>> Tăng thẩm quyền cho cơ quan phòng chống tham nhũng
>> Báo chí cần tiếp tục tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng
>> Thi hiến kế phòng chống tham nhũng
>> Phòng, chống tham nhũng chỉ thành công khi biết dựa vào dân
>> Triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng
|
Hội thảo diễn ra trước thời điểm Quốc hội thảo luận thông qua Dự thảo sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng (PCTN). Trong đó, khoản 4, điều 101 quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.
Tuy nhiên, quy định này đang có biểu hiện mâu thuẫn với luật Báo chí. Bởi, điều 7 luật Báo chí quy định, phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí “có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Tại hội thảo, nhiều nhà báo bày tỏ quan ngại, nếu được thông qua, điều 101 của Dự thảo sửa đổi luật PCTN sẽ có tác động mạnh đến việc phòng chống tham nhũng trên báo chí, đến người tố cáo tiêu cực. Từ đó hạn chế báo chí thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng.
“Nếu được Quốc hội ban hành, nó sẽ là căn cứ để bất kỳ cơ quan nhà nước nào, từ công an, thanh tra, UBND, kiểm tra Đảng... đều có quyền đến cơ quan báo chí yêu cầu cung cấp nguồn tin mà cơ quan báo chí sử dụng để đăng bài. Và lúc đó báo chí sẽ không có quyền từ chối. Khi đó, nó sẽ cản trở cuộc chiến chống tham nhũng, đồng nghĩa đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, nhà báo Bá Kiên (Báo Tiền Phong) lo ngại.
|
Bên cạnh phân tích về pháp lý, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn cho rằng, quy định tại dự thảo sửa đổi Luật PCTN không phù hợp với quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí, với xu thế thế giới. “Nếu báo chí đưa tin mà để lộ cả nguồn tin thì vô hình chung là đi tố cáo người cung cấp thông tin. Cứ lộ ra như vậy thì ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa”, ông Lộc nói.
Đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, bà Hà Kim Chi, Trưởng ban Kiểm tra cũng đặt vấn đề: “Nếu nhà báo không bảo vệ được nguồn tin thì họ sẽ khó mà thực hiện được những cuộc điều tra, phản ánh về phòng chống tham nhũng”.
Tại cuộc hội thảo này, nhiều nhà báo cũng bày tỏ sự băn khoăn khi điều 101 của dự thảo sửa đổi luật PCTN có tác động sâu rộng đến báo chí nhưng cơ quan soạn thảo không lấy ý kiến của cơ quan báo chí là chưa khách quan.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã đề nghị Ban tổ chức hội thảo chuyển các nội dung nói trên lên Quốc hội và Chính phủ đề nghị bỏ khoản 4 điều 101 Dự thảo sửa đổi luật PCTN; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tại điều 7 của luật Báo chí.
Thái Sơn
>> Cần quy định rõ cơ chế bảo vệ nguồn tin báo chí
>> Xây dựng quy trình xử lý hành vi cản trở báo chí tác nghiệp
>> Thông tin thường xuyên cho báo chí, mỗi tuần một lần
Bình luận (0)