Bùng nổ game thực tế ảo, thực tế tăng cường ở Trung Quốc

08/04/2019 08:39 GMT+7

Trung Quốc có 3.000 khu trò chơi thực tế ảo (VR) trong năm 2016. Thị trường này được dự báo tăng 13 lần từ năm 2016 đến năm 2021 để đạt khoảng 782 triệu USD.

Theo AFP, đây là kết luận của hãng iResearch Consulting Group và Greenlight Insights. AFP mới đây cũng dẫn chia sẻ của nhiều người tham gia các phòng game với kính VR ở Trung Quốc.
Đơn cử, cô Chen Jiuxiao, người đeo chiếc kính thực tế ảo và lập tức được chuyển đến một đồi dốc đầy tuyết, chia sẻ: “Tôi cảm thấy như không có trọng lượng khi trượt xuống. Phong cảnh xung quanh tôi rất chân thực”. Cô Chen là nhân viên khách sạn, và được nhiều người bạn thạo công nghệ giới thiệu đến điểm chơi game tọa lạc tại khu phố trung tâm chơi game VR của Thượng Hải.
VR là ngành công nghiệp gây hào hứng ở Đại lục. Lợi nhuận từ mảng này có thể đến từ bộ kính, thiết bị, game lẫn nhiều sản phẩm khác. Không chỉ VR mà thực tế tăng cường (AR) cũng “hot”. Hãng tư vấn DigiCapital tại Thung lũng Silicon cho hay: “Tăng trưởng của Trung Quốc trong 5 năm tới có thể giúp nước này thống trị mảng AR/VR dài hạn. Trung Quốc có tiềm năng đem về lợi nhuận 5 USD trên mỗi 1 USD chi cho mảng này trên toàn cầu vào năm 2022.
Một người chơi trong khu game VR Ảnh: AFP
Một trong những lý do khiến AR/VR phát triển là chính phủ Trung Quốc. Hàng chục triệu dân Trung Quốc đang là người nghiện game video trên điện thoại, khiến chính phủ nước này lo ngại rằng đất nước đang nuôi dưỡng thế hệ thanh niên cận thị và nghiện game. Năm ngoái, giới chức hạn chế số lượng game được tung ra và thời lượng chơi game của giới trẻ, khiến ngành game mất hàng tỉ USD giá trị thị trường. “Ông lớn” làng game Tencent đặc biệt chịu ảnh hưởng mạnh.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc thúc đẩy mạnh để quốc gia trở thành cái tên đi đầu về nhiều thế hệ công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo và phương tiện tự hành. VR cũng là một trong các mảng được xem trọng và hưởng lợi từ nhiều chính sách ưu đãi.
Chen Wei, quản lý trung tâm chơi game VR Machouse ở Thượng Hải cho rằng VR rất có thể tránh được số phận của game video trên di động. Ông Chen dẫn lý do là chi phí chơi game loại này khá cao, lên đến 70 nhân dân tệ, tương đương 10 USD hoặc hơn, cho 15 phút chơi. Chi phí lắp đặt hệ thống chơi game này tại gia cũng đắt. “Thật khó để trẻ vị thành niên bị nghiện loại hình trò chơi này”, Chen nói.
Tiệm chơi game truyền thống ở Trung Quốc Ảnh: AFP
Dù vậy, ngành game VR non trẻ vẫn đang thiếu nhiều trò chơi chất lượng cao. Tại công viên giải trí VR+ ở Thượng Hải, trò chơi mới chỉ xuất hiện mỗi ba tháng một lần. Các hãng như Tencent ngần ngại bước vào lĩnh vực game này cho đến khi nó đạt mức thu hút lớn hơn. Song Tencent cùng Alibaba và Baidu lại đầu tư mạnh vào mảng mua sắm online ảo và giải trí VR. Hai yếu tố này có thể hậu thuẫn cho game VR.
Nhiều thành phố ở Trung Quốc đã tự xưng mình là khu vực “ươm mầm” cho VR khi tích hợp công nghệ này vào nghiên cứu, sản xuất, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Seekers VR có trụ sở ở Ôn Châu và sở hữu chuỗi 200 khu chơi game VR tại hơn 70 thành phố trên khắp Trung Quốc đang hợp tác với chính quyền Ôn Châu để thành lập trường chuyên giáo dục học sinh về VR và sử dụng công nghệ này trong bài học. “Không có đối thủ thống trị trong ngành VR vì nó còn quá non trẻ. Chúng tôi có thể đem đến nhiều cơ hội hơn nữa”, CEO Seekers VR Belle Chen cho hay.
Ông Chen Wei thì nói rằng việc ứng dụng thế hệ mạng 5G cực nhanh mới trên diện rộng sẽ thúc đẩy sự phát triển của VR nhanh hơn nữa. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục và đào tạo. “Không có cách nào tốt hơn và rẻ hơn VR để học kỹ năng. Ngay cả khi VR vẫn đang ở ngưỡng giáo dục người dùng về chính nó, công nghệ này vẫn có thể bùng nổ vào một ngày nào đó”, ông Chen nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.