Tiếng bông đùa quen thuộc. Người Năm nhễ nhại mồ hôi.
- Bún con Năm Thóm được chưa?
- Từ từ, từ từ chú Năm. Mới múc, mới đun hà!
Là con bé Năm. Nó bán bún ở một góc thành phố Tây Ninh. Nó lích cha lích chích. Nhanh hơn con chim sẻ trên cây. Đường hai phố, vỉa hè đầy ra, sao cứ phải chui vô góc ngõ cụt bán chi cho cực? Con… con thích thế đấy. Còn ông Năm, ông sao hổng ra ngã tư to to kia kìa mà đứng cho đông khách.
- Đâu, đâu con Thóm?
- Đấy, chỗ chú công an giao thông đó!
- Con này, nhanh cho tau đi làm kiếm ăn. Không là mai tau cháy túi ở nhà ăn mì gói đó.
Minh họa: Tuấn Anh |
* * *
Cái con Thóm đó. Nó giờ lớn tướng. Nó vẫn bán bún, bánh canh ở cái ngõ cụt lủn. Đấy, sao bán được bây. Ngày nó có chục khách, vẫn ấm, vẫn cười hỉ hả ngập môi. Nó hai chín. Nó chẳng lấy chồng.
Âm ỉ sau lưng là tiếng xì xèo của bà con chòm xóm. Con gái có thì? Thôi, nó giã, nó chan, nó không để ý đàn ông đâu. Con gái lớn thì xuất giá đi? Còn Tư ai trông? Ai? Ai? Mấy cô mấy bà trả lời đi?
Nước mắt lưng tròng chỉ có trong thơ bé. Nước chảy trên má, dành lại cho tuổi thơ con Thóm.
Còn Tư. Tư chỉ biết ngồi. Tư cũng nắm chả. Tư cũng giã. Mỗi lần dồn hết tâm huyết và sự tập trung vào đôi cẳng tay bé xíu, sàn nhà lại tung tóe. Năm Thóm ra dọn sạch bong.
Không ai nói Năm được. Năm bán bún, bán bánh canh ngay cái góc xấu xí. May, cái cống hôi thối được lấp, mùi từ kênh bên đường cũng không bay tới. Năm tha hồ bán.
Ấy thế mà, một lời của Tư, Năm lấy chồng. Bán bún hăm hở bao nhiêu, lấy chồng tiu nghỉu bấy nhiêu. Gái lỡ thì, thằng Bảy già lấy cho là may. Tư cười hềnh hệch, Tư vui, Tư múa.
Mặt Tư ngây ngô. Mặt Tư nghền nghệt. Tư bê chồng bát đi rửa. Cái Năm Thóm lấy chồng. Ông Năm xe ôm bảo, nhà thằng Bảy giàu lắm. Thằng em rể giàu. Nó lo cho con Năm.
Choang! Bát đĩa rơi loảng xoảng. Con Năm đâu? Sao hổng thấy con Năm vô dọn? Mọi lần nó hăm hở dọn lắm. Nó sợ chị Tư dẫm phải miểng sành.
- Để tao. Con Năm đó đi gặp bà mối rồi. Có vẻ mày sẽ có em rể đó nghen.
- Có rồi ông Năm! Thằng Bảy giàu, thằng Bảy lo cho con Năm.
- Rồi ai lo cho mày?
- Con tự sống. Lúc nào hổng lên cơn, con bán bún con sống.
Ông Năm thở dài thườn thượt. Con Tư như thế, chân tay khùng khoằng, lúc tỉnh lúc mê, lúc dở lúc không. Thằng Bảy ông còn lạ gì. Cái thằng cờ bạc triền miên, nó mà nổi khùng lên thì con Năm đâu yên với nó. Nó hung dữ như chó ngao. Con Năm về đó sống sao?
* * *
Con Năm lấy chồng thật. Thằng Bảy cười hô hô. Trông vậy, con Năm trang điểm vô trông xinh đáo để. Nó như bơi trong váy cưới kiểu Tây rộng thùng thình. Hóa ra nó tên là Thơm. Cha đứa nào gọi là Năm Thóm. Có nghĩa quái gì. Ra nó lấy tên xấu để mọi người thương, rồi mua quà cho. Đặng nó còn nuôi cái Tư. Chao ôi con bé điêu toa.
Thằng Bảy vốn là “con nhà quan”. Cha mẹ mất, nó tha hồ phá mớ của cải ông bà để lại. Ông Chín rõ đức cao vọng trọng. Nhà giàu mà không coi khinh bà con. Ai khó, ổng cũng cho vay không lãi rồi xóa dần. Phúc đức quá mà sanh ra thằng Bảy, có lẽ đời trước ác ôn dữ lắm. Ổng đi rồi, bà buồn đi theo. Đám ổng, bà con khóc quá trời, chẳng ruột rà gì cũng khóc. Chỉ thằng Bảy không vui. Bà con nghèo, phúng viếng tí ti, đâu đủ bữa nhậu của thằng con bất hiếu.
Năm Thóm làm dâu thằng Bảy rồi, xinh xẻo được bữa thành hôn. Giờ nó chẳng khác gì con ô sin mấy. Con Tư ở một mình. Thằng Hai chết, thằng Ba biệt tăm. Năm xe ôm ngày nào cũng ghé qua trông, mang cho đồng quà, tấm bánh. Bà Ba tạp hóa lúc nấu cho bát cháo, bát canh. Bà có chồng còn ông có vợ, chăm con Tư thế là quá lắm. Ngày nào cũng ăn dăm ba câu chì chiết. Kệ, bơ đi mà sống thôi.
