Sức khỏe
Hơn 40 năm bún mọc Thanh Mai
Với hơn 40 năm kinh nghiệm làm món bún mọc, chả kể từ lúc đi bán dạo. Cô Mai đã ghi dấu trong lòng thực khách bởi vị nước dùng ngọt mà thanh, mọc, chả không hàn the vẫn ngon, thơm mùi thịt, nấm mèo. Đặc biệt toàn bộ nguyên liệu đều do quán tự chế biến để đảm bảo chất lượng.
Ẩm thực
Bún mọc xứ Bắc khẩu vị Sài Gòn
Ngoài món phở nhất hạng thì một trong những món ăn sáng mà người Bắc di cư mang vào miền Nam đã trở thành phổ biến là món bún mọc, miền Nam gọi là bún mộc. Sài Gòn có rất nhiều hàng bán bún mọc ngon. Ở những hẻm phố khu ông Tạ, Phạm Thế Hiển, Xóm Mới... hàng bún mọc bình dân sáng nào cũng đông khách. Sang hơn là những cửa hàng chuyên bán bún mọc ở đường Phạm Văn Hai, Lê Văn Sĩ, Trần Quang Khải... Tuy nhiên, ở các cửa hàng bán đủ mọi thứ món ăn sáng nhất là ở những khu người Bắc mới nhập cư thì món bún mọc lại ít ngon. Giải thích về điều này, ông Đạt, một người Bắc di cư nói: "Biết là có thứ bún mọc được quảng cáo là đúng gốc, nhưng với người vào Nam lâu như tôi thì đúng hương vị gốc chưa hẳn là khoái khẩu, phải thêm khẩu vị quen thuộc của người tha hương ở Sài Gòn mới thật là ngon miệng."
Ẩm thực
Những món bún Bắc ngon khó cưỡng
Nhiều món bún Bắc “di cư” vào Nam như bún chả, bún thang, bún mọc, bún riêu, bún đậu mắm tôm... đã được người Sài Gòn đón nhận nhiệt tình. Thậm chí nhiều người Bắc thưởng thức những món này ở Sài Gòn còn công nhận ngon hơn cả nguyên bản. 1. Bún thang tinh tế Trong số các loại bún Bắc thì bún thang được liệt vào loại khó nấu nhất và cầu kỳ nhất. Nhiều quán cũng treo biển “bún thang” nhưng người sành ăn vào ăn thử thì thấy không đúng, bởi bún được nấu cốt cho no bụng, không đủ vị, không phản ảnh đầy đủ sự tinh tế của bún này. Muốn biết bún thang Hà Nội xưa thế nào, hãy xem nhà văn Vũ Bằng miêu tả trong cuốn Miếng ngon Hà Nội: “Bún chần (trụng) kỹ, đơm ra từng bát rồi trứng tráng, giò thái chỉ, thịt gà băm với nấm hương, ruốc, tôm he, rau răm cũng băm nhỏ; giữa, một hai miếng trứng muối đỏ như hoa lựu: tất cả những thứ đó tạo thành một bức họa lập thể có những màu sắc rất bạo mà lại ưa nhìn trông vui mà lại quý. Quý, nhưng mà làm cho thang ngon, nhất định là phải nhờ ở nước dùng nấu cách nào cho thật ngọt, mà đừng béo quá, lúc chan vào bát bún nóng cứ bỏng rẫy lên. Lúc đó, một chút mắm tôm cà cuống đệm vào làm tăng vị của thang lên đến cái mức ăn ngon gần như “không thể nào chịu được”, nhất là thỉnh thoảng ta lại đệm vào một miếng củ cải trắng nõn trắng nà, ngâm nước mắm tốt, nhai cứ giòn tanh tách.” Theo nhà văn thì món ăn này thuộc dạng món quý, chỉ dùng vào ngày giỗ chạp hay trong dịp Tết - vào hôm hóa vàng.
Ẩm thực
Phong phú bún ngon Sài Gòn
Nói về bún ngon Sài Gòn, thật khó để xác định món nào là đại diện, là món chính thống ở đất Sài thành. Bởi vì có rất nhiều món bún độc đáo từ khắp các vùng miền tụ hội về đây, hình thành nên một diện mạo thật phong phú của bún Sài Gòn. Như quán bún nhỏ trong con hẻm nhỏ này vậy. Quán quy tụ gần như đầy đủ các món bún từ Bắc chí Nam như bún mọc, bún riêu cua, bún bò Huế, bún bò viên, bún măng gà... Đó là chưa kể, nồi nước lèo có thể "linh động" bán chung cho các món hủ tiếu, nui, bánh canh, miến hay thậm chí là bánh đa cua, canh bún. Đây cũng là cách bán khá thông dụng ở Sài Gòn, bạn có thể tùy chọn loại bún mình thích và ăn kèm với món nào cũng được. Phong phú là vậy, nhưng khi đứng riêng từng món vẫn thể hiện được bản sắc của mình. Đơn cử như món bún riêu với phần nước dùng khá đặc biệt, bên cạnh vị ngọt của cua đồng còn được nấu với sườn non để tăng thêm độ ngọt và đậm đà. Điểm độc đáo của món này có lẽ là phần mai cua đồng được khéo léo nhồi thịt rất hấp dẫn. Tô bún riêu nóng hổi dọn ra, chỉ nhìn thôi đã thấy thích mắt với hằng hà sa số những món ăn kèm như huyết, riêu cua, đậu hủ. Màu sắc của tô bún cũng quyến rũ hơn rất nhiều so với nguyên bản xứ Bắc, với sắc đỏ từ cà chua xào lấy màu và màu điều.
Ẩm thực
Ăn bún mọc và nhớ... Nguyễn Tuân
Nhắc đến bún mọc, người ta lại nhớ đến nhà văn Nguyễn Tuân. Vì xuất xứ của món bún dân dã này là làng Mọc (Nhân Mục - Nhân Chính), nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nét độc đáo của bún mọc là ăn với giò sống (thịt mông heo xay hoặc giã nhuyễn, gọi là mọc hay mộc), người ta sáng tạo ra nhiều thứ để cho tô bún mọc có hương vị thật phong phú. Giò sống trộn với nấm mèo (mộc nhĩ) thái nhỏ sẽ cho miếng mọc giòn sần sật, ăn rất thú vị. Giò sống nếu gói bằng lá chuối rồi luộc lên tạo thành chả (giò) lụa thơm ngát. Và, để có miếng chả quế thơm lừng thì chỉ cần cho bột quế vào giò sống rồi nướng lên. Tùy theo chỗ bán mà món bún mọc có thể có những loại “nhân” khác nhau. Nếu muốn ăn hương vị thanh tao thì tô bún mọc thường chỉ gồm lát chả quế, lát giò lụa mỏng, vài miếng mọc nấm mèo. Thích có “chất” hơn thì thêm miếng chả chiên, sườn heo hoặc giò heo nạc, móng giò hay giò gân.
Ẩm thực