Buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Đại gia xăng dầu ở Cần Thơ ân hận vì tham lam

08/11/2022 15:55 GMT+7

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thanh Trung, đại gia xăng dầu ở TP. Cần Thơ bày tỏ sự ân hận khi tham gia đường buôn lậu xăng dầu ; vì tham lam, ham lợi nhuận mà không tìm hiểu kỹ nguồn gốc hàng hóa.

Sáng 8.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, một đại gia xăng dầu ở TP.Cần Thơ).

Bị cáo Lê Thanh Trung tại phiên tòa

LÊ LÂM

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2018, Lê Thanh Trung cùng Lương Đình Tiến (nguyên Phó giám đốc Công ty xăng dầu Long An, cũng bị truy tố trong vụ án này) góp vốn thành lập 4 công ty để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.

Từ năm 2020, bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (người tiêu thụ 161 triệu lít xăng do “ông trùm” Phan Thanh Hữu nhập lậu từ Singapore về VN) liên hệ và đặt vấn đề bán xăng cho Lê Thanh Trung với giá thấp hơn giá xăng bán lẻ của Petrolimex, thì Trung đồng ý. Ngoài ra, Tứ còn thuê kho Nam Phong (tại Long An) của bị cáo Trung để chứa xăng lậu.

'Anh em siêu nhân' phù phép trăm triệu lít xăng lậu ra sao?

Cáo trạng cáo buộc từ tháng 3.2020 - 2.2021, Lê Thanh Trung giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý, mua bán 101 triệu lít xăng lậu, thu lợi gần 56 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công, thuê kho… số tiền còn lại là 44 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thanh Trung cơ bản đồng ý với cáo trạng truy tố, chỉ còn thắc mắc một số điểm nhỏ.

Cụ thể, bị cáo cho rằng giữa Trung và Tứ là mối quan hệ khách hàng. Một bên có kho cho thuê, một bên thuê kho trả tiền, chứ giữa 2 người không có thỏa thuận gì; số tiền chiết khấu mỗi lít xăng mà khách hàng tới nhận là Trung thu của Tứ, không phải thu từ khách hàng của Tứ. Do đó, Trung không đáng bị tình tiết tăng nặng như cáo trạng truy tố.

Đối với việc tham gia buôn lậu xăng, bị cáo Trung khai: “Bị cáo thừa nhận hành vi của mình là sai phạm. Do lúc đó bị cáo nghĩ việc mua hàng không có hóa đơn chứng từ chỗ Tứ và việc mua bán diễn ra trong nội địa chỉ là sai phạm hành chính. Khi làm việc với CQĐT, được giải thích bị cáo mới biết hàng nhập lậu”.

“Bây giờ bị cáo rất ân hận. Vì tham lam, ham lợi nhuận, mà bị cáo đã không tìm rõ kỹ nguồn gốc hàng hóa”, bị cáo Trung trình bày.

Lúc này, đại diện Viện KSND giải thích: “Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt do Nhà nước thống nhất quản lý, nếu hàng không có hóa đơn chứng từ thì một là hàng giả, hai là hàng nhập lậu. Bị cáo hiểu chưa?”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.