Đội quân chở hàng khi đó mặc sức tung hoành đưa hàng lậu qua chốt để vào nội địa.
Cửu vạn, “chim lợn” ngồi chung trong chốt biên phòng!
Chốt canh của lực lượng biên phòng tại khu vực Km 1 (mốc 1368, P.Ka Long, TP.Móng Cái) là một nhà tạm lợp tôn, có căng thêm tấm bạt màu xanh bên dưới kê bàn nhựa cùng vài ba chiếc ghế ngồi uống nước. Trong ca trực bình thường, chốt canh này chỉ có vài ba cán bộ chiến sĩ ngồi trực làm nhiệm vụ và vào những thời điểm chuẩn bị “mổ hàng” thì số người ngồi, tụ tập ở chốt sẽ đông lên bất thường.
Ghi nhận trong buổi trưa 11.9, từ nhiều hướng khác nhau, đội quân cửu vạn chở hàng, “chim lợn” từ từ di chuyển về phía chốt canh của lực lượng biên phòng. Qua ống nhòm, chúng tôi ghi nhận một số người đến khu vực chốt biên phòng hôm đó đi trên các xe máy mang biển kiểm soát: 89H9-314.16; 17B4-314.76; 17B4-314.16; 16F9-2260...
Đến chốt, người thì vào bên trong uống nước, khi không còn chỗ thì những người đến sau dựng chân chống ngồi trên xe và tất cả cùng nói cười, trò chuyện rôm rả. Dấu hiệu để nhận biết một cuộc “mổ hàng” chuẩn bị diễn ra là đội quân cửu vạn, “chim lợn” đang ngồi uống nước trong chốt biên phòng bỗng dưng đứng dậy lên xe máy tỏa đi tứ phía cảnh giới phong tỏa bến sông đón hàng lậu.
|
Khi chuyến đò sắt đầu tiên cập bến sông phía VN khoảng 12 giờ 40 ngày 11.9, từ chốt canh của lực lượng biên phòng, một nhóm đi trên xe máy mang BKS: 14H8-4470; 29S2- 4228; 14K8-5159 tỏa ra cảnh giới ở bán kính khoảng 300 - 400 m, nhóm còn lại đi bộ sát bến theo dõi vận chuyển hàng.
Trong suốt những ngày đeo bám địa bàn Km 1, chúng tôi ghi nhận hoạt động của chốt biên phòng này gần như đã thành một quy luật. Khi đội quân xe ôm, “chim lợn” di chuyển ra khỏi chốt thì chừng vài phút sau, một số người đội mũ cối gắn quốc huy, chân mang dép rọ, mặc quần rằn ri lên xe máy rời khỏi chốt. Một tay lái xe, một tay cầm theo bộ đàm liên lạc, mắt thì đảo trước nhìn sau quan sát. Trong suốt thời gian dưới bến “mổ hàng”, chốt kiểm soát biên phòng bị bỏ trống. Giữa ban ngày, đội quân cửu vạn mặc sức tung hoành đưa hàng lậu vào sâu trong nội địa.
Để buôn lậu công khai thế là sai rồi!
Không chỉ diễn ra ngay tại chốt Km 1, các hoạt động buôn lậu, “mổ hàng” còn được ghi nhận diễn ra dọc theo đoạn sông biên giới Ka Long kéo dài từ Km 1 - Km 3. Khu vực này cũng có đặt nhiều chốt của lực lượng biên phòng. Qua quan sát và ghi nhận trong những ngày ở đây, các chốt này gần như không có hoạt động tuần tra kiểm soát ngăn chặn hàng lậu Trung Quốc vượt biên vào VN.
Trong sáng 12.9, chúng tôi liên hệ làm việc với lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái để xác minh thông tin. Khi được phóng viên chia sẻ hình ảnh, video về buôn lậu công khai hoạt động ngay cạnh chốt biên phòng thì thượng tá Nguyễn Quang Hòa, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, không khó để xác nhận hoạt động vận chuyển hàng lậu nằm trong khu vực quản lý của trạm kiểm soát biên phòng Km 1.
