Người xưa có câu "Bụng to là tướng làm quan, bụng nhỏ là tướng vác thang cả đời" - vậy nhưng không một ai mong bụng bự, đặc biệt các chị em luôn ám ảnh với vòng eo 58 cm từ ngoài đời cho đến trong các bộ phim.
Phẫu thuật hút mỡ bụng được khá nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên vẫn có một số người ngần ngại khi quyết định đi hút mỡ bụng bởi họ lo lắng liệu hút mỡ bụng có ảnh hưởng đến sức khỏe không.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường (Hội viên Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM) và bác sĩ Trung Võ (Nguyên bác sĩ thẩm mỹ chuyên khoa Tạo hình Thẩm mỹ - BV Chợ Rẫy, TP.HCM) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin mới về phẫu thuật hút mỡ - một giải pháp được xem là khá hữu hiệu hiện nay.
Phẫu thuật hút mỡ bụng và chỉnh hình thành bụng là gì?
Trên thế giới, phẫu thuật hút mỡ ngày càng được thực hiện nhiều và có nhiều tiến bộ (an toàn, đơn giản, kết quả cao). Trong các vị trí được hút mỡ, vùng bụng dưới rốn là nơi dễ cho kết quả tốt nhất. Hút mỡ bụng thường được thực hiện bằng hai đường rạch da nhỏ (độ 1 cm) ở phía dưới hai bên bụng và một đường ở phía dưới rốn. Bác sĩ sẽ cho ống hút nhỏ vào hút lượng mỡ thừa ở bụng. Trước đây, ống hút được sử dụng khá lớn, gây nhiều sang chấn cho da bụng và khiến vùng bụng có nhiều gợn sóng nhỏ, không được bằng phẳng sau khi hút. Ngày nay, người ta hút với ống nhỏ hơn, thời gian phẫu thuật dài nhưng kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, để được kết quả này, da bụng cần săn chắc và đàn hồi tốt. Đối với da bụng mịn và nhão quá, hoặc có quá nhiều vết rạn do mang thai nhiều lần, cần phẫu thuật cắt bớt da và chỉnh hình thành bụng. Thủ thuật cắt mỡ bụng, chỉnh hình thành bụng là thủ thuật cắt bỏ cả phần da và mỡ thừa vùng bụng (chủ yếu là dưới rốn), làm thon gọn phần bụng, phục hồi hình dáng thon gọn của cơ thể. Bác sĩ phẫu thuật có thể lấy một phần nhỏ nếu phần da dư và mỡ bụng ít hay lấy rộng nếu phần da dư và mỡ bụng nhiều.
Chỉnh hình thành bụng sẽ dùng phương pháp gì?
Phương pháp thường dùng là gây tê tại chỗ với thuốc an thần nhẹ. Sau mổ, người được phẫu thuật bị đau nhẹ vùng mổ độ vài ngày, bụng vẫn còn căng phồng trong hai hoặc ba tuần. Các vết mổ được cắt chỉ một tuần sau đó. Trong 10 ngày đầu, bệnh nhân phải mang gaine (gen) để ép chặt vùng bụng mổ cả ngày lẫn đêm; 10 ngày tiếp theo chỉ cần mang gaine ban ngày. Sau một tháng, kết quả thấy rõ; nhưng phải 3 đến 6 tháng sau, da bụng mới phủ lên vùng mổ tự nhiên và đẹp hoàn toàn được.
Phẫu thuật hút mỡ bụng được xem là biện pháp thẩm mỹ hay điều trị cho người béo phì?
Chỉ định tạo hình thành bụng (Abdominoplasty) hay thường gọi là cắt da, hút mỡ bụng dư, trong Y khoa được chia làm 2 loại: mục đích thẩm mỹ và mục đích điều trị. Mục đích điều trị thường chỉ định trên những người béo phì, lượng da và mỡ dư ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, lao động làm việc của người bệnh. Song song đó những chị em phụ nữ có thân hình quá khổ, hoặc vòng eo to muốn có thân hình cân đối nên tìm đến biện pháp này để làm đẹp, thẩm mỹ.
