Sự xuất hiện và diễn biến khó lường của đại dịch buộc các ứng viên phải thay đổi chiến lược tranh cử, cả về cách thức vận động lẫn nội dung. Thời điểm này của những kỳ bầu cử trước, họ đi khắp nơi để vận động cử tri. Giờ đây, các cuộc mít tinh lớn được thay bằng vận động từ xa, trực tuyến. Hơn lúc nào hết, họ cần chứng minh năng lực lãnh đạo của mình trong tình hình đất nước có nhiều biến động về kinh tế, xã hội.
Tổng thống Donald Trump - ứng viên số 1 của đảng Cộng hòa, đã đưa ra những quyết sách được đánh giá là chậm nhưng mạnh mẽ, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, kêu gọi các tiểu bang thành lập cơ sở y tế và kích hoạt kế hoạch khẩn cấp. Trong động thái quyết liệt, ông tuyên bố cấm toàn bộ di chuyển từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày để ngăn dịch. Ông Trump cũng liên tục trấn an người dân lẫn các doanh nghiệp.
Từ phía Dân chủ, cựu Phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders nhanh chóng chuyển hướng chiến dịch tranh cử sang Covid-19. Ông Biden đã đưa ra kế hoạch chi tiết và một loạt mục tiêu về xét nghiệm, tăng cường năng lực cho bệnh viện và thúc đẩy hoàn thành vắc xin ngừa vi rút. Cựu Phó tổng thống Mỹ viết trên CNN: “Vi rút này phơi bày nhiều thiếu sót nghiêm trọng của chính quyền đương nhiệm. Nỗi sợ hãi trong cộng đồng cho thấy sự thiếu tin tưởng vào tổng thống”. Ông Sanders cũng không hề kém cạnh khi đưa ra thông điệp về cuộc “khủng hoảng lớn” Covid-19. Giống như đối thủ Biden, ông Sanders chỉ trích chính quyền Trump, đồng thời đưa ra giải pháp tập trung vào sự cần thiết hỗ trợ người nghèo, dễ bị tổn thương trong thời dịch.
Không rõ bao giờ hết dịch, nhưng nửa năm còn lại sẽ là thử thách lớn cho các ứng viên tổng thống và Covid-19 chắc chắn sẽ là yếu tố tác động quan trọng.
Bình luận (0)