Bước đột phá của Victor Vũ với 'Người vợ cuối cùng'

02/11/2023 06:52 GMT+7

Khán giả có thể nhận thấy một Victor Vũ khác lạ hơn, không sử dụng liên hoàn plot twist (cú ngoặt bất ngờ) như trước mà chú trọng vào cảm xúc của khán giả với câu chuyện thuần túy về tâm lý, tình yêu trong phim mới Người vợ cuối cùng.

Phim vừa có buổi công chiếu ra mắt báo giới, khách mời vào tối 31.10, và chiếu sớm nhiều suất cho khán giả trong hai tối 1-2.11, sau đó chính thức chiếu từ ngày 3.11 tại các rạp trên toàn quốc.

Đột phá trong khắc họa bối cảnh vùng miền

Hầu hết những người xem xong Người vợ cuối cùng đều đánh giá cao nỗ lực tái hiện hình ảnh Bắc bộ thời phong kiến trong phim, từ bối cảnh đẹp một cách xao xuyến, đến những bộ cổ phục tỉ mỉ, cũng như sự nhập vai ấn tượng của dàn diễn viên như Thuận Nguyễn, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Quang Thắng, Đinh Ngọc Diệp, Quốc Huy, Anh Dũng, bé Lưu Ly...; đặc biệt là vai chính "mợ Ba - Linh" vô cùng tỏa sáng của Kaity Nguyễn.

Bước đột phá của Victor Vũ với Người vợ cuối cùng - Ảnh 1.

Kaity Nguyễn thuyết phục khán giả với diễn xuất ngày càng tiến bộ và tỏa sáng trong Người vợ cuối cùng

ĐPCC

Đạo diễn Victor Vũ cho biết đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, đầu tư kỹ lưỡng ở khâu phục trang và bối cảnh để mang đến những khung hình non nước VN vùng Bắc bộ thơ mộng nhưng không kém hùng vĩ, thông qua sự kỳ công trong việc tái hiện những hình ảnh ở miền Bắc thời phong kiến: mái đình, phủ quan, mâm cỗ, chợ quê… với hơn 80 ngày làm việc liên tục cùng hơn 25 nhân sự của tổ thiết kế. Anh hy vọng bộ phim sẽ góp phần quảng bá và giúp khán giả yêu mến hơn những nét đẹp văn hóa VN truyền thống.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hào hứng chia sẻ sau khi xem phim: "Victor Vũ và các đồng sự đã đem lại một bộ phim mãn nhãn, đong đầy cảm xúc, có thể thấy sự chăm chút tinh tế trong mọi chi tiết của phim. Vui vì thị trường điện ảnh Việt lại có thêm một tác phẩm được đầu tư chỉn chu, hoành tráng". Nhà phê bình Châu Quang Phước nhận định: "Người vợ cuối cùng là bước đột phá của Victor Vũ về cách chọn đề tài liên quan bối cảnh vùng miền. Đây cũng là một trong những phim Việt hiếm hoi của điện ảnh phía nam chọn khu biệt kiểu vậy với bối cảnh một vùng nông thôn Bắc bộ thuở xưa. Tôi chỉ đề cập cảnh quan/bối cảnh phim Người vợ cuối cùng trên nền tảng so sánh nhanh với các phim Việt có cùng chiều kích tương tự, như với đất và người xứ Nam kỳ lục tỉnh xưa trong bản phim điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hoặc trước đây là xứ Huế trong Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn… Sở dĩ phải đề cập đến không gian/bối cảnh câu chuyện phim của Người vợ cuối cùng là bởi với những ai mê cái đẹp (liên quan văn hóa vùng miền) thì cảnh quan núi rừng - hồ nước mênh mang thiên địa của vùng Bắc Kạn, và cả vẻ đẹp của phục trang cổ phục Việt một thời…, chắc chắn khiến họ bước chân ra rạp xem phim".

Người vợ cuối cùng là phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái, mượn bối cảnh thời phong kiến để vẽ nên câu chuyện về tình yêu và nỗi đau của người phụ nữ, song có thể thấy ê kíp làm phim đã nỗ lực phục dựng và mang đến những hình ảnh tiệm cận thực tế nhất có thể, so với hình ảnh tư liệu xưa. Trên các diễn đàn về cổ phục Việt đã có những đánh giá khen ngợi phục trang của phim.

