Phải đến nay, khi hành lang pháp lý được nâng cấp thành nghị quyết của Quốc hội, đấu giá biển số xe mới có đầy đủ cơ sở triển khai hơn bao giờ hết.
Lần đầu tiên, phiên đấu giá được tổ chức với quy mô toàn quốc, tài sản đấu giá là biển số xe của 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Lợi ích mang lại rất rõ, đó là đáp ứng nhu cầu của người dân về biển số "đẹp", tăng thu ngân sách, ngăn ngừa tiêu cực trong lĩnh vực đăng ký xe, cấp biển số.
Và một tín hiệu vui nữa, đấu giá biển số xe còn đánh dấu cột mốc mới trong việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của ngành công an. Người dân được tham gia đấu giá biển số của tất cả tỉnh thành trên cả nước mà không phụ thuộc người đó ở đâu. Sau khi đấu giá xong, người trúng đấu giá được lựa chọn nơi đăng ký gắn biển số vào xe của mình, hoặc tại nơi thường trú, hoặc tại nơi quản lý biển số trúng đấu giá.
Bước tiến trên giúp người dân giảm bớt thủ tục, thời gian đi lại, tránh những phiền hà không đáng có. Quan trọng nữa, phương thức quản lý nhà nước sẽ dần chuyển từ thủ công sang điện tử, từ địa giới hành chính sang định danh điện tử, tức là gắn với con người.
Đạt được kết quả ấy, ngành công an đã nỗ lực xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý xe, để kết nối và liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - "xương sống" của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Việc quản lý, đăng ký xe hiện được Bộ Công an triển khai tới 4 cấp: Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, phòng CSGT thuộc công an tỉnh, công an cấp huyện và công an cấp xã. Với ô tô, người dân có thể tới trụ sở công an cấp huyện để làm thủ tục đăng ký thay vì cấp tỉnh như trước đây; với xe máy lại càng thuận lợi hơn khi thực hiện ngay tại công an cấp xã.
Nhờ sự phân cấp vừa nêu, không chỉ biển số đấu giá, khi đăng ký xe với biển số thông thường, người dân cũng có thể đến trụ sở công an nơi mình cư trú (bao gồm cả tạm trú và thường trú) mà không cần bắt buộc diễn ra tại nơi thường trú như nhiều năm nay.
Sẽ không còn những câu chuyện về người dân mua xe ở Hà Nội, TP.HCM… nhưng vì chưa có hộ khẩu thường trú tại đây nên phải ngược xuôi hàng trăm cây số về quê làm thủ tục. Tới đây, việc quản lý biển số xe dựa vào mã số định danh với các dữ liệu "sạch" đã cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn liền với từng cá nhân, thay vì chỉ phụ thuộc vào địa phương nơi đăng ký thường trú.
Hy vọng rằng từ những đổi mới trong công tác đăng ký xe, cấp biển số, ngành công an nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung sẽ không ngừng đẩy nhanh tiến độ liên thông, ứng dụng cơ sở dữ liệu điện tử vào quy trình thủ tục hành chính; mà đích đến cuối cùng là phục vụ tốt hơn cho người dân, xã hội.
Bình luận (0)