽ tạo hệ thống tổ chức, công cụ, phương tiện, điều kiện để quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm dịch vụ mang nhãn hiệu này.
Theo đó, có một danh mục các món ăn đề xuất đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô ẩm thực". Bún bò Huế là một trong những món ăn thuộc danh mục này. Như vậy, bún bò Huế đang đứng trước việc có thêm một lần có chứng nhận sở hữu trí tuệ nữa. Trước đó, năm 2016, bún bò Huế đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, có hạn sử dụng đến 2026. Theo chứng nhận này, ai muốn sử dụng logo (như đã được cấp giấy) phải xin phép Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, sau đó là xin phép Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế. Nếu không có nhu cầu sử dụng logo này thì hoạt động bình thường.
Sau bún bò là bánh nậm, bánh lọc
Cũng theo danh sách Sở KH-CN Thừa Thiên-Huế cung cấp, có 6 nhóm món ăn được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô ẩm thực".
GIÚP KHẲNG ĐỊNH GIá TRỊ VĂN HÓA GỐC
Luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom) cho biết, việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sẽ giúp các cơ sở khẳng định được giá trị văn hóa gốc của mình. Ví dụ, ở nước ngoài có thể có nhiều cửa hàng nhận mình bán bún bò Huế, song lại bán một thứ bún bò nhạt nhẽo, sai lệch về chất lượng. Điều đó làm ảnh hưởng tới hình dung về món ăn di sản này. Vì thế, các điểm bán đúng đặc trưng bún bò Huế, được xác nhận qua logo chứng nhận có thể là "kim chỉ nam" để khách tìm tới, cũng là để hình dung về văn hóa Huế, ẩm thực Huế được đúng đắn hơn.
Tuy nhiên, theo bà Tám: "Dự án muốn xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận cho ẩm thực Huế, chỉ thực sự giúp được cho ẩm thực Huế nếu nhiều người sử dụng nhãn hiệu này. Nhiều cá nhân, đơn vị thấy lợi ích của việc sử dụng một chứng nhận sẽ gia tăng được niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm. Cần có thêm nhiều chương trình quảng bá ẩm thực cũng như kiểm soát chất lượng chặt chẽ để tăng uy tín".
Cụ thể, nhóm 1 - ẩm thực cung đình, gồm: bồ câu tiềm yến sào; cá bống (đao, mú) kho rau răm; chè hạt sen. Nhóm 2 - ẩm thực dân gian, gồm: cơm hến; bún bò Huế; bánh bèo; bánh nậm; bánh lọc; bánh canh Nam Phổ; bánh gói Hương Cần; bún Vân Cù; bánh khoái (bánh khoái thông thường và bánh khoái cá kình). Nhóm 3 - ẩm thực chay, gồm: súp măng tây; bánh gói chợ Cầu; mì căn nướng lá lốt. Nhóm 4 - đồ ngọt, gồm: bánh Phục Linh; mứt gừng Huế; mè xửng Huế; chè bột lọc bọc heo quay. Nhóm 5 - gia vị, gồm: tôm chua Huế; nước mắm ruốc Huế. Nhóm 6 - đồ uống, có trà ướp hoa sen.
Theo bà Trần Thị Thùy Yên, sau khi bún bò Huế nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, cũng đã có 5 cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu bún bò Huế. Phải nói thêm rằng, nhãn hiệu chứng nhận được hiểu là dấu hiệu mà sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó phải đảm bảo được các đặc tính, như: chất lượng, nguyên liệu, quy trình nhất định. Chỉ những cá nhân/tổ chức tạo ra được các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó thì mới được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đó.
Bình luận (0)