Bún rạm mực nháy ở TP.HCM, thử để biết món ngon đặc biệt này

13/11/2022 14:32 GMT+7

Bún rạm mực nháy, có lẽ với nhiều người, chưa từng nghe đến tên gọi món ăn này. Bún rạm thì không lạ, vì có nơi đã bán từ thời xa lơ xa lắc rồi. Mực nháy cũng không lạ, chỉ có điều ở phố thị Sài Gòn thì khá hiếm. Lạ là, từ 2 món “không lạ” ấy, kết hợp với nhau, thì thật sự ngon lạ lùng luôn.

Con rạm là loài giáp xác thuộc họ cua. Với thân nhìn nhỏ hơn nhiều so với loại cua đồng, thân hình thì mỏng dẹt hơn cua đồng. Chính vì vậy, nhiều người nhầm tưởng và thường không phân biệt được 2 loài vật này. Rạm sống trong môi trường nước lợ, xuất hiện nhiều vùng biển miền Trung, Bắc.

Nguyên liệu chủ lực làm ra món bún rạm mực nháy, là rạm biển và mực nháy. Rạm biển được ngư dân Phú Quốc đi thả lưới, bắt trong đêm, sáng vô bờ vẫn còn sống. Mực nháy, thì ngư dân đi câu đêm, sáng vô bờ, mực vẫn còn sống. 2 nguyên liệu này, được ship máy bay vào TP.HCM, đến nơi vẫn còn… nháy.

Độc đáo tô bún rạm với món mực nháy "đi máy bay" tại Sài Gòn

Nói về độ ngon của món ăn, thường cảm nhận tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người, tùy theo “ngữ cảnh” của mỗi người khi ăn món đó. Có khi chỉ ăn một gói mì tôm chế nước sôi, trộn thêm cơm nguội để ăn, có người rất khoái, nhưng cũng có người chẳng bao giờ ăn. Rồi ăn những món “sơn hào hải vị”, nhiều người khoái vì ngon, mà rồi cũng có người lại chê vì chỉ thích dân dã.

Cảm nhận ngon dở, nhất là độ sảng khoái mà nói như ngôn ngữ tuổi teen, tùy theo cảm nhận mới mẻ của mỗi người, là vậy.

Tô bún rạm mực nháy quán Cô Mỹ, số 240 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3

ĐÌNH PHÚ

Tôi ăn món bún rạm mực nháy ở quán Cô Mỹ (số 240 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM) thật sự thấy khoái quá. Vợ con tôi ăn rồi, nói rất khoái. Bạn tôi ăn rồi, cũng bảo khoái. Khoái vì món ăn ngon và lạ miệng, rất tinh tế và công phu trong việc kết hợp những nguyên liệu rất chi là phổ biến trong đời sống ẩm thực hằng ngày của mọi người mọi nhà: rạm, mực, bún tươi, dưa leo, giá cọng, các loại rau…

Ở TP.HCM 12 năm, rồi qua biết bao câu chuyện ăn uống với anh em bằng hữu trước đó, thì chưa bao giờ tôi thấy nhắc đến bún rạm mực nháy có ở TP.HCM. Cho nên tôi nghĩ rất nhiều người cũng thấy rằng, món ăn mới mẻ này, quả là có một không hai nơi phố thị Sài Gòn.

Phần nước rạm và thịt rạm biển vàng hươm, tươi thơm ngon ngọt

ĐÌNH PHÚ

Bún rạm, thật ra là một món ăn xuất hiện từ rất lâu rồi, gắn liền ký ức của biết bao thế hệ rồi, nhất là với người Xứ Nẫu - Bình Định. Một món ăn dân dã từ ruộng đồng, biển cả, phong vị tươi thơm mà đậm chất quê nhà.

Hồi trước, 8 năm sống và làm việc ở Bình Định, không biết bao nhiêu lần tôi đã ăn món bún rạm. Ăn từ phố thị Quy Nhơn, đến các hàng quán nhỏ ven đầm Trà Ổ - Phù Mỹ… Ăn ở đâu cũng thấy ngon, vì nó lạ miệng, dễ ăn.

Khách thưởng thức món bún rạm mực nháy ở quán Cô Mỹ, 240 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM

Hồi ấy, nhiều lần tôi mời anh em từ xa đến Quy Nhơn, buổi sáng đi ăn bún rạm, khoe là món “quốc hồn quốc túy” của Xứ Nẫu, ai cũng tấm tắc khen. Người Xứ nẫu cũng vậy, cũng rất hay đãi bằng hữu phương xa món bún rạm ấy.

Mực nháy là mực còn sống, khi nhúng qua nước sôi, ăn sực sực tươi ngon đặc biệt

ĐÌNH PHÚ

Anh Ngọc Thịnh, chủ quán Cô Mỹ chỉ chuyên món bún rạm mực nháy, có một ngôi nhà nhỏ ở làng chài ngoài Phú Quốc (Kiên Giang). Ở làng chài này, món gì bắt lên từ biển cũng tươi rói, nhất là rạm biển (để làm món bún rạm), các loại cá, và đặc biệt nhất là mực nháy. Mực câu lên từ biển trong đêm, sáng sớm các ghe thuyền vào, mực còn sống hết, còn nháy nháy lớp da trông rất đã mắt và thấy thèm.

