20K là cách
giới trẻ gọi tô bún quán của Trương Ngọc Huy, tức là một tô đầy đủ nguyên liệu, vừa bún rau, thịt, chả giò, nem, bì là 20.000 đồng. Ai ăn khỏe, muốn xin thêm bún, rau, mỡ hành, nước mắm bao nhiêu cũng vô tư, chỉ thêm thịt hay nem thì tính thêm tiền. Cái giá 20K đã có từ suốt 3 năm nay, khi Huy
khởi nghiệp với nghề bún thịt nướng. Chính vì thế, mà mấy tiếng buổi sáng, ở cái quán nhỏ xíu trước số nhà 202 Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM khách ngồi kín và xếp hàng để mua về món ngon từ ông chủ trẻ.
Thầy giám thị đổi nghề với bún thịt nướng
Huy năm nay 37 tuổi, sinh ra ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Khi anh đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, gia đình anh gặp biến cố, ba mẹ phải bán nhà để trả nợ. Huy phải nghỉ học, tự lo cuộc sống của mình. Anh có một thời gian làm trong nhà thờ, sau đó có gần 6 năm làm thầy giám thị tại Trường THCS - THPT Phan Châu Trinh, Q.Bình Tân, TP.HCM. Thu nhập ngày đó không mấy dư giả, khi lấy vợ, Huy về Bình Dương lập nghiệp.
Ông chủ dễ thương khởi nghiệp với nghề bún thịt nướng đã 3 năm
|
Học theo nghề nấu nướng của mẹ vợ, anh bắt đầu bán cơm tấm, xôi cho công nhân trước khu công nghiệp Mỹ Phước. Ngày đó, cơm tấm sườn chỉ 15.000 đồng/đĩa là ăn bao no, xôi cũng vài ngàn tới 10.000 đồng/phần là công nhân đủ sức làm từ sáng tới trưa. Món bún thịt nướng cũng là Huy được truyền nghề từ mẹ vợ, từ công thức ướp, nướng thịt, làm nem, cách pha nước mắm ăn là “ghiền”.
Tháng 9.2018, Huy trở về TP.HCM thuê nhà ở, bắt đầu khởi nghiệp với bún thịt nướng ở trên đường Bông Sao, P.5, Q.8. Có ông chú bên vợ giao thịt heo, Huy được ưu tiên giá gốc. Anh cũng tự tay đi chợ mua hết rau, hành… nên luôn được giá tốt. Chính vì thế mà tô bún của anh, đầy đủ, ăn bao no cũng luôn giữ giá 20.000 đồng suốt 3 năm qua.
Tô bún thịt nướng 20K, thoải mái lấy thêm bún, rau, mắm, mỡ hành, trà đá miễn phí
|
Mong ai cũng no bụng đi làm
Qua 2 mùa Covid-19, qua nhiều lần giá thịt heo tăng "phi mã", nhiều chủ quán đồ ăn cứ nhích dần giá, riêng quán của Huy, vẫn y nguyên. Tới mức, nhiều khách ghé quán ăn đã quen thấy rẻ quá còn thắc mắc với ông chủ “thịt heo mấy nay mắc quá, sao không tăng giá hả anh?”. Trả lời, Huy thành thật, anh thấy thương bà con lao động mùa dịch.
"Mình tăng thành 22, 23 hay 25K cũng được. Nhưng bây giờ bà con khó khăn quá, dịch Covid-19 này, người ta mất việc nhiều, có việc thì lương cũng giảm. Ở đây hiều công nhân, sinh viên ở trọ. Mình tăng vài ngàn, nhưng với họ cũng là số tiền nhiều, họ không dám ăn thì tội lắm. Tôi muốn ai cũng được ăn no để đi làm ”.
Nguyên liệu được anh Huy mua từ gốc
|
Huy cho biết, trước khi dịch Covid-19 tới, một ngày anh có thể bán hết hơn 20 ký thịt heo nguyên liệu cho các tô bún thịt nướng, sau 2 mùa dịch, chỉ còn bán được bằng 1 nửa. Song, anh không vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm mình, nguyên liệu làm phải đảm bảo sạch, an toàn
sức khỏe.