Con Năm mò về, giúi vội cho Tư cái gói. Chà, trông cũng nhiều đấy. Ông Năm rồi bà Ba mắng nó xơi xơi. Con Tư thấy Năm bị mắng, lao lên trước cãi lại. Rồi cũng nguôi. Ông Năm ngồi thụp xuống buông tiếng thở dài. Biết thằng Bảy là đứa vũ phu, sao còn cố lấy? Ông bà biết trước câu trả lời của con Năm rồi mà vẫn cứ hỏi. Nó không đủ tiền thuốc cho con Tư, nó đành nhắm mắt đưa chân. Bà Ba bưng ra bát bún, Năm xì xụp húp sạch không còn một giọt.
- Năm có sao hông Năm? Người có ổn hông Năm?
- Năm chịu được. Tư ráng thuốc thang cho tỉnh.
- Năm bỏ em rể Bảy đi. Tư hông chịu được!
- Năm còn hổng sao, Tư lo gì.
Vừa nói hôm trước, hôm sau con Năm đi viện. Ăn đòn vào bụng mạnh quá, thương tổn bên trong. Thằng Bảy tếch đi chơi, chỉ còn một ông xe ôm và một bà hàng xóm cũ cơm cháo chăm bệnh.
- Mẹ nó! Chồng thế này, mày bỏ đi ngay cho tao!
Ông Năm hùng hổ thế thôi, rồi con Năm chặn ông lại.
- Chú Năm, chú thương con thì tha cho ảnh.
- Mày, mày điên rồi. Gọi công an bắt nó đi!
Chửi vậy thôi, chuyện lại qua. Thằng Bảy đi đâu mất, con Năm cũng không thèm tìm. Nhà cửa trống hoang, người làm nghỉ hết. Một, hai rồi ba tuần mất tích, con Năm báo công an rồi kệ. Năm về ở với Tư. Ngồi không chán, Năm lại làm bún. Tư vui, Tư vẽ lại cái biển. Bún bánh canh Năm Thóm. Năm lại về ở với Tư. Năm khỏe, Năm không còn bị đánh.
Góc phố cụt lại nhộn nhịp, rộn ràng.
Ai không ưa mắt, cứ chửi, cứ mắng nhiếc, Tư chơi hết.
Con Năm như cái nhành hoa giấy. Gió thổi tung, cánh hoa bay tan tác, cái cành xơ xác vẫn trơ ra. Hoa còn không chết, cớ sao Năm chết?
* * *
Năm không chết, Năm chỉ phải chăm một cái nợ giời. Thằng Bảy vác cả gia tài đi đánh bạc. Lúc nó bị còng tay về, vợ nó, tức con Năm không khóc lấy một lời. Thằng Bảy phát điên. Nắng chiều vàng rực, chiếu rõ cái mặt hom hem của thằng chồng trời đánh. Năm chỉ cúi đầu. Đời nó có lúc nào sung sướng. Nó lần gói tiền kiếm được, bảo sẽ chăm lên thăm nom chồng. Thằng Bảy ngớ ra, nghĩ Năm nói điêu. Hành hạ như thế, đánh đau như thế, rồi bỏ vợ mà đi theo tiếng gọi đỏ đen. Cái nhà to rộng chắc cũng phải bán để trả nợ, để khắc phục hậu quả nó gây ra.
Góc phố vẫn còn quán bún Năm. Lại trở thành Năm Thóm. Cái tên Thơm đẹp quá, Năm chẳng cần. Năm chỉ cần là con Thóm vô duyên, ngày ngày gồng gánh bán bưng. Lưng con Năm hơi còng rồi. Trẻ mà đã cong cong. Tư lại phụ giúp nắm chả, bưng bê. Tư khá tỉnh, vẫn ngô nghê mà đỡ hơn, tay chân cũng không vụng về như trước. Nhờ bà Ba đi hỏi bác sĩ cách tập. Không tự thương mình thì trời thương cho. Bà hàng xóm và ông xe ôm giúp quá trời rồi. Tư bưng ít hơn mà chắc tay, không rơi vỡ nữa. Tư vui, Tư cười suốt ngày.
Hồng nhan mà bạc phận, đây con Năm đã có phận nghèo, phận khổ từ bé, lại thêm cái phận chồng. Thằng Bảy bị xử mười năm. Mười năm đổi lấy một câu xin lỗi. Thằng xấu xa cả đời không xin lỗi ai, giờ cũng biết xin lỗi sau ba lần con vợ khốn khổ lên thăm nuôi. Chấp hành hết hình phạt, con Năm cũng bốn chục, còn cải tạo tốt thì vợ mới chỉ ba bảy, vẫn đẻ được. Hôm nọ, có anh cán bộ nói, một thời gian sẽ xem xét cho vợ chồng một buổi gặp nhau trong phòng kín, muốn làm gì thì làm.
Ba mươi ba, con Năm Thóm, khệ nệ bưng tô, bưng bụng.
Góc phố râm ran. Con Tư chạy bàn luôn tay. Không chạy sao kiếm đủ tiền nuôi cháu.
Bình luận (0)