“Anh em để hoạt động buôn lậu công khai như thế là sai rồi. Quan điểm và chủ trương của Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn là không bao giờ dung túng bao che cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tay cho buôn lậu, bảo kê, nếu có phát hiện đều xử lý nghiêm khắc”, thượng tá Hòa nói sau khi xem video. Ngay sau đó, thượng tá Hòa yêu cầu rà soát lại toàn bộ các kíp trực chốt ở những khu vực phóng viên phản ánh, có báo cáo gửi về ban chỉ huy đồn.
Thượng tá Nguyễn Quang Hòa thừa nhận, công tác quản lý biên giới còn những sơ hở, một số cán bộ, chiến sĩ nảy sinh “tư tưởng này kia” đã dẫn đến sai phạm phải kỷ luật và điều chuyển công tác. Từ đầu năm đến nay, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã có 3 cán bộ, chiến sĩ vi phạm trong khi làm nhiệm vụ quản lý biên giới phải nhắc nhở, giáo dục và chuyển vị trí công tác sang các bộ phận khác.
Phóng viên bị chụp lén ở đồn biên phòngKhi liên hệ làm việc với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, PV Thanh Niên đã bị chụp hình lén. Ngay sau buổi làm việc, hình ảnh của phóng viên khi ngồi trong phòng trực ban tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã bị chụp lại và gửi đến các đơn vị khác, cùng với thông tin cá nhân, biển số phương tiện di chuyển.
Đây là một cách mà lực lượng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái “báo động” cho các lực lượng chức năng khác biết đang có phóng viên trên địa bàn để đề phòng.
|
Xác minh, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan Chiều 20.9, Báo Thanh Niên nhận được công văn phản hồi của Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) liên quan đến thông tin vụ việc buôn lậu xảy ra ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh.
Công văn do thiếu tướng Lê Như Đức, Phó chủ nhiệm Cục Chính trị, ký có nêu: Trong ngày 20.9, Báo Thanh Niên và trang YouTube đăng tải, phát sóng phóng sự kỳ 1: Buôn lậu công khai trước chốt biên phòng, phản ánh tình trạng buôn lậu công khai từ Trung Quốc về VN qua sông Ka Long, TP.Móng Cái (Quảng Ninh), trong đó có trách nhiệm của Đồn biên phòng cửa khẩu Móng Cái, BĐBP tỉnh Quảng Ninh.
Cục Chính trị cảm ơn Báo Thanh Niên đã có thông tin phản ánh kịp thời về vụ việc trên. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, cửa khẩu; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng và BĐBP tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc và có biện pháp xử lý nghiêm túc đối với cá nhân, đơn vị có liên quan.
|
Xử lý hàng lậu của biên phòng Quảng Ninh là thấp nhất!Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, công tác ngăn chặn hàng hóa nhập lậu qua biên giới được UBND tỉnh Quảng Ninh quy định rất rõ.
Lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm chính tại các đường mòn, lối mở, khu vực quân sự. Nhiệm vụ của hải quan là trong phạm vi cửa khẩu, các điểm thông quan, tạm nhập tái xuất.
Còn vòng ngoài là ở khu dân cư, tỉnh lộ, quốc lộ là trách nhiệm của công an địa phương, quản lý thị trường. Thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, xử lý 3.074 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với giá trị hàng hóa vi phạm trên 23 tỉ đồng, tăng 111% số vụ vi phạm so với cùng kỳ 2018.
Đáng chú ý dù là lực lượng tuyến đầu nhưng số vụ bắt giữ, xử lý hàng lậu của lực lượng biên phòng thấp khi chỉ có 65 vụ, với giá trị hàng hóa trị giá 3,8 tỉ đồng. Trong khi đó, số vụ bắt giữ, xử lý hàng hậu của hải quan là 190 vụ, với giá trị hàng hóa trên 5,7 tỉ đồng và của lực lượng công an là 385 vụ, với giá trị hàng hóa trên 7,9 tỉ đồng.
Thu Giang
|
Bình luận (0)