'Bung' cơ chế để tăng nguồn điện

14/09/2024 06:13 GMT+7

Sốt ruột vì nhiều dự án điện đã có trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 gặp khó khăn, vướng mắc, Thường trực Chính phủ mới đây giao Văn phòng Chính phủ dự thảo quyết định lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công thương làm tổ trưởng, để rà soát các vướng mắc pháp lý…

Lập tổ công tác gỡ vướng các dự án điện

Cụ thể, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12 - 15% mỗi năm. Theo đó, Bộ Công thương tập trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhất là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, khẩn trương hoàn thiện dự án luật Điện lực (sửa đổi); rà soát các vướng mắc của pháp luật liên quan trong việc phát triển các dự án điện để nghiên cứu, đề xuất, gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp nội dung vào Dự án một luật sửa nhiều luật như: luật Đầu tư, Đấu thầu, Tài nguyên - môi trường biển và hải đảo, Biển VN, Xây dựng…

A1.jpg

Cần tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý để tăng nguồn, thoát nguy cơ thiếu điện

Ảnh: H.H

Tổ công tác sẽ có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất các sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự án luật Điện lực (sửa đổi), hoàn thành trước ngày 20.9 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8; bảo đảm luật Điện lực sửa đổi và Dự án một luật sửa nhiều luật có chất lượng tốt nhất, khả thi. Sau khi các luật được ban hành, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện theo Quy hoạch, Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, Bộ Công thương có báo cáo đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8 bởi lý do loạt dự án từ điện khí, điện gió, điện than, điện mặt trời… đang vướng các quy định pháp lý, khiến nguồn cung từ nay đến 2030 không đáp ứng theo Quy hoạch, nguy cơ thiếu điện rất lớn. Trong đó, riêng điện khí, 23 dự án có trong quy hoạch, nhưng mới có 2 dự án kịp đưa vào vận hành. Đáng nói, các chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và điện khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu (LNG) Nhơn Trạch 3 và 4 đang về đích, có thể đưa vào vận hành thương mại khoảng giữa năm sau nhưng vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để. 

Theo các báo cập nhật tiến độ hoạt động đầu tư và triển khai các chuỗi dự án khí, điện của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), hiện việc đàm phán giữa các bên còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể với chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá khí, cước phí vận chuyển và cho phép chuyển ngang giá khí từ hợp đồng mua bán khí thượng nguồn sang thanh cái các nhà máy điện. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công thương chưa ban hành các hướng dẫn thực hiện cơ chế chuyển ngang giá khí và các điều khoản bao tiêu khí từ hợp đồng bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Còn dự án điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4, do chưa thỏa thuận được sản lượng điện hợp đồng với EVN, nên công tác đàm phán hợp đồng mua bán khí giải ngân vốn và hiệu quả của dự án cũng bị chững lại.

Đột phá chính sách mới "thoát" thiếu điện

Theo các chuyên gia của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng VN (Hiệp hội Năng lượng VN), dù Bộ Công thương đã ban hành các nghị định, quyết định về điện gió, mặt trời, nhiệt điện khí LNG, nhưng vẫn cần hướng dẫn chi tiết để triển khai đồng bộ vì còn rất nhiều vướng mắc từ cơ sở pháp lý đến quy định chi tiết về giá bán điện. "Nếu những vướng mắc này không được tháo gỡ kịp thời, nguy cơ thiếu điện trong những năm sắp tới là rất cao", một chuyên gia năng lượng nhấn mạnh.

Nếu cơ chế chính sách tháo bung, đột phá mới tạo cú hích thu hút đầu tư. Hiện đầu tư phát triển ngành điện thì 2/3 vốn vẫn chờ nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không làm gấp, nếu không đột phá chính sách, khó thoát thiếu điện. Như vậy, vai trò của tổ công tác lần này cực kỳ quan trọng.

