Bước nhảy đam mê: Đi nhảy đầm

07/09/2018 10:00 GMT+7

Nhạc cất lên. Những đôi chân say mê khiêu vũ , lúc dìu dặt lúc hăm hở. Mọi lo toan, vướng bận cuộc đời dường như không hiện diện trên sàn nhảy.

Khiêu vũ (còn gọi là nhảy đầm) đã trở nên phổ biến, là sở thích “không thể thiếu” của nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội. Lý do tìm đến khiêu vũ cũng khác nhau, người để chữa lành vết thương lòng, người coi đó như liệu trình điều trị bệnh, cải thiện sức khỏe, người để tập thể dục hay đơn thuần chỉ do yêu thích, giải trí… Trong đó, không ít người phải vượt qua trở ngại, định kiến để “sống chết” với thế giới đầy đam mê này.
Sức hút khó cưỡng
10.000 đồng mà nhảy đã đời luôn. Mấy thùng loa là do tụi chị đầu tư, cả mấy chục triệu đồng. Cái này thật sự vì mình đam mê, yêu thích khiêu vũ mới làm, chứ không kiếm sống được đâu
Một phụ nữ đam mê khiêu vũ
Đúng 19 giờ, những thùng loa lớn đặt trong công viên văn hóa Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM) lại phát nhạc xập xình. Nhiều cặp bắt đầu dìu nhau trên sân gạch còn ẩm nước mưa. Những người đến muộn cũng nhanh chóng nhập cuộc. Đa số nam dìu nữ, song cũng có vài cô gái nhảy bước nam dìu người cùng giới. Bebop, rumba, chachacha, waltz (valse)… nối tiếp nhau không dứt khiến nhiều đôi cuốn theo điệu nhạc, mồ hôi đẫm áo.
Thấy tôi ngồi chờ bạn, một cặp nhờ tôi quay phim các điệu nhảy của họ bằng điện thoại di động. Người phụ nữ trạc 50 tuổi tên Hoa, tóc nhuộm vàng, mặc quần soọc và áo thun ngắn trông rất “xì tin”. Bà Hoa cho biết sau khi ly dị chồng, bà đã tìm đến khiêu vũ để giải khuây.
“Phái nữ khó khăn nhất khi học môn này là tìm được bạn nhảy hợp. Thời gian đầu, mình cũng kiếm vật vã. Hên là anh này xuất hiện - “bồ” mình đó!”, vừa nói bà Hoa vừa chỉ người đàn ông khoảng 60 tuổi đang thân mật khoác vai bà. Bà cởi mở: “Có những động tác cần phải đụng chạm, nên nếu là bồ bịch, vợ chồng mới thực sự thoải mái. Còn mướn kép dìu thì mình phải trả tiền, một buổi ít nhất cũng từ 50.000 - 100.000 đồng”.
20 giờ 30, một phụ nữ trong bộ váy thướt tha đi quanh sân, thu nốt những đồng tiền cuối cùng. Trước đó, chị cũng nhảy tưng bừng như bao người khác. Chị cho biết mỗi khách đến đây khiêu vũ đóng 10.000 đồng/buổi (từ 19 - 21 giờ). Số tiền này dùng để trả phí thuê sân, còn lại đắp đổi chút đỉnh vào chi phí loa thùng, máy móc, thu nhạc… “10.000 đồng mà nhảy đã đời luôn. Mấy thùng loa là do tụi chị đầu tư, cả mấy chục triệu đồng. Cái này thật sự vì mình đam mê, yêu thích khiêu vũ mới làm, chứ không kiếm sống được đâu. Vào mùa mưa, có khi không có tiền trả phí thuê mặt bằng”, chị tâm sự.
Không chỉ ở điểm trên, nhiều “tín đồ” khiêu vũ đã lập nhóm sinh hoạt tại nhà riêng hoặc những công viên khác như Gia Định, 23 Tháng 9... (TP.HCM), công viên bờ sông Bạch Đằng (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)...
Khiêu vũ buổi tối tại công viên văn hóa Lê Thị Riêng (TP.HCM)
“Có chồng, không học được đâu !” (?)
Một tối tháng 7, tôi cùng người bạn ghé vào một điểm “hát với nhau” ở P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Người canh cửa chìa cho chúng tôi hai tấm vé, mỗi vé giá 25.000 đồng. Đây vừa là “giấy thông hành” vừa để đổi nước uống (cam vắt, nước suối…).
