Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, lập nghiệp ở phương Nam. Hầu như năm nào tôi cũng về quê dăm ba bận, không phải họp hành thì cũng thăm thú người thân...
Ở đâu quen đó! Quả thật nếu tôi nói bị sốc trước cách phục vụ của một số quán hàng phía Bắc, dù không quá nhiều, nhưng lại hay rơi vào những quán có tiếng là ngon. Chủ quán “chửi” khách như hát hay thì thủ đô có vài điểm (có chỗ còn được lên báo ngoại quốc, oách thật), còn chửi phục vụ thì khó đếm hết. Tôi cũng đi đủ vòng từ bún chửi Ngô Sĩ Liên, cháo quát Lý Quốc Sư, xếp hàng bưng phở Bát Đàn vừa ăn vừa sợ đổ nước lèo vào người khác … để thẩm thấu đủ cái ngon (thật sự) và loại “nhạc đệm” không yêu cầu. Không gian các quán thường chật chội, nóng nực và khách lại đông gọi đồ ơi ới nên dễ gây tâm lý ức chế, đó cũng là một lý do. Nhưng họ đang bán dịch vụ chứ không phải ban phát. Ngạc nhiên là thực khách vẫn “ngoan ngoãn” nghe chửi và cắm cúi ăn như không.
Ăn phở phải xếp hàng và chờ người khác ăn xong đứng lên mới có chỗ ngồi là chuyện bình thường ở Hà Nội - Ảnh cắt từ clip
|
Tôi có hỏi ý kiến một anh bạn mà theo ảnh, gia đình đã sống gần trăm lăm ở Hà Nội đáp án là, quán ấy ngon, không đâu được vậy. “Kệ ló, ăn xong mình đi chứ có ở với ló đâu”. Đó cũng chỉ là một quan điểm.
Quay lại chuyện quán chửi khách và chửi nhân viên. Từ dân cặp táp xe hơi đến má phấn, môi hồng, khi được hỏi tại sao phải ăn trong không gian như thế, tôi đều nhận được câu trả lời tương đối chung: "Ngon. Chuyện chửi là thói quen thôi, mình không để ý là được. Dạng như Chí Phèo nó chửi cả làng Vũ Đại có ai ý kiến gì đâu, vì đó là chuyện của Chí." Ồ, vậy làng Vũ Đại được nhân rộng mô hình lớn nhỉ? Ăn vã mồ hôi như tắm, gia vị, khăn, tăm tự kiếm tìm trong không khí ồn ào trộn lẫn với tiếng chửi của chủ quán. Quả là đáng nể tính kiên nhẫn hay nhẫn nhịn?
Khó lý giải! Có lẽ chốt lại là do ngon, mà ngon thì ráng chịu đòn. Mà “chịu đòn” cả một tập thể không phản ứng cũng lạ, có thể ngay sau đó trong cữ cà phê hay trà họ còn khoe: "Tao vừa ăn bên bún chửi, cháo quát về, ngon vãi, nghe chửi tí cũng đáng!?".
Không những thế, người ta truyền tai nhau một cách đầy hứng khởi coi đó như một điểm đến lý tưởng của ẩm thực Hà thành. Điều này khiến không ít người cũng muốn đến thử một lần cho biết. Có bạn gái viết trên Facebook: "Quán ngon, đáng đi, chỉ mỗi tội bà chủ nói năng chửi rủa ghê quá. Nhưng kệ người ta, ngon là được".
|
Rác có nhiều loại, rác hữu cơ, vô cơ, rác thải công nghiệp và cả rác trong ngôn ngữ.... Một chị má hồng, jupe ngắn chắc chắn sẽ không ngồi cạnh xe rác mà húp bún. Nhưng chị sẵn sàng sì sụp trong một không gian đầy rác ngôn ngữ.
Khi bài báo trên CNN về “bún chửi” Hà Nội được phát đi, không ít anh hùng bàn phím tung hô phát ra thông điệp ẩm thực chân chính là đây, đã vang danh bốn biển. Người ta thấy trong cái hãnh diện đó lẫn lộn cả sự đáng thương.
Nghe nói, sau khi lên sóng CNN, bà chủ quán bún chửi đã bớt hẳn chửi. Có lẽ bà cũng ý thức được nhiều chuyện, nhưng nhiều khách hàng lại thấy thiếu thiếu vì mất đi cái "hồn" của quán. Chắc tương lai cháo quát, phở nhục mạ… ở đâu đó lại đắt khách vì còn khối người thèm được vừa ăn vừa nghe chửi.
Bình luận (0)