Bùng nổ du lịch để 'xoa dịu' các khó khăn kinh tế

21/02/2023 12:17 GMT+7

Mở được các nút thắt để nhanh chóng phục hồi du lịch sẽ lập tức "cứu" ngành hàng không, dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng... trong bối cảnh kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn.

Còn nhiều dư địa phát triển

Theo dữ liệu mới của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), hơn 900 triệu khách đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022, gấp đôi con số được ghi nhận vào năm 2021 mặc dù chỉ bằng 63% so với mức trước đại dịch - năm 2019. Mọi khu vực trên toàn cầu đều ghi nhận sự gia tăng đáng chú ý về số lượng khách du lịch quốc tế.

Bùng nổ du lịch để 'xoa dịu' các khó khăn kinh tế 2023 - Ảnh 1.

Thị trường quốc tế chiếm khoảng 50 - 60% doanh thu của các doanh nghiệp du lịch

NHẬT THỊNH

UNWTO dự báo năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế có thể đạt 80 - 95% so với mức trước đại dịch. Bên cạnh thị trường khách lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã trở lại thì nhu cầu tăng cao từ du khách Mỹ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các điểm đến trong khu vực.

Tại Việt Nam, các chuyên gia của HSBC trong báo cáo "Vietnam At A Glance: Du lịch - một phần cứu cánh" công bố mới đây cũng nhận định du lịch Việt Nam có nhiều cơ sở để kỳ vọng sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong 2023.

Theo đó, sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa để đạt được trên 100 triệu lượt khách nội địa năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam mới đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%), bằng 20% năm 2019. Du lịch quốc tế mới phục hồi một phần, điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu đang chậm lại.

Đặc biệt, Trung Quốc - nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trước đại dịch - đã mở cửa trở lại. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện. Đơn cử, trước đây, trung bình khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á, mặc dù thấp hơn khách du lịch châu Âu và Mỹ. Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể là nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch thị trường này.

Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, HSBC tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50 - 80% so với mức trước đại dịch (3 - 4,5 triệu) là mục tiêu trong tầm với.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những “cú hích” khác. Trước hết, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ - nước có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn: Khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% năm 2019.

Ngoài ra, sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác, không chỉ riêng trong sản xuất.

Từ những cơ sở đó, HSBC nhận định du lịch sẽ là ngành kinh tế chủ đạo trong năm 2023, nổi lên như nguồn tăng trưởng mới để "xoa dịu" một số thách thức trong năm.

Bùng nổ du lịch để 'xoa dịu' các khó khăn kinh tế 2023 - Ảnh 2.

Để hiện thực hóa tiềm năng và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam, giải quyết các hạn chế về chuyến bay với những thị trường lớn và nới lỏng các yêu cầu về thị thực là hai trong số các vấn đề chính

NHẬT THỊNH

Lối thoát cho hàng không, bất động sản

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, bối cảnh du lịch toàn cầu thế giới phục hồi là cơ hội để du lịch Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn phải trỗi dậy đột phá mạnh mẽ.

Theo ông Thiên, trong câu chuyện lỡ nhịp thị trường du lịch quốc tế 2022, một trong những lý do được dẫn nhiều nhất là nguồn khách phụ thuộc vào thị trường Đông Bắc Á. Du lịch Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại câu chuyện này. Cần xem lại cấu trúc thị trường du lịch của chúng ta có vấn đề gì rủi ro hay không. Nếu những thị trường mang lại lượng khách rất lớn nhưng chất lượng khách không theo tiêu chí đẳng cấp cao nên được xem lại. Nguồn cung là rất cần, nhưng trên nền tảng những tổ hợp du lịch "0 đồng" ở 1 số thị trường như thời điểm trước dịch sẽ khiến ngành du lịch Việt Nam thu được ít mà tốn kém tài nguyên rất nhiều. Vì thế, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi cấu trúc nền tảng du lịch đó.

