Bước đi đầu tiên tái cấu trúc bóng đá Việt Nam

17/09/2020 09:24 GMT+7

Tân Giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản Yusuke Adachi đã có những bước đi đầu tiên trong quá trình góp phần tái cấu trúc nền móng cho bóng đá Việt Nam .

Nền tảng mỏng của bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt Nam thường có chu kỳ 10 năm sẽ có những lứa cầu thủ tài năng gối đầu nhau. Sau đỉnh cao của thế hệ Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh... quật ngã Thái Lan để vào chung kết Tiger Cup 1998, chúng ta đã lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 với lứa cầu thủ mới Công Vinh, Minh Phương, Tài Em, Như Thành, Huy Hoàng. Đến AFF Cup 2018 là Quế Ngọc Hải, Quang Hải, Phan Văn Đức, Đình Trọng, Duy Mạnh… Sau lứa U.23 châu Á 2018 thì tại U.23 châu Á 2020 U.23 Việt Nam đã kém sắc bén hẳn dù có bộ khung là những người đã từng dự U.20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc. Nhìn vào lớp kế cận, lỗ hổng sẽ càng lớn hơn khi lứa U.21 Việt Nam hiện tại dưới tay HLV Philippe Troussier có dấu hiệu “hụt hơi” cả về chuyên môn lẫn thể hình. Nỗi lo này càng lớn khi cuộc cách mạng trẻ hóa ở các giải bóng đá chuyên nghiệp sau 2 năm bùng nổ đang chững lại. Nếu năm 2018 và 2020 đội U.23 Việt Nam có rất nhiều cái tên thường xuyên đá chính ở các CLB V-League thì đến lúc này đó là điều xa xỉ.

HLV Park Hang-seo tìm “gà son” ở giải U.19 Quốc gia 2020

Thực tế 2 năm hoàng kim của bóng đá Việt Nam cho thấy chúng ta đã tạo ra nguồn đầu vào dồi dào hơn nhờ sự xuất hiện của những lò HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF, Bình Dương… Nhưng chừng đó là chưa đủ vì chu kỳ đào tạo ở đội tuyển vẫn ứng với cấp CLB, thể hiện ở thực tế vài năm qua chưa cho ra Công Phượng hay Quang Hải mới. Cách duy nhất là gia tăng số lượng và chất lượng trên bề rộng của những trung tâm đào tạo HLV, cầu thủ trẻ khắp Việt Nam. Chỉ khi nào những trung tâm truyền thống một thời như Nam Định, SLNA, Đà Nẵng, Đồng Tháp, An Giang, Bình Định… cũng đều đặn sản sinh những lứa cầu thủ giỏi, được đào tạo bài bản, hiện đại đủ cạnh tranh cho các đội tuyển trẻ thì đầu vào cho các đội tuyển quốc gia mới có thể bảo đảm.

Ông Adachi làm gì để nâng tầm ?

Bước đi đầu tiên tái cấu trúc bóng đá VN1

ẢNH: MINH TÚ

Một thuận lợi cho tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Yusuke Adachi khi đến VFF trong thời điểm FIFA, AFC đã định nghĩa trách nhiệm, vai trò và tiêu chí cụ thể cho chức danh trước đây vẫn gây tranh cãi trong mù mờ. FIFA chỉ rõ: “GĐKT - đôi khi còn được gọi là giám đốc phát triển kỹ thuật hoặc giám đốc thể thao - là người chịu trách nhiệm xác định, chỉ đạo các chương trình phát triển kỹ thuật quốc gia nhằm chuẩn bị cho bóng đá trong tương lai. GĐKT phải đề xuất lên tổng thư ký, chủ tịch và có thể là ban chấp hành một tầm nhìn dài hạn và phát triển một chiến lược kỹ thuật trong vài năm, để cải thiện mức độ của bóng đá trong nước và đạt được các mục tiêu đã xác định trong và ngoài sân cỏ. GĐKT và nhóm cộng sự cũng chịu trách nhiệm thực hiện tất cả hoạt động liên quan phát triển kỹ thuật, giám sát, đánh giá. Nói cách khác, GĐKT về mặt kỹ thuật có vai trò quản lý giống “tổng thư ký” vậy”.

Công việc của tôi khi đến Việt Nam là tập trung vào các chương trình phát triển toàn diện của bóng đá Việt Nam và một trong các mục tiêu chính là phát triển năng lực của các HLV. Có thầy giỏi mới có trò giỏi

Ông Yusuke Adachi, Giám đốc kỹ thuật VFF

Trong các tài liệu của mình, FIFA thông qua AFC đã xác định những trách nhiệm cụ thể và khía cạnh quan trọng trong công việc của một GĐKT như ông Yusuke Adachi từ cấp cơ sở, đào tạo trẻ, bóng đá nữ, futsal và bóng đá bãi biển, đào tạo HLV… Đơn giản và cũng gây mơ hồ nhiều nhất những năm qua ở Việt Nam là FIFA khẳng định GĐKT hoàn toàn độc lập, không can thiệp vào đội tuyển quốc gia. Thực tế, sau khi kết thúc cách ly, ông Adachi ưu tiên công việc hoàn toàn tách biệt với các đội tuyển U.19, U.22 và tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo, Philippe Troussier. Thay vào đó, ông dồn sức tập trung vào khâu đào tạo là sở trường của mình, bắt tay cùng ban thư ký và các phòng ban VFF liên quan đề ra những kế hoạch ngắn, trung và dài hạn. Nói cách khác, ông Adachi không tranh “ánh sáng” trên sân khấu của các đội tuyển lớn mà tập trung vào nhiệm vụ đắp nền ít được quan tâm hơn.

