>> Nguyễn Phúc
Hình ảnh ấy cứ không thôi ám ảnh tôi mỗi lần lên vùng tây.
“Quen rồi”, đó là câu trả lời phổ biến của chị em mỗi khi người viết dừng lại hỏi han. “Chỉ khi thu hoạch thì chồng mới đi cùng”, một phụ nữ đứng lẫn trong đám đông nói vọng tới. Ở thôn La Tó, xã Húc Nghì (H.Đakrông), tôi gặp một phụ nữ tuổi chỉ ngoài 30 nhưng vóc dáng bên ngoài trông già hơn chục tuổi. Chị bảo, lâu nay mẹ và chị gái đều đi rẫy một mình: “Nên đến lượt tôi cũng thế thôi. Không làm, lấy ai làm thay?”.
Những đôi chân trần của phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều đâu chỉ có đi rẫy. Họ còn lội ra suối bủa lưới kiếm cá tôm, hay leo núi với lỉnh kỉnh đồ nghề để đãi vàng. Thế rồi, bữa cơm tối luôn “mặc định” chỗ ngồi của họ nơi xó bếp. Mâm chính đặt giữa nhà sàn luôn dành cho đàn ông chè chén. Không có chỗ cho đàn bà.
Một ngày, tôi ghé vào bản Ngược (xã Pa Nang, H.Đakổng). Lúc ấy đã quá trưa, được chủ nhà mời dùng cơm. Người vùng cao vốn rất hiếu khách, họ mời cơm rất nhiệt thành. Mâm cơm có sẵn 2 con gà bản, 1 đĩa muối ớt cay xè và 1 hong xôi thơm lừng. Nhưng dù khách năn nỉ thế nào thì bà Hồ Thị Mọ, người một tay chuẩn bị bữa ăn trưa, vẫn nhất quyết không ngồi chung mâm. Ông Hồ Văn Moi, em bà Mọ, kể rằng chị gái lấy chồng ở Tà Long. Năm 2003, chồng chết mà bà không chịu theo tục nối dây (chồng chết thì phải lấy người nhà bên họ nhà chồng), nên mang 3 đứa con về quê cũ ở bản Ngược, được các em trai bảo bọc. Có lẽ chính vì thế mà nhất cử nhất động bà Mọ đều nghe theo “các cậu”, dù hồi nhỏ chúng do một tay bà chăm bẵm.
Nhiều người tự hỏi, nếu đàn bà lên rẫy thì đàn ông vùng cao ở nhà làm gì? Nếu không đàn đúm, nhậu nhẹt thì họ cũng làm những… việc “lớn”, dù không nặng về chân tay nhưng đàn bà vốn dĩ không được đụng vào. Từ thầy cúng, thầy mo cho đến người đánh chiêng, gõ trống, chơi đàn ở những ngày hội ở bản..., tất cả đều là đàn ông.
Nỗi hờn tủi trong yêu đương, hôn nhân của phụ nữ vùng cao Quảng Trị là có thật. Chỉ có điều, người ta dường như cố ý lảng tránh không muốn nói về hủ tục, hoặc giấu nhẹm đi vì sợ “ảnh hưởng” đến địa phương. Các giáo viên cắm bản là những người hiểu rõ nhất. Bởi mỗi ngày đến lớp, thấy học trò nữ vắng bất thường, họ có thể mường tượng điều gì đã xảy đến với học trò.
V., cô giáo chủ nhiệm lớp 8 ở một trường tiểu học và THCS vùng Lìa (H.Hướng Hóa) kể sau hơn 2 năm lên vùng cao này, cô chưa kịp có người yêu nhưng đã đi... dự 4-5 tiệc cưới của học trò. Có em mới mấy hôm trước vẫn đang cắp sách vở đi học, nay bất ngờ đến mời cô giáo dự... đám cưới. “Trong khi chúng chỉ cho thấy hình hài của một đứa trẻ”, cô V. xót xa. Mà hễ đã lập gia đình thì các em sẽ không bao giờ đến trường nữa, dù không thể đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. “Chúng tôi biết, chính quyền biết. Không ai đồng thuận với sự sai trái đó. Nhưng biết làm sao để thay đổi?”, cô V. tự hỏi.
Đến những già làng như Kôn Thà (bản A La, xã A Ngo, H.Đakrông) cũng hiểu những biến tướng đang xảy ra với tục “đi sim”, rằng việc tâm tình, đàn hát giao duyên đã gần như là điều xa xỉ, mà ở đó chuyện “xác thịt” lên ngôi. “Yêu thương nhau cũng đành, nhưng có trường hợp vì mang bầu mà cưới, và có những cuộc đi sim chỉ để lại những cái thai vô thừa nhận”, già Kôn Thà nói.
Trong những trường hợp ấy, ai cũng biết, đớn đau luôn thuộc về những bà mẹ trẻ. Bất chợt vẳng nghe lời bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến, “lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”…
Có hai sợi dây đang níu phụ nữ ở vùng cao. Tục “nối dây” ép người phụ nữ phải chấp nhận “qua tay” những người đàn ông của họ nhà chồng khi chồng qua đời, cứ như một thứ tài sản. Câu chuyện của bà Mọ vừa nhắc ở trên là một ví dụ. Còn tục “đa thê” buộc người phụ nữ phải... chia chồng.
Trong một lần vào bản Đá Bàn (xã Pa Nang, H.Đakrông), làm một cuộc khảo sát “bỏ túi”, tôi phát hiện ở bản vùng sâu này có 5 hộ đang sống kiểu “1 ông, vài bà”. Như ông Hồ Văn Liên (50 tuổi), 2 bà vợ Hồ Thị Lay (43 tuổi) và Hồ Thị Ran (39 tuổi) đã sinh cho ông 14 người con (2 đứa con chết trẻ). Lạ thay, họ vẫn sống chung nhà, công việc thì chia đôi, thay nhau lên nương. Với chừng đó nhân khẩu, 2 bà vợ khốn khổ phải làm việc cật lực mới lo đủ cơm nước cho chồng và đàn con.
Ông Hồ Văn, trưởng bản Đá Bàn, nghi ngờ tục “nối dây” và “đa thê” nảy sinh từ một luật tục khác, tục “pỏ của” (thách cưới). “Có nhiều nơi, nhà trai phải bỏ ra nhiều bò dê, bạc trắng để đưa cô gái về nhà như một món hàng. Nên khi ở chung, người đàn bà phải làm việc quần quật để trả nợ. Ngày xưa, cứ có tiền là lấy bao nhiêu vợ cũng được. Ngày nay, biết là hủ tục nhưng nhiều người vẫn bắt lý là chỉ… làm theo tổ tiên”, ông Văn thở dài.
Như chị Lay và Ran, trong gian khổ, đói khát, họ vẫn “chia sẻ” chồng, cũng chẳng mấy bận tâm đến đời sống hôn nhân có nhiều tréo ngoe. Nhiều lúc tôi tự hỏi, những người đàn bà đó có bao giờ biết buồn? (còn tiếp)
Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Nguyễn Phúc