Trên sân khấu, một trung niên đang nhập tâm biểu diễn bài Đắp mộ cuộc tình. Xung quanh ông khoảng 10 đôi dập dìu khiêu vũ. Vài cặp có lẽ là vợ chồng hoặc tình nhân, vừa nhảy vừa chụm đầu tình tứ, thậm chí còn hôn nhau.
Chị bạn tôi mới ngồi vào bàn, đã có một “kép” (người dẫn nhảy) mặc sơ mi trắng đóng thùng lịch sự lướt đến mời. Chị hăm hở bước lên. Hai người khá “hợp rơ” trong điệu valse, trên nền bài hát Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Xong, chị vừa về chỗ, đã có một “kép” khác bảnh bao, trạc 30 tuổi tiến tới. Lần này thì chị phẩy tay. Trong tiếng nhạc ầm ĩ, chị ghé
sát tai tôi: “Mình từ chối bớt, nếu không “bo” sao nổi với tất cả 5 - 6 kép ở đây”. Sau hai tiếng đồng hồ, chị trả tiền công cho hai kép 300.000 đồng.
20 giờ 30, người đàn ông to cao, ăn mặc xuề xòa bàn bên cạnh tự giới thiệu tên Tình (54 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) rồi mời chị bạn tôi nhảy. Sau đó, trong lúc trò chuyện, ông ta ôm vai, vuốt đùi tôi một cách “tỉnh rụi”, như thể... tình cờ. Ông bảo tôi: “Học khiêu vũ lâu mau không quan trọng bằng cái khiếu và cái dáng. Chỉ cần em ra công viên Gia Định khoảng hai tháng, anh sẽ bày cho em biết nhảy tất cả các điệu. Chiều nào anh cũng ở đó, từ 17 - 19 giờ. Tụi mình chỉ cần đóng 10.000 đồng/người là nhảy “tới bến” luôn”.
Thấy chiếc nhẫn ở ngón áp út của tôi, ông Tình nghi ngại: “Ra đó (công viên Gia Định - PV) có chồng là không được à. Chồng quánh chết hoặc nó ghen, học không được đâu. Chỉ người ly dị rồi hoặc không bị ràng buộc gì thì mới tham gia thoải mái”. Tôi hỏi: “Còn anh?”. Ông Tình mở bung hai tay: “Anh tự do! Anh cho nó (vợ) bay đi rồi!”...
Trước đó, lúc tôi tham quan các lớp khiêu vũ, một nữ học viên ngoài 45 tuổi ân cần bảo: “Em có chồng chưa? Nếu có, dễ gì chồng cho đi phải không? Hoặc là em phải giấu chồng như những người khác, nói dối đi tập thể dục... Bởi vì xã hội bây giờ vẫn còn nặng định kiến về những người học môn này”. Dẫn chứng bản thân mình đã ly dị, nữ học viên này cho rằng có đến... 99% đối tượng tìm đến những nơi này đều đang gặp trục trặc hôn nhân hoặc đã đổ vỡ tình duyên, cốt để giải sầu và kiếm một nửa cho mình.
“Xấu hay tốt là do mỗi người”
Nhắc đến sân chơi khiêu vũ, rất nhiều người cho rằng “đó là chốn phức tạp, đầy rẫy các kiểu ngoại tình và yêu đương nhăng nhít” hoặc “từ ôm nhau trên sàn nhảy đến ôm nhau lên giường mấy hồi!”… Tuy nhiên, nói như vũ sư Bùi Thị Tuyết Hương (CLB khiêu vũ Tuyết Hương, thuộc Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh Bình Dương): “Xấu hay tốt là do mỗi người đến với nó thế nào thôi”.
Chú Nguyễn Hồng Chương (73 tuổi) và cô Hà Thu Nga (70 tuổi, ngụ P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) được ví von là cặp “vợ chồng vàng” tham gia cuộc thi “Nhảy vui, sống khỏe” (do Báo Thanh Niên tổ chức đang diễn ra). Hai người đến với khiêu vũ 16 năm nay, sau khi mắc nhiều chứng bệnh (cô bị bệnh tim, loãng xương, viêm khớp; chú bị cao huyết áp, thoái hóa khớp...).
Chú Chương chia sẻ: “Cô chú ráng sinh hoạt để khỏe người. Đi khiêu vũ theo gia đình như cô chú ít lắm, chỉ khoảng 10 - 20%. Chủ yếu là người đi lẻ, những người buồn đời, buồn tình nên đi nhảy”.

(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.