Buồn vui nghiệp làm bầu

28/12/2022 06:38 GMT+7

Sân khấu sở dĩ hoạt động được là nhờ rất nhiều thành phần, như nghệ sĩ, thiết kế, trang phục, hậu đài, âm thanh, ánh sáng…

Nhưng ít ai để ý đến một nhân tố có thể xem là cực kỳ quan trọng, đó chính là những ông bà bầu đã bỏ vốn ra cho sân khấu, và cũng là người trực tiếp quản lý sân khấu. Họ cũng có những năng lực, tâm huyết xứng đáng được ghi nhận.

Sân khấu ngày xưa từng có những ông bà bầu nổi tiếng, như bà bầu Thơ (đoàn Thanh Minh - Thanh Nga), bà Kim Chưởng (đoàn Kim Chưởng), bà Kim Chung (đoàn Kim Chung), ông bầu Xuân (đoàn Dạ Lý Hương), ông Thu An (đoàn Hương Mùa Thu), nghệ sĩ Kim Cương (đoàn kịch Kim Cương)…

Hiện nay, sân khấu đang có những ông bà bầu như Huỳnh Anh Tuấn, Ái Như - Thành Hội, Hồng Vân, Mỹ Uyên, Trần Đại, Hồng Trang, Minh Nhí, Quốc Thảo, Ngọc Hùng… đầu tư cho kịch nói. Về phía cải lương thì có Hoàng Song Việt, Kim Tử Long, Vũ Luân, Chí Linh - Vân Hà, Lê Nguyên Đạt, Kim Ngân, Gia Bảo, Bình Tinh, Hoàng Hải, Hoàng Đăng Khoa… cũng khá hùng hậu. Tuy nhiên, làm bầu trong thời buổi sân khấu khó khăn không hề dễ dàng.

Vở Tiên Nga của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nổi tiếng mấy năm nay nhưng cũng chưa lấy lại vốn

H.K

Vai trò doanh nhân và định kiến

Đầu tiên là định kiến của không ít người về những ông bà bầu, cứ nghĩ rằng họ đang “kinh doanh nghệ thuật”, làm giàu bằng sân khấu. Nhưng đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: “Tất nhiên họ bỏ vốn ra là phải kinh doanh chứ đâu có làm từ thiện. Nhưng trong việc kinh doanh đó vẫn có máu nghề, yêu sân khấu, chứ nếu không họ đã kinh doanh thứ khác cho khỏe hơn. Tôi nghĩ, nên đánh giá đúng vai trò của họ, vì nếu không có đồng vốn đầu tư thì sân khấu cũng không thể hình thành, kịch bản vẫn nằm trên giấy, và nghệ sĩ không có nơi diễn”.

Quả thật, nhờ những ông bà bầu tư nhân mà sân khấu TP.HCM mới nở rộ và phong phú đến vậy, đủ các khuynh hướng nghệ thuật, làm nên bộ mặt văn hóa đặc biệt cho thành phố. Có nơi nào trên cả nước mà người ta có thể đi xem sân khấu thỏa thích vào những ngày cuối tuần, tha hồ chọn lựa những trường phái, nghệ sĩ mình yêu mến? Còn lễ tết, nếu đi lòng vòng đã chán thì mua vé vào rạp để lắng đọng, khóc cười với những thân phận, chuyện đời, có khi chỉ vui vẻ thư giãn, nhưng có khi sâu thẳm nhân sinh, nâng người ta lên những cung bậc nhân văn. Mỗi ông bà bầu ngoài chuyện bỏ tiền ra cho sân khấu sáng đèn, họ còn định hướng cho sàn diễn của mình, nghĩa là làm nên những phong cách sân khấu khác nhau, nhờ vậy nghệ thuật càng thêm phong phú.

NSND Trần Ngọc Giàu nói thêm: “Xã hội nên xem họ như những doanh nhân và hỗ trợ về vốn, mặt bằng, chẳng hạn cho vay với lãi suất thấp, để họ hoạt động được. Họ cũng chịu nhiều áp lực, vừa bảo đảm nồi cơm cho nghệ sĩ, vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật, chủ trương của nhà nước”.

Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga của bà bầu Kim Ngân dựng hoành tráng, diễn tại thành phố và vài tỉnh khác gây được tiếng vang, nhưng chưa lấy lại vốn

Bán nhà, mang nợ vì sân khấu

Thật sự làm bầu sân khấu như ở nước ta thì rất hồi hộp. Bởi bỏ vốn ra chưa chắc lấy lại dễ dàng, và cảnh mắc nợ, thậm chí bán nhà, bán đất là chuyện không hiếm. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói: “Ai cũng nghĩ làm sân khấu thì giàu, nhưng thực tế có giàu mới dám làm sân khấu. Tôi nhờ cho thuê căn hộ mà có tiền bù cho những suất bị lỗ”.

Ái Như - Thành Hội cũng bỏ gần chục tỉ đồng cho cơ sở vật chất của sân khấu Hoàng Thái Thanh, giờ vẫn chưa lấy lại được, vì diễn đêm nào đủ tiền trả mặt bằng, cát sê là mừng rồi. Bà bầu Mỹ Uyên đang thế chấp căn nhà để lấy vốn đầu tư cho kịch 5B. Chị nói: “Cũng không biết bao giờ đủ tiền chuộc lại”. Thậm chí, vì làm bầu mà chị từ chối rất nhiều phim bởi cứ phải đeo bám sân khấu của mình. Coi như thêm một lần “thất thu”. Bạn bè có khi “giận” giùm chị, vì Mỹ Uyên đang độ chín để đóng những vai hay, vai khó, bỏ qua thật uổng. Mỹ Uyên làm bầu nhưng không hề chỉ tay năm ngón mà phải làm rất nhiều việc, nào quản lý diễn viên, lo tập tuồng, lo coi thợ sửa chữa khi rạp hư, lo cả việc bán vé phụ với nhân viên… tất bật đến thương.

Ông bầu Lê Nguyên Đạt thì đắm đuối với cải lương nên bán đất để dàn dựng những vở thể nghiệm. “Tôi biết thể nghiệm thì khó bán vé, nhưng cái máu của mình thích làm mới. Tôi may mắn có người mẹ luôn đồng cảm với mình, nên dù còn ở nhà thuê, mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi bán đất đầu tư cho sân khấu”, anh nói.

Bà bầu Kim Ngân dựng Thái hậu Dương Vân Nga gần 1 tỉ đồng, coi như “quên luôn đi”, và “quên” luôn tiền dựng vở Đam mê và quyền lực. Chị nói: “Tôi có cơ sở kinh doanh xuất khẩu nên tôi có vốn. Thay vì tiền để ăn chơi thì mình bỏ vô cải lương, cũng có ý nghĩa, chứ đừng nghĩ tới chuyện lấy lại”.

Những ông bà bầu khác thì huề vốn đã mừng, nhưng bảo thực lực mạnh thì không hề có, chỉ coi như làm vở nào biết vở đó. Ông bầu Hoàng Song Việt của sân khấu cải lương Đại Việt mỗi năm dựng một vở đã hết sức, chờ lấy lại vốn thì mới dựng tiếp. Ngay cả ông bầu Gia Bảo với chương trình đình đám Tài danh đất Việt quy tụ toàn ngôi sao nhưng cũng có khi lời khi lỗ. Anh kể: “Chương trình nào lỗ thì tôi chạy show đóng kịch, đóng phim bù vô. Nhưng tôi vẫn không bỏ cải lương, vì cả gia đình dòng họ tôi đều theo nghiệp cải lương mà”.

Bình Tinh cũng gánh vác cả gia tộc Huỳnh Long. Chị khôi phục lại bảng hiệu trong tình thế rất khó khăn, may là Huỳnh Long có một lượng fan đông đảo từ xưa, nay quay lại ủng hộ nhiệt tình, chưa có suất nào bị lỗ, nhưng chị không dám chủ quan vì chính mình không có vốn lớn. Những ông bầu mới như Hoàng Hải, Hoàng Đăng Khoa thì đi tìm tài trợ từ các doanh nghiệp yêu mến cải lương, chịu bỏ tiền đầu tư cho vở, cũng là quá hay.

Thực tế, làm bầu sân khấu là một “nghề” không rõ ràng, bởi không có trường đào tạo, chỉ vì mê sân khấu mà nhảy ra gánh vác. Hầu hết là đào, kép, hoặc soạn giả, họ vừa hát, vừa viết tuồng, vừa quản lý, nên khó khăn là tất nhiên.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Họ đâu có học khóa quản lý, chỉ làm bằng kinh nghiệm, không thể giỏi được. Chúng ta đang rất thiếu những doanh nghiệp thực sự am hiểu nghệ thuật để đứng mũi chịu sào. Nhưng có lẽ điều này quá khó trong bối cảnh hiện nay”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.