Buổi diễn đặc biệt với người khuyết tật

23/08/2012 15:18 GMT+7

(TNO) “Con đến đấy là để lắng nghe nhiều hơn nói, vì họ cần những người thực sự biết lắng nghe”, đó là lý do mà Matt (Mỹ) thuyết phục mẹ để được sang Việt Nam tham gia chương trình Đối thoại cùng người khuyết tật, dù rằng anh không hề biết tiếng Việt.

(TNO) “Con đến đấy là để lắng nghe nhiều hơn nói, vì họ cần những người thực sự biết lắng nghe”, đó là lý do mà Matt (Mỹ) thuyết phục mẹ để được sang Việt Nam tham gia chương trình Bước lên: Đối thoại cùng người khuyết tật, dù rằng anh không hề biết tiếng Việt.

Matt là một trong gần 40 sinh viên tình nguyện đến từ Mỹ, Anh và Việt Nam đã tạo nên một chương trình biểu diễn đặc biệt mang tên Bước lên: Đối thoại cùng người khuyết tật diễn ra tối 22.8 tại Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.


Đối thoại với người khuyết tật đôi khi chỉ cần hành động hay cử chỉ nhỏ
 

Mặc cho cơn mưa tầm tã suốt cả buổi tối, mặc cho nước mưa nhỏ giọt từ quần áo xuống nền nhà, rất đông khán giả có mặt trong căn phòng nhỏ tại Tổng lãnh sự quán Mỹ vẫn chăm chú lắng nghe và theo dõi từng chuyển động, từng lời nói của các nhân vật.

Không có những màn biểu diễn hoành tráng, những bạn trẻ Việt Nam - ngoại quốc, khuyết tật - không khuyết tật nắm tay nhau... hít thở, cùng hát vang ca khúc Bốn phương trời, truyền tin với nhau bằng động tác…, giữa họ như không còn khoảng cách. 

 
Cùng nhau hát


Cùng nhau chia sẻ cảm xúc qua những phần độc thoại

Để rồi khi nghe từng người chia sẻ về các chủ đề: Tôi nhớ, Tôi muốn, Tôi sợ… khán giả lại càng "thấm" hơn qua những tâm sự rất thật của những người khuyết tật.

“Tôi muốn có công việc ổn định”, “Tôi muốn mọi người không nhìn tôi với cặp mắt khác”, “Tôi nhớ tiếng chổi quét nhà của mẹ”, “Tôi sợ cô đơn”, “Tôi sợ bị trêu chọc”…

Đáp lại mỗi lời chia sẻ là âm thanh đồng vọng của một tập thể: “Cùng nhau bước lên - Rise”.

 
Không có khoảng cách nào giữa bạn trẻ Việt Nam - ngoại quốc, khuyết tật - không khuyết tật

Kết thúc buổi diễn, cả nhóm cùng thở phào, không phải vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà vì cuối cùng họ cũng bước qua những rào cản về ngôn ngữ, về hình thể và suy nghĩ để thực sự lắng nghe lẫn nhau.
 
Lê Vương n, đến từ Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi Hóc Môn, chia sẻ với PV: “Chưa bao giờ tôi tham gia vào một hoạt động như thế này. Tôi cũng chưa từng dám biểu lộ cảm xúc của mình trước đông đảo mọi người như thế này. Vì tôi rất sợ người ta nhìn mình một cách khác lạ. Nhưng hôm nay rất đặc biệt với tôi. Tôi được tự do biểu lộ và tự tin hơn rất nhiều”.

 
Ca sĩ Hà Okio bất ngờ xuất hiện tại buổi diễn và góp vui bằng một ca khúc

Trên Facebook, một khán giả tham gia chương trình khi trở về, chia sẻ: “Có những bạn trẻ vượt đại dương sang đây để lắng nghe các anh chị khuyết tật. Vậy còn chúng ta, những người bạn đang sống trong cùng một thành phố, nói cùng một ngôn ngữ và yêu cùng một đất nước sao lại để rào cản ngăn cách nhau?”.

Bước Lên: Đối thoại cùng người khuyết tật là một dự án kết hợp giữa SEALNet (tổ chức các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á được thành lập vào năm 2004 tại Trường đại học Stanford) và Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi Hóc Môn, TP.HCM.

Trong vòng 10 ngày, 40 sinh viên từ Mỹ, Anh và Việt Nam cùng nhau sáng tạo ra một màn trình diễn từ các chất liệu nghệ thuật như âm thanh, độc thoại và vũ đạo để trình diễn trước khán giả với hy vọng tìm ra tiếng nói chung giữa các nền văn hóa khác nhau.

Thiên Hương
Ảnh: BTC cung cấp

>> Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập
>> Thủ lĩnh' Đoàn của người khuyết tật
>> Hai chiếc xe buýt CNG dành cho người khuyết tật
>> Giúp người khuyết tật ứng phó với thiên tai
>> Người khuyết tật nặng được giảm 25% vé tàu hỏa
>> Giúp người khuyết tật
>> Trao học bổng cho người khuyết tật
>> Giảm giá vé máy bay, tàu, xe cho người khuyết tật
>> Gần 5 tỉ đồng đào tạo CNTT cho người khuyết tật
>> Giúp người khuyết tật hòa nhập
>> Khảo sát toàn bộ thông tin người khuyết tật trên địa bàn
>> Tiếng nói người khuyết tật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.