Hút mỡ có an toàn?
Hút mỡ là phẫu thuật cần đến kỹ thuật gây mê hoặc gây tê, vì thế quy định của Bộ Y tế là chỉ được thực hiện trong phòng mổ của các bệnh viện đạt chuẩn y tế như: vô khuẩn, vô trùng, có hệ thống máy thở gây mê, hệ thống cung cấp ô xy và các phương tiện hỗ trợ hồi sức cấp cứu để kịp thời giải quyết khi xảy ra tai biến. Trước khi tham gia liệu trình hút mỡ, buộc phải kiểm tra sức khỏe tổng quát và phải thực hiện các xét nghiệm để biết điều kiện sức khỏe có cho phép bạn thực hiện hay không.
Hút mỡ như thế nào?
Hút mỡ bụng được thực hiện qua ba đường rạch, hai đường ở hai hông, một đường trên rốn. Tùy vào vị trí hút mỡ và số lượng mỡ hút ra mà bạn có thể xuất viện ngay hay ở lại theo dõi.
Lượng mỡ hút ra bao nhiêu là đủ?
Tùy vào mức độ co dãn của từng vùng da mà bác sĩ sẽ tính toán lượng mỡ cho phép hút ra bao nhiêu. Nếu hút lượng mỡ quá nhiều, vùng da đó sẽ lồi lõm, mất tự nhiên, nặng hơn có thể nguy hại đến tính mạng do lượng mỡ bị mất nhiều, kéo theo hệ lụy khác như hạ huyết áp, hạ đường huyết…
Phẫu thuật hút mỡ chỉ dành cho phụ nữ trên 40 tuổi (đã có gia đình, sinh con nhiều lần)?
Tuổi tác không phải là yếu tố chống chỉ định cho mổ cắt da và mỡ bụng vì chỉ định cắt da và mỡ bụng phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu tuổi còn trẻ mà có nhiều yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, tim mạch và một số bệnh nội khoa khác, thì cũng không nên mổ, ngược lại, tuổi đã nhiều nhưng tình trạng toàn thân khỏe mạnh thì vẫn có thể thực hiện lấy da và mỡ dư thừa vùng bụng.
Vì sao khi cắt mỡ bụng, biến chứng thường gặp là thuyên tắc động mạch phổi?
Trong phẫu thuật hút và cắt mỡ bụng, động tác hút và cắt mỡ sẽ làm tổn thương các tĩnh mạch dưới da bụng. Nếu cắt nhiều hay hút nhiều thì nguy cơ các tế bào máu hoặc không khí sẽ đi theo vết thương tĩnh mạch về tim do sức hút của tim và áp lực âm của lồng ngực khi bệnh nhân hít vào, rất không may nếu như các tế bào mỡ hoặc không khí đi vào động mạch phổi làm thuyên tắc động mạch phổi và gây tử vong. Tỷ lệ bị biến chứng này ở những người cắt và hút mỡ bụng là từ 5 đến 10/10.000 trường hợp. Tỉ lệ này tỷ lệ thuận với mức độ cắt hay hút mỡ bụng nhiều.
Trước khi làm phẫu thuật này, các bác sĩ thẩm mỹ nên giải thích rõ cho bệnh nhân khả năng xảy ra thuyên tắc động mạch phổi và phẫu thuật nên làm ở những bệnh viện lớn có khoa hồi sức và có những thầy thuốc giỏi có kinh nghiệm trong cấp cứu thuyên tắc động mạch phổi. Thông thường, bệnh nhân sau phẫu thuật đột ngột đau ngực dữ dội giống như nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp cấp gây khó thở nhiều và nồng độ ô xy trong máu giảm xuống rất nhanh. Vì vậy, bệnh nhân hút, cắt mỡ bụng cần được cấp cứu ngay bởi những bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này mới mong thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Bình luận (0)