TS Nguyễn Huy Hoạch

Đáng lưu ý, hiện với các tập đoàn PVN, EVN thì mức cam kết sản lượng điện tối thiểu 72% là bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng tại dự án Ô Môn 2, các chuyên gia cho biết cam kết trên mức 90% thì họ mới sẵn sàng triển khai dự án. Nhưng nếu bao tiêu sản lượng trên 90% và bù chênh lệch, trượt giá giữa tiền đồng và USD, nguy cơ lớn là EVN sẽ bị thua lỗ lớn.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại cam kết mua bao tiêu sản lượng điện gần như toàn bộ dự án sẽ gây khó cho ngành điện trong nước, cụ thể là EVN. Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm cho rằng Tổ công tác với sự tham gia chính là Bộ Công thương và 2 tập đoàn lớn là PVN và EVN, phải làm rõ nhu cầu và các cam kết đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án nhà máy điện Ô Môn 2 để kịp thời có giải pháp tổng thể đối với cả chuỗi dự án. Trong thực tế, nếu nói vướng pháp lý, thì nhiều dự án nguồn đang vướng, không riêng gì điện khí. Tuy nhiên, trong bối cảnh điện mặt trời thiếu ổn định, chỉ chạy vào ban ngày và vào ngày nắng; thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế... thì theo ông, nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng quốc gia.

"Tổ công tác phải tập trung và xử lý được các vướng mắc hiện hữu đối với các dự án khí, khí hóa lỏng đang gần về đích. Át chủ bài cho nguồn điện đến năm 2030 là điện khí. Nay Thường trực Chính phủ đã có phân vai việc cụ thể, tôi nghĩ Tổ công tác xử lý vướng mắc phải được thành lập sớm và thậm chí có những đề xuất để đột phá nhằm giải quyết sớm. Dự án điện cần mặt bằng lớn, khí đốt bay lên trời, dự án không cần những bãi chứa tro xỉ, phế phẩm. Điện khí cũng là dự án xanh sạch, khí phát ra bằng nửa nhiệt điện than. Đó là những yếu tố thuận lợi khiến dự án được các địa phương dễ chấp thuận hơn. Nếu suôn sẻ, một dự án nhiệt điện khí mất khoảng 2 năm để đầu tư trong khi nhiệt điện than từ 4 - 5 năm, thậm chí 6 - 7 năm; và mặt trời mất khoảng 1 năm…", TS Ngô Đức Lâm chia sẻ.

Chuyên gia năng lượng, TS Nguyễn Huy Hoạch phân tích: Theo kế hoạch, đến năm 2030, chúng ta cần gần 130 tỉ USD để đầu tư cho đường truyền, nguồn điện… nhưng đến tháng 9 năm nay, chúng ta mới đầu tư 1 tỉ USD làm đường dây 500 kV mạch 3. Áp lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào dự án điện rất lớn. Chỉ có giải pháp duy nhất là tháo bung cơ chế chính sách. Vấn đề không phải bao tiêu mua bao nhiêu % một dự án điện khí, điện gió, mà là cơ chế chính sách giá điện 2 thành phần. 

"Nói thật là bao tiêu 72% chưa ai dám ký. Bởi khi không mua, huy động nguồn thấp vẫn trả cho nhà đầu tư tiền công suất chạy. Chúng ta đang khuyến khích phát triển điện tích năng, pin lưu trữ, thủy điện mở rộng… nhất quyết phải có giá điện 2 thành phần mới phát triển được", ông Hoạch nhấn mạnh và nói thêm: "Nếu cơ chế chính sách tháo bung, đột phá mới tạo cú hích thu hút đầu tư. Hiện đầu tư phát triển ngành điện thì 2/3 vốn vẫn chờ nhà đầu tư nước ngoài. Nếu không làm gấp, nếu không đột phá chính sách, khó thoát thiếu điện. Như vậy, vai trò của tổ công tác lần này cực kỳ quan trọng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.