Tuyển thủ U.19 Việt Nam mồ hôi nhễ nhại vì bài tập "tra tấn" thể lực

Bước đi đầu tiên của tân GĐKT

Theo kết quả làm việc thời gian qua, VFF và GĐKT Yusuka Adachi hướng đến những mảng công việc cụ thể gồm xây dựng hệ thống đào tạo HLV AFC cấp C, B, A và Pro; hoạch định, đề xuất các phương án nâng cao trình độ và mở rộng phát triển bóng đá trẻ; giám sát hoạt động của các đội tuyển trẻ, từ đó đưa ra tư vấn định hướng phát triển bóng đá trẻ; tư vấn các CLB nâng cao công tác đào tạo trẻ… Dấu ấn đầu tiên là lớp bằng C với sự tham gia của 24 học viên. Phát biểu trong lễ khai giảng ngày 15.9, ông Adachi chia sẻ: “Công việc của tôi khi đến Việt Nam là tập trung vào các chương trình phát triển toàn diện của bóng đá Việt Nam và một trong các mục tiêu chính là phát triển năng lực của các HLV. Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Khóa học này là công việc đầu tiên tôi phụ trách sau khi đến đây. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và bàn luận các ý kiến để sau khi kết thúc khóa học này, tất cả đều có thể trở thành HLV tốt”.

Ông Adachi cần làm việc chặt chẽ với các CLB

Khả Hòa

Từng đứng lớp đào tạo bằng AFC cấp A (2015) và Pro (2017) sẽ là lợi thế hòa nhập lớn cho chuyên gia người Nhật Bản. Ông có thể coi là người phù hợp nhất cho Việt Nam vào lúc này, theo đúng tiêu chí khuyến cáo của FIFA. Thuận lợi cho ông Adachi là Việt Nam vừa nhận gói hỗ trợ 1,5 triệu USD (bao gồm 500.000 USD cho phát triển bóng đá nữ, 1 triệu USD cho phát triển bóng đá nam). Nhưng làm sao để sử dụng hiệu quả khoản tiền rất được “quan tâm” đó cũng sẽ là thách thức, đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa VFF và tân GĐKT Adachi. Để phát triển và đưa vào thực hiện các chiến lược dài hạn và lộ trình cụ thể, ông Adachi cần sự hỗ trợ rất lớn từ cơ sở là các CLB lên đến VFF và Chính phủ. Tất nhiên, những quy định và khuyến cáo của FIFA sẽ là mô hình mẫu. Ông Adachi cho biết ông sẽ cùng VFF có những bước đi cụ thể, tùy theo từng giai đoạn phù hợp đặc thù bóng đá Việt Nam. Đó sẽ là công việc âm thầm đòi hỏi cần mẫn không thấy ngay kết quả. Sự kiên nhẫn của VFF và bóng đá Việt Nam với ông là rất quan trọng.
Cần thống nhất giáo án huấn luyện cho cấp độ trẻ
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Thời gian đầu ông Adachi chắc chắn sẽ khảo sát thực trạng, nguồn nhân lực của các CLB, quy trình đào tạo trẻ, trình độ chất lượng HLV để tiến tới hội thảo với các CLB và BHL các đội tuyển nhằm phác thảo và xây dựng một lộ trình chặt chẽ. Trước hết là bóng đá trẻ cần đưa ra một quy trình đào tạo thống nhất cho các CLB ít nhất là từ 9, 10 tuổi đến 15 tuổi. Sau đó tùy tình hình phát triển của cầu thủ để xây dựng khung giáo án huấn luyện theo các cấp độ cho phù hợp. Quan trọng là phải có một hệ thống thi đấu cho bóng đá trẻ thường xuyên, rộng khắp, quanh năm, đồng thời ông Adachi cần xây dựng đội ngũ chuyên gia như cánh tay nối dài của mình ở các tuyến để nắm bắt tình hình, kịp điều chỉnh. Làm được điều đó ông Adachi mới thực sự là một tổng công trình sư xây dựng lại cái nền cho bóng đá Việt Nam một cách vững chắc”.
T.K (ghi)
Bước đột phá phân tích dữ liệu cho bóng đá Việt Nam
Một trong những nét đặc biệt được kỳ vọng nhất ở tân GĐKT Yusuke Adachi là mở ra bước đột phá phân tích dữ liệu, nghiên cứu bóng đá ở Việt Nam. Ông từng được FIFA đích thân chỉ định tham gia nhóm tiểu ban kỹ thuật (TSG - Technical Study Group) tại Cúp Liên đoàn các châu lục 2001, World Cup 2002, trước khi được Nhật Bản bổ nhiệm vào vai trò tương tự ở World Cup 2006. Ưu thế đặc biệt này sẽ giúp ông Adachi có thể hỗ trợ VFF triển khai các nhóm phân tích chuyên môn để mở ra mảng nghiên cứu dữ liệu vì hiện tại mảng này vẫn đang bị “trắng” ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.