Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng các dạng tin nhắn lừa đảo qua điện thoại di động (ĐTDĐ) không hề giảm đi mà còn phát triển với chiều hướng rộng hơn và ngày càng tinh vi hơn…
Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong một tháng gần đây, một nhà mạng đã tiếp nhận hơn 2.000 trường hợp khách hàng phản ánh, khiếu nại về việc bị lừa đảo tài khoản hoặc nhận thông tin lừa đảo, tăng rất nhiều so với trước đây.
Cảnh giác với tin báo trúng thưởng
''Nếu như cách đây một vài năm, việc lừa đảo qua tin nhắn ĐTDĐ chỉ dừng lại ở một vài phương thức đơn giản thì hiện nay đã phát triển thành nhiều biến thể tinh vi'' - Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm điều phối chống thư rác (Vncert) |
Một dạng tin nhắn lừa đảo khá phổ biến là thông báo khách hàng trúng giải thưởng của nhà mạng hay nhà cung cấp nào đó. Để nhận được giải thưởng, các đối tượng yêu cầu khách hàng nộp lệ phí bằng cách mua thẻ cào và cung cấp mã số bí mật của thẻ gửi cho chúng.
Một dạng khác là người sử dụng ĐTDĐ bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo đã nhận được một khoản tiền từ số điện thoại khác. Sau đó vài phút, người gửi tin sẽ gọi điện đến với giọng thiểu não trình bày đã chuyển nhầm tiền và xin được trả lại. Rất nhiều người cả tin và có lòng thương người đã bị lừa mất tiền dưới dạng tin nhắn trên. Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng các phần mềm, thiết bị kỹ thuật để các tin nhắn lừa đảo giả mạo đầu số của các nhà mạng khiến khách hàng không mảy may nghi ngờ. Mới đây, hàng loạt thuê bao di động nhận được các tin nhắn từ tổng đài 900 của MobiFone thông báo đã nhận được tài khoản khuyến mãi và cần nhắn tin đến 6742 để kích hoạt tài khoản thưởng. Thế nhưng, sau khi nhắn tin, người dùng không nhận được tiền mà chỉ có thông báo chương trình bình chọn sắc đẹp. MobiFone sau đó khẳng định đây là tin nhắn lừa đảo và đơn vị này không tổ chức bất kỳ chương trình khuyến mãi nào có nội dung như vậy.
Nhà mạng cũng mập mờ
Điều khiến người sử dụng ĐTDĐ bức xúc là ngay cả nhà mạng cũng tổ chức chương trình dự thưởng mập mờ. Từ giữa tháng 10, rất nhiều thuê bao phản ánh họ bị mất nhiều tiền khi tham gia chương trình “Triệu phú SMS” của Vinaphone.
Anh Phùng Hà, ở khu tập thể Thành Công, Hà Nội cho biết anh nhận được tin nhắn từ tổng đài 19001091 với nội dung: “Bạn nằm trong danh sách đặc biệt của những người được mời tham gia quay thưởng để có cơ hội trúng thưởng 30 triệu đồng tiền mặt. Gửi tin nhắn GO đến 9696 để có cơ hội tham gia quay thưởng”. Tuy nhiên, sau khi soạn tin anh Hà mới biết còn phải tham gia trả lời hàng loạt câu hỏi để đạt điểm càng cao mới có cơ hội rút thăm. “Mải mê một lúc tôi mất hàng trăm ngàn đồng nhưng kết quả thì không thấy đâu. Tôi tìm hiểu thì thấy hầu như số điện thoại nào của Vinaphone gửi đến 9696 cũng được tham gia và coi như khách hàng đặc biệt. Đấy không phải là mập mờ thì là cái gì”, anh Hà bức xúc.
|
Đa số khách hàng nông thôn bị lừa
Kết quả phân tích số liệu dựa trên cơ sở tiếp nhận khiếu nại của một số nhà mạng cho thấy, có tới 63% khách hàng thuộc khu vực nông thôn, miền núi “dính” phải các tin nhắn lừa đảo. Điều này được giải thích là do các khách hàng này ít có cơ hội tiếp xúc với thông tin, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông tin khuyến cáo từ nhà mạng, cơ quan chức năng. Mặt khác, những khách hàng ở khu vực kinh tế khó khăn nên khi nhận được các tin nhắn lừa đảo với giá trị giải thưởng dễ mất cảnh giác.
Ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế - chức vụ, Viện KSND tối cao, cho rằng tình trạng lừa đảo bằng tin nhắn xuất hiện khá phổ biến trong thời gian gần đây nhưng cơ quan chức năng đã gặp không ít khó khăn trong việc phát hiện, xử lý. Một trong những nguyên nhân chính là người bị hại thường không tố giác, khai báo vì tài sản bị mất không lớn, bên cạnh đó, khi có nhiều bị hại cùng bị lừa với số tài sản đủ để khởi tố hình sự thì cơ quan chức năng lại gặp khó khăn trong việc xác minh. Ngoài ra, các phương thức thủ đoạn của đối tương liên quan đến công nghệ cao nhưng các điều luật, quy định cho lĩnh vực này đến này còn rất hạn chế.
Theo ông Hiền, một trong những yếu tố có thể hạn chế được tin nhắn lừa đảo là làm rõ trách nhiệm của các nhà mạng khi cung cấp các đầu số dịch vụ nhưng thiếu kiểm soát. Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện của MobiFone và Viettel cho biết đã thực hiện khá nhiều biện pháp tránh rủi ro cho khách hàng như thường xuyên đưa ra khuyến cáo, thông báo các hình thức lừa đảo, xử lý nghiêm bằng cách cắt dịch vụ đối với các đầu số có dấu hiệu thiếu minh bạch, lừa đảo. Thế nhưng, trên thực tế tin nhắn lừa đảo vẫn nhan nhản…
Phản ánh, khiếu nại ở đâu? Theo ông Vũ Quốc Khánh, mỗi tháng có tới hàng nghìn trường hợp khách hàng của các nhà mạng phản ánh, khiếu nại gặp tin nhắn lừa đảo gửi qua đầu số 456 (nhắn tin miễn phí), những tháng cao điểm con số này lên tới trên 10 ngàn trường hợp. Ông Khánh lưu ý khi nhận được các tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo hoặc đã bị lừa, khách hàng có thể gửi đến đầu số 456 (miễn phí) hoặc phản ánh tới Vncert qua địa chỉ: [email protected] để được tư vấn, hướng dẫn giải quyết. (Thái Sơn) Tốt nhất đừng trả lời! Về phía các thuê bao di động, các chuyên gia mạng viễn thông khuyến cáo khi nhận được những tin nhắn yêu cầu người nhận phải reply lại theo cấu trúc đã được “gài” sẵn, người dùng không nên làm theo vì 99,99% những tin nhắn như vậy sẽ khiến bạn mất tiền bởi đó là lừa đảo, với giá cước từ 3.000 - 15.000 đồng/tin nhắn. Thậm chí, nếu nhận được tin nhắn từ tổng đài (với các đầu số 090, 095, 099,...) thì tốt nhất nên gọi lên tổng đài để kiểm tra lại trước khi làm theo. Những số tổng đài mà bạn có thể liên lạc khi khẩn cấp là: MobiFone (18001090), Sfone (905), Vinaphone (18001091), Viettel (198), Vietnamobile (123 hoặc 456), Beeline (199),... (Quang Thuần) |
Thái Sơn
Bình luận (0)