Bùng nổ năng lượng tái tạo

18/12/2018 07:39 GMT+7

Tỷ trọng điện gió, điện mặt trời tính đến thời điểm hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Môi trường cạnh tranh vừa "hé" mở, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo được cấp phép và đề xuất. Tỷ trọng điện gió, điện mặt trời tính đến thời điểm hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Vọt lên từ cú hích giá

Trước mắt nhà nước nên miễn thuế để khuyến khích người dân tham gia
sản xuất điện nhằm giảm áp lực cho ngành điện. Việc giảm thuế có thể thực hiện trong 2 - 3 năm. Sau đó, tùy theo quy mô hoặc sản lượng bán điện lên lưới sẽ bị tính thuế
PGS-TS Lê Anh Tuấn
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2030 điện gió đạt 6.000 MW chiếm tỷ trọng 2,1%; điện mặt trời đạt 12.000 MW chiếm tỷ trọng 3,3% trong tổng sản lượng điện sản xuất. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã cấp phép cho 122 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 8.000 MW, trong đó có khoảng hơn 4.000 MW ký được hợp đồng mua bán điện trước tháng 6.2019. Bên cạnh đó còn có hơn 200 dự án đang được đề xuất phát triển với tổng công suất khoảng gần 17.000 MW.
Như vậy tổng cộng có trên 322 dự án điện mặt trời với tổng công suất dự kiến lên tới trên 26.000 MW, gấp 9 lần so với thời điểm quy hoạch điện mặt trời năm 2018. Một số địa phương dẫn đầu như Bình Thuận có tổng công suất lên tới 750 MW và Ninh Thuận trên 1.000 MW.
Sự bùng nổ của năng lượng tái tạo có 2 nguyên nhân lớn. Đầu tiên là tiềm năng của VN trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời là rất lớn. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là những chính sách liên quan đến lĩnh vực này đã hé mở, đặc biệt là chính sách giá.
Đơn cử như với điện mặt trời. Từ tháng 4.2017, khi Chính phủ ban hành mức giá bán điện mặt trời được đánh giá là hấp dẫn (9,35 cents/kWh, tương đương 2.086 đồng), lĩnh vực điện mặt trời bước vào cơn sốt. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm đã có 122 dự án với tổng công suất lên tới 8.000 MW, trong đó có khoảng hơn 4.000 MW ký được hợp đồng mua bán điện trước tháng 6.2019. Đó là chưa kể đến hàng ngàn, hàng vạn dự án điện trên mái nhà đang có nhu cầu nối lưới.
Điện gió ở Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận

Tương tự là điện gió. Nếu như trước đây, điện gió cũng phát triển rất chậm chạp dù tiềm năng được đánh giá là rất lớn. Tính đến cuối năm 2018, mới chỉ có khoảng 300 MW đã đi vào hoạt động hoặc đang trong giai đoạn triển khai. Tuy nhiên, ngay khi Quyết định 39 có hiệu lực từ tháng 11.2018 nâng giá điện gió từ lên 8,5 cents (trên đất liền) và 9,8 cents (ngoài khơi) trên mỗi kW/h tương ứng, áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới đi vào vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021 đã thổi một luồng gió mới vào lĩnh vực này. Hàng loạt dự án được đề xuất triển khai. Đây được xem sẽ là cú hích tiếp theo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Cởi trói” cho hàng triệu mái nhà