“Trừ đi chi phí, tôi lấy lãi ít chút, đủ lo cho vợ con là vui rồi. Nhiều bác bán vé số qua đây ăn, tội lắm, tôi không lấy tiền. Hoặc ăn 1 tô, tôi chỉ lấy lại 1 tờ vé số thôi. Ngày giá thịt heo cao quá, nếu bình thường một tô 5 miếng thịt thì tôi để 4 miếng, còn nem, chả giò, bì thì y nguyên. Tôi cũng không dám bớt rau nếu giá rau cao, mình chấp nhận không lời mấy ngày đó, chứ không để khách phật ý rồi không quay lại”, Huy giãi bày.
Sáng 10.3, chúng tôi ghé quán, Huy luôn tay nướng thịt, nem, làm bún cho khách. Có khách quen tự ra quầy, lấy thêm rau, bún, chan thêm nước mắm, mỡ hành. Chị Tiêu Tuyết Trinh và Tiêu Tuyết Hồng, 2 chị em trú đường Phan Phú Tiên, Q.5, TP.HCM, ăn quen ở quán 3 năm nay kể: “Một tuần tôi qua đây ăn chắc 4 bữa, ăn xong mua về, ít là 5 hộp, nhiều là 10 hộp cho bạn bè rồi mấy đứa cháu khó khăn ở gần nhà. Tôi ăn bún thịt nướng nhiều nơi, chỗ này thấy cưng nhất vì chủ quán dễ thương, hiền hậu. Ăn bao no, ngon, lại rẻ, thích thêm bao nhiêu bún, rau cũng được, mấy năm trời rồi vẫn có 20K”.
Chị Tiêu Tuyết Trinh là khách quen của quán
|
Anh Vương và các đồng nghiệp thường ghé quán
|
Còn anh Nguyễn Vương, 32 tuổi, làm ở một công ty nước suối kể quán bún thịt nướng mở được 3 năm, thì ghé ăn đã hơn 2 năm, có tuần ăn 3 bữa, ăn ngon quá thì giới thiệu cho hết đồng nghiệp, sếp và người nhà địa chỉ quán để ra ăn. Lý do của anh Vương là: “Miếng thịt không khô quá hay mềm quá, nước mắm thì vừa miệng. Người khỏe có thể ăn phần bún, rau gấp đôi người khác, nhưng anh chủ vẫn vui vẻ lấy thêm cho, không tính thêm. Trà đá nữa, có ly sử dụng một lần, uống cứ lấy thoải mái, không tính tiền”.
Người không sống ảo, dành thời gian cho vợ con
Nhiều thực khách chắc chắn chưa biết, phía sau một chàng trai bán bún thịt nướng tốt bụng còn là một người đàn ông rất
có trách nhiệm với gia đình. Đang mải nướng thịt dưới cái nắng hầm hập của Sài Gòn thì có chuông điện thoại đặt hàng, Huy lấy máy ra nghe. Chiếc điện thoại “cục gạch” bóng loáng vết mỡ.
Huy chỉ dùng điện thoại "cục gạch" từ trước đến nay
|
Chàng trai tốt bụng bán bún thịt nướng là cha một bé gái 3 tuổi chia sẻ, anh không có điện thoại thông minh, vì thế cũng không có Facebook, Zalo hay bất cứ tài khoản
mạng xã hội nào để “sống ảo”.
Điện thoại đi động, làm đúng chức năng của nó là nghe, gọi. Vì thế, trong những thời gian rảnh ít ỏi của mình, Huy dành nó trọn vẹn cho vợ, con. “Vợ ở nhà chăm con nhưng nhiều việc lắm chứ, tôi muốn giúp đỡ cô ấy. Vợ cũng cùng tôi chuẩn bị nguyên liệu, bún, thịt, chứ một mình tôi làm không xuể”, Huy kể.
Huy thành thật, anh luôn muốn làm những gì tốt nhất cho vợ con. Tối chủ nhật là lúc cả nhà vui nhất, khi mọi thứ đã sẵn sàng cho ngày bán hôm sau, anh đưa vợ con đi dạo phố, ăn kem. “Tôi luôn nghĩ tới ngày gia đình tôi không phải còn đi ở trọ, hai vợ chồng, con gái tôi có được căn nhà đầu tiên của mình. Ước ao đó khiến mỗi ngày tôi làm việc đều thấy vui và thấy cuộc đời mình có ý nghĩa”, chàng trai dễ thương với quán bún thịt nướng 20K bộc bạch.
Bình luận (0)