Bưng bít nợ xấu, coi chừng phá sản!

09/08/2013 03:20 GMT+7

Ví nợ xấu như căn bệnh ung thư, các ngân hàng còn giấu giếm, bưng bít ngày nào thì sẽ càng thua lỗ nặng nề ngày đó, thậm chí có thể phải chết (phá sản).

Vì vậy, dũng cảm chấp nhận con số nợ thật, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua lại là giải pháp mà các chuyên gia tham dự hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam” khuyến nghị.

 Số nợ xấu công khai của các ngân hàng có thể chưa phải là con số thật
Số nợ xấu công khai của các ngân hàng có thể chưa phải là con số thật - Ảnh: Ngọc Thắng

Nghi ngờ về tỷ lệ nợ xấu thực

Với 27 năm kinh nghiệm “chinh chiến” với nợ xấu tại 22 quốc gia, ông Jon M.Sheehan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Capital Service khẳng định, Chính phủ chưa có được một cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá để xử lý.

 

Nợ xấu theo tôi cảm nhận có thể từ 11,5 đến 20%, nếu tính thêm cả 6 đến 7% các NH đã đảo nợ và nợ xấu được khoanh của Vinalines và Vinashin. Thậm chí, có NH tại Hà Nội mà tôi biết nợ xấu lên tới 90%

Luật sư Trương Thanh Đức

Thứ nhất, con số 500 tỉ đồng vốn điều lệ của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) vốn chỉ mang tính chất tượng trưng vì không đủ nguồn lực để mua được nợ xấu. Ngay cả công cụ trái phiếu đặc biệt cũng chỉ là giải pháp tình thế để chuyển nợ xấu từ nơi này sang nơi khác, chứ không phải để mua bán dứt điểm. Đối với các ngân hàng (NH) vì áp lực với cổ đông, sợ mất vốn, mất thương hiệu, cổ phiếu mất giá trên thị trường chứng khoán nên không muốn công khai con số thực. Cứ như vậy, nợ xấu bị che đậy và treo lại sau nhiều năm, cuối cùng có thể đi vào vết xe đổ của Philippines tại cuộc khủng hoảng tài chính 1997. “Năm 1997, chính phủ Philippines không thừa nhận khủng hoảng nợ xấu và đến năm 2002 mới chấp nhận, lúc này nền kinh tế xuống mức đáy thứ hai, khiến tài sản bảo đảm bị phân hủy, mất hết giá trị”, ông Sheehan chia sẻ kinh nghiệm. Ngược lại, tại Thái Lan, quốc gia này dám chấp nhận nợ xấu sớm, mời Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào xử lý, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, xử xong nợ sớm hơn Philippines 4 năm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng việc đầu tiên muốn xử lý được nợ xấu phải biết được con số thực, tình trạng thực. Ông nghi ngờ con số nợ xấu chiếm 4,56% tổng dư nợ mà NHNN vừa báo cáo. “Nhìn thì không có vấn đề gì, nhưng nếu vậy thì Chính phủ cũng không cần thành lập VAMC. Nợ xấu theo tôi cảm nhận có thể từ 11,5 đến 20%, nếu tính thêm cả 6 đến 7% các NH đã đảo nợ và nợ xấu được khoanh của Vinalines và Vinashin. Thậm chí, có NH tại Hà Nội mà tôi biết nợ xấu lên tới 90%”, ông Đức nói.

Vấn đề ông Đức lo ngại, con số nợ xấu không chính xác dẫn tới tâm lý “đủng đỉnh”, yên tâm rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, tài sản bảo đảm phục hồi, doanh nghiệp có thể trả được nợ. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại khi nó cứ tiếp diễn không phải theo chu kỳ hơn chục năm mới xử lý xong như ông Sheehan khẳng định, mà có thể gấp rưỡi, gấp đôi. “Các NH phải chấp nhận cắt cơn, trả giá, mất cái nhỏ để không bị tổn thất lớn hơn. Bán nợ cho VAMC cũng là một kênh, nhưng cần phải chấp nhận bán đứt. Như vậy thiệt hại trước mắt, nhưng đỡ thiệt lâu dài”.

Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội thảo, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng khuyến cáo các NH không nên che giấu nợ xấu mà phải tự thân xác định đúng số nợ thực sự. Qua đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ có hiệu quả. “Nếu không phản ánh đúng thực trạng thì giải pháp đưa ra không thể phù hợp được. Càng kéo dài thời gian càng trì trệ, thua lỗ”, bà Hạnh cảnh báo.

Bán cho khối “ngoại”, cần cơ chế

Theo thông tin từ ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC, trong khoảng 2 tháng tới công ty này sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 NH để đổi lấy 10.000 tỉ đồng nợ xấu (tương đương 474 triệu USD). Ngoài ra, công ty cũng có thể khai thác nguồn vốn ngoại, bán nợ xấu cho các tổ chức nước ngoài.

Ông Sheehan đánh giá, đây là giải pháp duy nhất hiện nay mà Việt Nam có thể áp dụng để xử lý dứt điểm nợ xấu, bởi thường chi phí giải quyết cần một khoản tiền vô cùng tốn kém, đắt đỏ trong khi nguồn lực của nhà nước lại có hạn. Nhưng điều đáng tiếc nhất hiện nay là Việt Nam chưa có được một cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Thái Lan, để xử lý dứt điểm, chính phủ nước này đưa ra một dự án đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nếu trước 1997, nhà đầu tư ngoại không được sở hữu đất đai, lập tức điều luật mới cho phép được nắm giữ bất động sản (BĐS) liên quan đến nợ xấu đã mua với thời gian nắm giữ tối đa 10 năm. “Khi đó là giải pháp tình thế, nhưng vốn đi vào BĐS rất mạnh và giá trị tài sản đã phục hồi”, ông Sheehan chia sẻ và cho biết thêm, Philippines cũng làm điều tương tự, nhưng có xây dựng thêm một số chính sách như: Cho sở hữu BĐS nhưng đánh thuế nhà đầu tư khi mua nợ xấu để thu được nhiều tiền hơn, đồng thời xây dựng pháp luật về tịch thu tài sản đảm bảo…

Theo ông Sheehan,  ông đang có một danh sách các nhà đầu tư sẵn sàng vào Việt Nam với số vốn lên tới hàng tỉ USD. Đặc biệt, các nhà đầu tư đến từ Mỹ rất quan tâm tới tài sản nợ xấu được bảo đảm bằng BĐS. Dù rất muốn nhưng họ không tìm thấy một cơ chế nào để vào được cả.

“Chính sách và luật lệ đang đóng cửa với nhà đầu tư nước ngoài về sở hữu cổ phần, đất đai và mua cổ phiếu NH. Cái tắc nhất hiện nay là chỉ loay hoay xử lý nội bộ, đã đến lúc chúng ta cần một chính sách đặc biệt kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài để thay đổi”, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị.   

Anh Vũ

>> Các ngân hàng không nên che giấu nợ xấu
>> Quảng Nam khó xử lý hơn 1.580 tỉ đồng nợ xấu
>> VAMC không thể ‘xử’ được hết nợ xấu
>> Không bán nợ xấu sẽ bị thanh tra
>> Nợ xấu tăng thêm gần 1,7%
>> Đề xuất giám sát xử lý nợ xấu, hàng tồn kho trong năm 2014
>> Khó khăn trong xử lý nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.