Có tiềm năng lớn, có chính sách giá hấp dẫn nhưng điện mặt trời trên mái nhà chưa thể phát triển vì người dân đầu tư có thể bán điện nhưng lại không thể thu tiền. Cụ thể, muốn thu tiền, người dân phải cung cấp hóa đơn cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) vì liên quan đến việc tính thuế. Nhưng người dân thì không thể có hóa đơn, ngoại trừ họ phải tự thành lập doanh nghiệp.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường đại học Cần Thơ - một người đã lắp điện mặt trời trên mái nhà, nhận định: Điều này không chỉ hạn chế số lượng người đầu tư điện trên mái nhà hoặc gắng lắp đặt hệ thống sao cho nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ để khỏi bị lỗ. Cũng chính vì nút thắt này, dù được đánh giá là rất tiềm năng, nhất là các tỉnh phía nam khi nắng quanh năm nhưng cả nước mới chỉ có 748 dự án điện trên mái nhà được nối lưới với tổng công suất 11,5 MW, sau khi Quyết định 11 có hiệu lực hơn một năm.
Điện gió ở Tuy Phong (Bình Thuận) Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong Tuần lễ năng lượng tái tạo (lần 3) do Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) và Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức thời điểm tháng 8 vừa rồi, sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh vì VN thịnh vượng” đã được khởi xướng. Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) - đơn vị điều phối VSEA, cho biết: “Chúng tôi muốn kiến tạo và thúc đẩy ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, tiết kiệm hiệu quả và sử dụng tài nguyên hợp lý. Nó cần được bắt đầu từ quy mô một hộ gia đình/ngôi nhà đến một khu dân cư, tiến tới một thành phố và hướng đến quy mô một đất nước. Thế nhưng, nếu không tháo được nút thắt hóa đơn nói trên, sáng kiến này khó có thể thành công”.
PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng: Trước mắt nhà nước nên miễn thuế để khuyến khích người dân tham gia sản xuất điện nhằm giảm áp lực cho ngành điện. Việc giảm thuế có thể thực hiện trong 2 - 3 năm. Sau đó, tùy theo quy mô hoặc sản lượng bán điện lên lưới sẽ bị tính thuế. Ở góc độ ngành điện, EVN cần hóa đơn chứng từ để quyết toán thì TS Tuấn cho rằng vấn đề càng đơn giản hơn khi Chính phủ đang khuyến khích cắt giảm thủ tục hành chính, cách mạng công nghiệp 4.0… đây là cơ hội để thực hiện điều đó. Mọi thông số sản xuất hay tiêu thụ điện đều được ghi nhận trên đồng hồ 2 chiều và lưu lại trên hệ thống mạng máy tính của EVN. EVN sẽ lập ra một bảng kê của từng hộ dân có điện mặt trời. Nếu nhà nước xem đó là loại hóa đơn điện tử thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Không để Điện sạch bị ép !

Một vấn đề phát sinh tại các địa phương thu hút nhiều dự án điện mặt trời thời gian gần đây như Ninh Thuận, Bình Thuận… là những ý kiến lo ngại đường dây truyền tải khu vực này rơi vào tình trạng đầy tải, quá tải. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, về nguyên tắc bên mua và phân phối điện phải có trách nhiệm nâng cấp lưới để đảm bảo an toàn lưới. "Tại sao các dự án nhiệt điện với công suất vài ba ngàn MW vẫn bán cho EVN mà chưa bao giờ thấy họ lo sợ quá tải? Đây có phải một chiêu chèn ép các nhà đầu tư điện sạch?", một chuyên gia đặt vấn đề.
Hệ thống điện mặt trời đang triển khai tại Ninh Thuận Ảnh: Thiện Nhân
Nhóm đối tác năng lượng VN (VEPG) cũng chỉ rõ, thực tế có một số lượng lớn các dự án vẫn đang phát triển với hồ sơ đăng ký công suất lên đến 26 GW (20 GW cho năng lượng mặt trời và 6 GW cho năng lượng gió). Phần lớn các hồ sơ xin cấp phép được sử dụng cho các dự án ở miền Trung và miền Nam, do đó xuất hiện sự quan ngại ngày càng tăng về khả năng tiếp nhận của lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, “Các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng trong giai đoạn đến năm 2020, công suất truyền tải tại các địa điểm quan trọng lên đến 3 GW, đủ đáp ứng trong ngắn hạn”, báo cáo của VEPG nêu rõ. Mặc dù vậy, để tránh tắc nghẽn, VEPG khuyến nghị: Giám sát toàn diện hệ thống nộp hồ sơ và tính minh bạch của các hồ sơ cấp phép dự án được ưu tiên trái ngược với nguyên tắc hồ sơ nộp trước thì được phê duyệt trước. Việc đầu tư mở rộng lưới điện nên xem xét cơ hội phát triển năng lượng tái tạo tại các vùng có tiềm năng kỹ thuật cao…
Để năng lượng tái tạo phát triển cần có chính sách hợp lý, hài hòa và minh bạch theo VEPG: Không nên phân biệt đối xử các công nghệ năng lượng tái tạo với các dự án nhiệt điện và nên có sự đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cần có một chiến lược hoặc mục tiêu đấu thầu rõ ràng và dài hạn để hướng dẫn các nhà đầu tư vì như vậy sẽ giúp giảm chi phí đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.