"Nếu muốn như vậy thì phải xác định rõ những cách thức để thu hút các thị trường du lịch khác. Đơn cử, thị thực có thể là yếu tố đầu tiên. Nếu chúng ta ưu tiên mở cho những thị trường khác, mở cho châu Âu, châu Mỹ thì dần dần sẽ thay đổi được cấu trúc thị trường du lịch", ông Trần Đình Thiên gợi ý.

Nhìn về lợi ích kinh tế, vị chuyên gia này nhận định ở tầm nhìn không cần quá xa, kinh tế năm 2023 khó khăn là điều đã được dự báo trước. Các đơn hàng giảm, việc làm giảm, thu nhập của người lao động sẽ được giảm. Nếu cách tiếp cận không để ý tới ngành du lịch, chỉ để ý tới khu vực sản xuất thì rủi ro sẽ tiếp tục.

Mặt khác, trong một nền kinh tế hội nhập, hàng không là một trong những ngành chủ lực, thậm chí được coi là sức mạnh quốc gia. Hàng không Việt Nam trong 3 năm dịch bệnh vừa qua thật sự rất "vất vả". Hãng nào cũng phải xin tài trợ khẩn cấp để cứu nguy. Bây giờ mở cửa du lịch, điểm nghẽn hàng không sẽ được giải tỏa, nhà nước không phải lo.

"Nhà nước đang khó khăn, mở cửa du lịch thì ngành hàng không cũng sẽ được tạo động lực mới? Du lịch là lĩnh vực có tác động lan tỏa, ý nghĩa xoay chuyển tình thế rất lớn mà những nút thắt thực ra không quá nhiều, không quá lớn, hoàn toàn trong tầm tay có thể giải quyết nhanh chóng. Du lịch càng bùng nổ, càng tạo động lực rất mạnh để kinh tế thoát được tình trạng khó khăn, giữ được thành tích mà chúng ta mong đợi trong chương trình phục hồi và phát triển sau đại dịch", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB). Không chỉ hàng không, ông Nam cho rằng mở rộng cửa hút khách du lịch còn góp phần rất lớn "cứu" ngành bất động sản đang khủng hoảng trầm trọng.

Ông Nam đánh giá, vấn đề lớn của thị trường bất động sản Việt Nam không phải ở các dự án nhà ở đô thị, mà chủ yếu nằm ở hàng chục, hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển trải dài suốt hàng ngàn km bờ biển và ở các đảo lớn ở nước ta. Hàng chục tỉ USD đã được đầu tư vào các dự án đó, với các sản phẩm là villa, nhà phố, căn hộ condotel. Tình trạng vắng khách du lịch, không có dân cư, không có hoạt động biến những nơi này thành "phố ma", "đô thị ma", người mua nhà cũng chẳng buồn làm nội thất. Các doanh nghiệp bất động sản cạn tiền, giờ cũng khó bán được nhà khi người mua ngày càng mất niềm tin vào các bất động sản nghỉ dưỡng giá cao, trong khi cơ hội kinh doanh du lịch gần như không có.

"Với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển, vấn đề lớn không phải pháp lý mà nằm ở đầu ra của các dịch vụ du lịch, từ lưu trú đến các dịch vụ khác phục vụ du lịch. Không có khách đến thì làm gì có cơ hội kinh doanh? Không có cơ hội kinh doanh thì làm gì có dịch vụ du lịch? Không có dịch vụ du lịch thì du khách đâu có đến? Một vòng luẩn quẩn như vậy đã và đang đưa các dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển vào bế tắc. Nếu không tăng nhanh được khách du lịch quốc tế đạt và vượt mức trước đại dịch không những các doanh nghiệp du lịch bế tắc và kiệt sức mà các doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá đà vào bất động sản nghỉ dưỡng càng khốn khó hơn", TS Lương Hoài Nam nêu vấn đề.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.