Dự án 'Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng
bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh' của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN
SPC) đang khẩn trương hoàn thành giai đoạn 3 để có thêm khoảng 6.300 hộ
dân được cấp điện.
Công nhân Điện lực Duyên Hải lắp đặt điện kế cho các hộ dân thuộc dự án Khmer - Ảnh Huy Hoàng |
Sức sống mới ở những vùng quê nghèo
Con đường trải bê tông thẳng tắp dẫn về ấp Ba Sát, xã Đôn Châu, H.Duyên Hải (Trà Vinh) xanh mướt lúa và hoa màu. Ông Thạch Hiếu (57 tuổi, nhà ở ấp Ba Sát) cho biết gia đình ông sống bằng nghề làm ruộng. Trước đây chưa có điện, phải sử dụng điện phụ hơi (câu đuôi), điện rất yếu, chỉ có thể thắp sáng ban đêm. Đến năm 2013, điện lưới quốc gia kéo về tận nhà, ông Hiếu bắt đầu làm thêm nghề mộc. “Tôi đóng giường, làm bàn ghế và các khâu cưa, bào, đục, xẻ gỗ… hầu hết đều sử dụng điện, hiệu quả công việc tăng rõ rệt, thu nhập tăng lên, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều”, ông Hiếu nói.
Ấp Ba Sát có 389 hộ dân, hầu hết là người Khmer với 1.215 nhân khẩu. Qua 3 giai đoạn của dự án cấp điện cho các hộ dân Khmer, đến nay điện lưới đã gần phủ kín với trên 99% hộ dân có điện. Ông Thạch Tuấn, 55 tuổi, Trưởng ấp Ba Sát, phấn khởi cho biết trước đây khi chưa có điện, người dân trong ấp sử dụng điện câu đuôi, chất lượng điện áp không đảm bảo, giá lại cao và không thể dùng điện tưới tiêu phục vụ sản xuất được. Từ khi dự án cấp điện cho đồng bào Khmer được thực hiện, điện về thắp sáng từng nhà dân đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ấp nghèo này. “Giờ đây người dân có thể sử dụng điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên hiệu quả và năng suất lao động tăng nhanh”, ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự ở xã Đông Hải, H.Duyên Hải với 2.073 hộ dân, cuộc sống cũng đang thay đổi từng ngày với thế mạnh là nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Qua triển khai dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu đồng bào Khmer (3 giai đoạn), tỷ lệ số hộ dân có điện từ 90,04% (năm 2011) đã tăng lên 98,4%. Theo ông Ngô Văn Phil, Chủ tịch UBND xã Đông Hải, dự kiến đến cuối năm 2015, toàn xã có thêm 500 hộ được cấp điện để nuôi tôm và mở rộng quy mô sản xuất, chắc chắn sẽ có nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Ông Thạch Hiếu (ấp Ba Sát) đang dùng điện để cưa xẻ gỗ đóng bàn - Ảnh: Huy Hoàng
|
Nỗ lực cấp điện đến hộ Khmer
Đưa điện lưới quốc gia về nông thôn tạo động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn được EVN SPC ưu tiên triển khai trong mấy năm qua. Tỉnh Trà Vinh là một trong 3 tỉnh (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu) được thụ hưởng rất nhiều qua dự án này.
Tại Trà Vinh, dự án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có mức đầu tư 213 tỉ đồng, đã hoàn thành năm 2012, cấp điện cho 18.589 hộ dân. Giai đoạn 2 tổng mức đầu tư 148 tỉ đồng, cấp điện cho 10.039 hộ dân, hoàn thành năm 2014. Giai đoạn 3 đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2016, với tổng mức đầu tư 86,86 tỉ đồng, cấp điện cho 6.306 hộ. Sau khi hoàn thành, về cơ bản hầu hết các hộ dân trong tỉnh đều có điện lưới quốc gia, số hộ dân Khmer có điện trong toàn tỉnh sẽ đạt tỷ lệ trên 97,41%. Ngoài ra, để hoàn thiện cấp điện phục vụ các hộ dân vùng nông thôn nuôi trồng thủy sản, Công ty Điện lực Trà Vinh còn triển khai dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 103 tỉ đồng, phục vụ cho 5.779 hộ dân nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Hữu Thảo, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, cho rằng kết quả tích cực nhất mà dự án EVN SPC đem lại là xóa dần tình trạng sử dụng điện câu đuôi không đảm bảo an toàn; nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. “Chúng tôi mong rằng giai đoạn 3 của dự án sẽ đảm bảo tiến độ, kịp thời tạo điều kiện cho các hộ dân Khmer có điện sử dụng nhân dịp lễ hội Ok Om Bok vào cuối tháng 11 năm nay”, ông Thảo nói.
Bình luận (0)