Món ăn bún rạm mức nháy là sự kết hợp có một không hai, lần đầu tiên "ra mắt" với thế giới ẩm thực

ĐÌNH PHÚ

Cạnh nhà ảnh, có quán bún rạm mà tôi cảm nhận là đặc biệt ngon, phục vụ bà con lối xóm với đa phần là dân lao động, đi biển. Có lần chúng tôi ra thăm chơi, sáng đi ăn bún rạm. Một anh bạn trong nhóm mua sẵn mấy ký mực nháy, mang qua quán bún rạm, nhờ anh Út Dư - chủ quán bún rạm nức tiếng làng chài ấy, nhúng 1 loáng vào nồi nước sôi, rồi bỏ kèm vào mỗi tô bún rạm.

Bún rạm mực nháy “ra đời” từ dạo ấy! Ăn thiệt đã làm sao. Lâu rồi mới ăn món ngon, ai cũng ăn thật sâu. Ăn hết tô bún rạm kèm mấy con mực nháy rồi vẫn thấy thèm thèm. Mà thường là ăn chi xong, vẫn thấy thèm, thì chắc rằng món đó không hề dở chút nào. Có lẽ nhiều người có chung cảm giác ấy như tôi.

Tô bún rạm mức nháy của quán Cô Mỹ

ĐÌNH PHÚ

Rồi thật bất ngờ, một hôm nghe tin ảnh mở quán bún rạm mực nháy. “Thấy ngon, lạ, mở quán giới thiệu và phục vụ anh em, bằng hữu”, anh vui vẻ chia sẻ vậy. Tôi nói vui: “Vậy ngon rồi. Khi thèm anh em khỏi ra tận Phú Quốc ăn bún rạm mực nháy”. Mà nói ra Phú Quốc ăn bún rạm mực nháy, cũng đâu có quán nào, chỉ ở quán không tên của anh Út Dư trong làng chài, chúng tôi kết hợp thêm mực nháy, mới ra… bún rạm mực nháy ấy.

Ăn hết tô bún rạm kèm mấy con mực nháy rồi vẫn thấy thèm thèm

đình phú

Mỗi chúng ta đều có tình thân, có quê nhà. Quê nhà ấy chất chứa bao ký ức và kỷ niệm, mà trong ấy luôn có một phần không nhỏ về đời sống ẩm thực nơi quê nhà, những món ăn bà nấu, mẹ nấu, chị nấu... Đi đâu, đi bao lâu, có quên gì thì quên, nhưng món ăn quê nhà hẳn không ai có thể quên được. Yêu quê nhà, thương quê nhà, có phần vì những điều thật giản đơn mà gần gũi, thân thương như thế.

Mực nháy nhúng qua nước sôi trước khi ăn kèm với bún rạm

ĐÌNH PHÚ

TP.HCM là nơi chốn mưu sinh và gắn bó với biết bao người xa quê. Ở thành phố này, dường như món ăn quê nhà của xứ nào cũng có. Nhiều hàng quán đã trụ lại được với Sài Gòn, vì họ biết nâng niu những món ăn đậm đà, họ “bán - mua” được phong vị thôn dã, để cho nhiều người thầm nghĩ là “chỉ để dành riêng cho mình”.

Ăn uống đâu chỉ thuần túy để no cái bụng. Ăn ngon, lạ miệng mà còn đậm tình quê nhà, được ăn như thế, tôi nghĩ là một giảm giác cũng thật sự rất khoái.

Ăn để thử, để trải nghiệm, mà bất ngờ thấy ngon, cũng là một cảm giác rất đã.

Nguyên liệu chủ lực làm ra món bún rạm mực nháy, là rạm biển và mực nháy. Rạm biển được ngư dân Phú Quốc đi thả lưới, bắt trong đêm, sáng vô bờ vẫn còn sống. Mực nháy, thì ngư dân đi câu đêm, sáng vô bờ, mực vẫn còn sống. 2 nguyên liệu này, được ship máy bay vào TP.HCM, đến nơi vẫn còn… nháy.

Khi chế biến, thì bỏ đi phần vỏ rạm, chỉ lấy thịt và xay nhuyễn, nấu nước lèo khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ. Mực nháy nhúng 1 loáng vào nồi nước sôi sùng sục, liền đó bỏ chung vào tô bún rạm mang ra cho khách thưởng thức. Thoáng nhìn tô bún, đã thấy thèm.

Tô bún rạm đầy đủ gồm có nước rạm và thịt rạm, mực nháy, một ít bún, rau thơm, dưa leo bào, giá cọng, xà lách, ngò, hành lá… Chén muối chấm được xay nhuyễn từ muối, ớt, tiêu, và khi ăn thì vắt thêm quả tắc (quất) để dùng làm nước chấm mực nháy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.