Đi tận cùng "cảnh nóng"

Mối tình ngang trái vượt rào cản lễ giáo phong kiến của Linh (Kaity Nguyễn) và Nhân (Thuận Nguyễn) dẫn đến hàng loạt bi kịch, cùng thông điệp về tình yêu và khát khao tự do trong Người vợ cuối cùng đã thực sự đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ ngỡ ngàng, rạo rực, ngờ vực đến cảm thông và hạnh phúc.

Bước đột phá của Victor Vũ với Người vợ cuối cùng - Ảnh 2.

Phim có những cảnh tình cảm đầy ẩn ý của hai nhân vật Linh và Nhân

ĐPCC

Phim thể hiện những tâm sự đầy giằng xé của Linh giữa chốn biệt phủ cô quạnh. Vốn là một cô gái trẻ có cả tương lai phía trước, vì hoàn cảnh mà Linh đành phải từ biệt những gì mình yêu thương, để gả vào phủ quan, chịu đựng số phận vợ lẽ bị hắt hủi và xem thường. Đây là bộ phim đầu tiên Victor Vũ không sử dụng liên hoàn plot twist (cú ngoặt bất ngờ) như trước, mà chỉ tập trung vào cách kể chuyện đầy cảm xúc của mình với một câu chuyện thuần túy về tâm lý, tình yêu, với mong muốn chạm tới những thổn thức của người xem về cái gọi là "mối tình khắc cốt ghi tâm" trong cuộc đời mỗi con người; hay chứng minh cho câu nói quen thuộc "tình chỉ đẹp khi còn dang dở" để thấm một điều khủng khiếp hơn sự chia tay, đó là vẫn giữ người kia trong trái tim mình dù cả hai không còn bên nhau nữa.

Người vợ cuối cùng cũng là phim đầu tiên đạo diễn Victor Vũ đi tới tận cùng của "cảnh nóng" với những pha ân ái bạo liệt trên màn ảnh. Đạo diễn chia sẻ phim "không bị cắt cảnh nào khi kiểm duyệt" và được dán nhãn T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi). Anh nói thêm: "Có thể nói đây là lần đầu Victor thấy những cảnh này thật sự cần thiết trong phim của mình. Tất cả cảnh ân ái trong phim là để xây dựng tình cảm sâu đậm của nhân vật Linh và Nhân, khi họ sống trong một xã hội mà vấn đề tình yêu không được xem trọng hàng đầu, con người gần như phải chôn giấu, dồn nén mọi cảm xúc và khát vọng hạnh phúc phía sau những định kiến về đạo đức". Có thể thấy, cảnh nóng trong phim được quay vô cùng nghệ thuật, có ý tứ và ý nghĩa khi thể hiện được hai hành động khác nhau của hai người đàn ông trên cơ thể Linh: một bên chỉ xem cô vợ ba như một "cỗ máy đẻ", còn một bên tràn đầy tình yêu dâng hiến, nâng niu, trân trọng và yêu thương.

Bên cạnh nhiều điểm cộng như đã phân tích ở trên (và cả nhạc phim làm nền rất xuất sắc góp phần chạm cảm xúc người xem), phim còn chưa "mượt" ở một số chỗ, như: kịch bản giải quyết những nút thắt biến cố, tình huống quan trọng còn dễ dãi; lời thoại đôi chỗ hơi ngô nghê và chưa ra chất xưa như màu sắc phim; thời lượng dài đến 2 tiếng 12 phút nên đôi lúc phim còn dàn trải, tiết tấu chưa nhanh… Bên cạnh đó, trường đoạn dài quan mật thám Kiên điều tra về án mạng đầy màu sắc trinh thám, phá án hiện đại, khiến phim bị "gợn" về nhịp và thể loại. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận: với cách kể chuyện đầy cảm xúc và tươi mới của Victor Vũ, Người vợ cuối cùng vẫn là một phim đáng xem và có chất lượng tốt trong mặt bằng chung của điện ảnh Việt hiện nay.

Bước đột phá của Victor Vũ với Người vợ cuối cùng - Ảnh 3.

Người vợ cuối cùng là phim cổ trang, giả tưởng về thân phận vợ lẽ thời phong kiến ở miền Bắc

ĐPCC

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.