Bước chuyển sau làn sóng biểu tình tại Mỹ

10/06/2020 08:22 GMT+7

Cái chết của một người da màu đã dẫn đến làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ trong hơn 2 tuần qua, thúc đẩy việc cải cách cảnh sát tại nước này.

Hơn 6.000 người hôm qua đến tiễn đưa người đàn ông da màu George Floyd (46 tuổi) tại TP.Houston (bang Texas, Mỹ) sau khi ông chết do bị cảnh sát dùng đầu gối đè lên cổ ở TP.Minneapolis (bang Minnesota) vào ngày 25.5, theo AFP.
Đây là lễ viếng cuối cùng trong hàng loạt sự kiện tưởng nhớ ông Floyd trước khi ông được chôn cất tại Vườn tưởng niệm Houston.
Cái chết của ông Floyd đã dẫn đến làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ trong hơn 2 tuần qua.
Theo Reuters, cựu cảnh sát da trắng Derek Chauvin bị khởi tố tội giết người đã ra tòa lần đầu tiên hôm 8.6. Một thẩm phán đã đưa ra mức bảo lãnh tại ngoại không có điều kiện cho ông Chauvin là 1,25 triệu USD và mức bảo lãnh có điều kiện là 1 triệu USD.

Áp lực cải cách cảnh sát Mỹ gia tăng, người biểu tình đòi cắt ngân sách

Vụ việc trên đã thúc đẩy việc cải cách ngành cảnh sát. Cụ thể, đa số thành viên Hội đồng TP.Minneapolis cam kết giải thể đơn vị cảnh sát; thị trưởng Los Angeles đề nghị cắt giảm 150 triệu USD trong ngân sách 3 tỉ USD dành cho đơn vị cảnh sát thành phố... Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump hôm qua cam kết duy trì ngân sách cho các sở cảnh sát và khẳng định 99% nhân viên công lực là những người tuyệt vời, làm tốt công việc của họ.
Biểu tình cũng đã bùng nổ ở nhiều nước khác và tạo ra một số thay đổi. Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh chính phủ Anh phải nỗ lực hơn nữa để chống lại thành kiến đối với người da màu cũng như các nhóm dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner thì thông báo cấm cảnh sát dùng phương pháp kẹp cổ khi bắt giữ nghi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.