Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, những ngày qua, cùng với lượng mưa lớn trên diện rộng toàn tỉnh, hồ thủy lợi Tả Trạch và 2 hồ thủy điện lớn (Hương Điền, Bình Điền) của Thừa Thiên-Huế đã “điều tiết” nước về hạ du với những mức độ khác nhau.
Đến chiều qua 12.10, lưu lượng đến và đi của hồ này đã giảm, “đi” 366 m3/giây, “đến” 630 m3/giây. Còn đối với hồ thủy điện Bình Điền, hôm 11.10 lưu lượng nước “đến bao nhiêu đi bấy nhiêu” (1.809/1.809 m3/giây), hôm qua có giảm bớt (710/693 m3/giây).
Mặc dù vậy, vùng hạ du Thừa Thiên-Huế vẫn đang ngập lớn. Chiều qua, mực nước trên các sông tại Thừa Thiên-Huế xuống chậm. Đáng chú ý, trong khi 2 hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền không còn khả năng “cắt lũ” cho hạ du, thì hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương có thời điểm trở thành “niềm hy vọng”, và đã thể hiện được vai trò cắt lũ trong những ngày đầu.
Nhưng khi mưa lớn sau đó và bão số 6, áp thấp nhiệt đới “uy hiếp”, hồ Tả Trạch cũng phải xả lũ dồn dập. Vì vậy, theo ông Phan Thanh Hùng, việc điều tiết nước từ các hồ về hạ nguồn với lưu lượng lớn đã gây áp lực cho hạ nguồn và khiến nước lũ dâng.
Sáng qua 12.10, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn Quảng Nam tiếp tục xả tràn để vận hành đưa nước về dưới mực nước đón lũ mới. Ở thời điểm 5 giờ, thủy điện A Vương đang xả tràn, chạy máy với lưu lượng 484,91 m3/giây, thủy điện Đăk Mi 4 là 333,12 m3/giây, thủy điện Sông Bung 4 là 1.317,70 m3/giây. Đến 14 giờ, mực nước về hồ thủy điện A Vương 548 m3/giây nhưng chỉ xả qua tràn 33 m3/giây; tương tự với thủy điện Sông Bung 4 (458/211 m3/giây), thủy điện Đăk Mi 4 (246/176 m3/giây), riêng thủy điện Sông Tranh 2 mực nước về hồ 418 m3/giây nhưng chỉ xả qua tràn 5 m3/giây...
Từ ngày 11.10, thời điểm bão số 6 đang đổ bộ, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn yêu cầu Công ty thủy điện Sông Tranh vận hành điều tiết hồ thủy điện. Yêu cầu đặt ra là phải “vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du”, không gây dòng chảy đột biến, bất thường... Theo đại diện Công ty thủy điện Sông Tranh, sau khi địa phương yêu cầu, đơn vị đã cắt giảm lũ ngay tối cùng ngày. Thủy điện A Vương cũng đã tham gia cắt lũ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, với dung tích khoảng 63 triệu m3.
Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cho biết tỉnh Quảng Nam dựa vào tình huống đặc biệt khi có khả năng có cơn lũ lớn sau khi bão số 6 tan, và địa phương sử dụng điều khoản này trong quy định liên hồ để dự phòng. Theo ông, những ngày trước đó, có thời điểm lưu lượng nước về hồ lên đến 1.600 m3/giây trong khi hồ chỉ xả ở mức 300 - 400 m3/giây và đã góp phần cắt lũ.
Ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty CP thủy điện Đăk Mi, cũng khẳng định vì điều hành liên hồ nên mọi việc đều được tính toán rất kỹ lưỡng. Đây mới là đợt lũ đầu tiên trong năm, nếu đợt lũ thứ hai mà tiếp nhận thông tin có mưa bão thì phải xả lũ về hạ du trước.
Sạt lở ở khu vực có công nhân thủy điệnTối 12.10, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận được hiện trường nhóm công nhân thủy điện gặp nạn cầu cứu ở khu vực thượng nguồn sông Bồ (thuộc địa bàn H.Phong Điền), do đường đi gặp ngầm tràn lũ rất mạnh và sạt lở nghiêm trọng.
Theo ông Thọ, chiều 12.10, một số công nhân làm việc tại thủy điện Rào Trăng (chưa rõ là thủy điện Rào Trăng 3 hay thủy điện Rào Trăng 4) đã gọi điện đến lãnh đạo tỉnh cầu cứu, cho biết họ đang gặp nạn, mắc kẹt tại nhà điều hành của công trình vì đất sạt lở. Nhận thông tin, ông Thọ đã trực tiếp cùng lực lượng cứu hộ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tìm cách đến hiện trường để ứng cứu, nhưng chưa thể tiếp cận được.
Tại khu vực công nhân đang kêu cứu có 2 nhà máy thủy điện gồm Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4, cùng nằm ở thượng nguồn sông Bồ, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Bùi Ngọc Long
|
Bình luận (0)