'Bướu bạch huyết thai nhi' không còn là nỗi ám ảnh của cha mẹ

29/11/2022 12:03 GMT+7

3 năm qua có khoảng 10 ca bướu hạch bạch huyết được cứu sống nhờ phối hợp giữa 2 bệnh viện sản - nhi trên địa bàn TP.HCM

Bệnh nhi 3 ngày tuổi và khối bướu bạch huyết hơn 1 kg

Sáng 29.11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin về trường hợp bệnh nhi bị bướu bạch huyết mặt, cổ, ngực phải khổng lồ. Đây là khối bướu bạch huyết lớn nhất mà bệnh viện từng gặp.

Bác sĩ Huỳnh Kim Quỳnh, khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé trai con của bà N.T.T.M., được phát hiện khối bướu vùng cổ lúc 6 tháng tuổi khi sản phụ đi khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ và khối bướu ngày càng to dần. Bệnh viện Từ Dũ phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 hội chẩn và chuẩn bị kế hoạch phẫu thuật cứu bệnh nhi khi lọt lòng mẹ, nếu không, khối bướu vùng cổ to sẽ gây chèn ép đường thở và gây tử vong cho bé ngay khi vừa ra đời.

Ngày 15.11, khi thai được 36,5 tuần, bệnh nhi được sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ với cân nặng 4 kg. Ngay khi bệnh nhi còn chưa ra khỏi mẹ, Bệnh viện Từ Dũ kết hợp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đặt nội khí quản giúp bệnh nhi thở và chuyển bé về Bệnh viện Nhi đồng 1 ngay sau đó. Tình trạng bệnh nhi có khối bướu vùng mặt - cổ - ngực phải to.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy khối bướu vùng mặt cổ to đẩy cột sống và vùng cổ bé sang trái. Bệnh nhi được làm xét nghiệm tiền phẫu để đánh giá và điều chỉnh các rối loạn trước mổ.

Trong quá trình nằm tại Bệnh viện Nhi đồng 1, khối bướu có kích thước càng lúc càng tăng, ghi nhận có chảy máu trong bướu, bệnh nhi suy hô hấp tăng.

Kết quả siêu âm, CT-Scanner ghi nhận khả năng đây là bướu dị dạng bạch huyết khổng lồ vùng cổ, chiếm hết vùng cổ, lan xuống vùng ngực phải, làm lệch khí quản khiến bé thở không nổi.

Ngày 18.11, thời điểm này bệnh nhi 3 ngày tuổi, sau hơn 4 giờ giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt gần như trọn bướu (hơn 90%, nặng 1,1 kg) còn khối bướu trong trung thất đã được tiêm thuốc xơ hóa, khả năng tái phát là thấp. Bé mất máu nhiều và được truyền 100 ml máu trên bàn mổ. Cân nặng của bệnh nhi sau mổ là 2,9 kg.

“Quá trình bóc tách cho thấy khối bướu bao bọc cả bó mạch vùng cổ, nằm sát đường thở của bé, nếu sơ suất, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Quỳnh nói.

Cha mẹ không nên quá lo lắng

Bác sĩ Đào Trung Hiếu, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, thời gian tới, bé cần đảm bảo đường ăn tốt, theo dõi nhiễm trùng, hô hấp. Khi bé xuất viện phải tiếp tục điều trị cột sống của bé, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Bác sĩ Hiếu khuyến cáo các bà mẹ nếu lỡ không may mang thai mà có khối bướu bạch huyết tương tự thì đừng nên lo lắng, quan tâm nhiều, quan trọng là chẩn đoán sớm, xử lý tốt ngay sau sinh thì sẽ cứu được đứa trẻ.

Hiện sau 10 ngày mổ, bệnh nhi đang nằm ở hồi sức sơ sinh, sinh hiệu đang ổn định, vết mổ khô, đang được hỗ trợ hô hấp, điều trị kháng sinh tích cực, bé ăn uống được hoàn toàn bằng đường miệng.

Theo bác sĩ, sau khi bóc tách hết bướu vùng cổ thì vùng cổ bệnh nhi rất yếu, bản thân bệnh nhi đã bị nghiêng cột sống trong bụng mẹ. Vấn đề chính của bé là vật lý trị liệu ngay sau khi mổ để phục hồi vùng cổ, vì khối bướu gây tổn thương cơ, thần kinh và quá trình bóc tách cũng có đụng chạm.

Bướu bạch huyết là gì ?

Bác sĩ Huỳnh Thị Phương Anh, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, bướu bạch huyết là bất thường của hệ bạch huyết, xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể, thường gặp nhất ở đầu - mặt - cổ và nách và đa phần các trường hợp là bướu lành.

Trước đây, hầu hết bướu vùng đầu - mặt - cổ lớn gây chèn ép đường thở thì thai phụ được tư vấn bỏ thai tại bệnh viện sản, hoặc nếu sinh thì trẻ sẽ tử vong ngay sau sinh. Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp dùng kỹ thuật EXIT để cứu những bé này, với khoảng 10 ca.

EXIT là viết tắt của thuật ngữ “Ex utero intrapartum treatment” - một thủ thuật đặc biệt được sử dụng trong quá trình sinh mổ cho những thai nhi bị chèn ép đường thở do do các khối u bẩm sinh làm tắc nghẽn đường thở. Thủ thuật này giúp bác sĩ phẫu thuật có thời gian để thông đường thở cho bé, bảo vệ đường thở và cung cấp thông khí đầy đủ, trước khi bé được tách ra khỏi mẹ. Khi em bé đủ ổn định để sinh nở, dây rốn bị cắt và trẻ sơ sinh được chuyển đến chăm sóc đặc biệt do bác sĩ chuyên khoa sơ sinh và và chuyên khoa phẫu thuật nhi đảm trách...

Theo bác sĩ Quỳnh Anh, nguy cơ lớn nhất của bước đầu - mặt - cổ là chèn ép đường thở, do đó, việc đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp cho bé ngay khi bắt ra khỏi tử cung mà chưa cắt dây rốn để đưa về bệnh viện nhi phẫu thuật là rất quan trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.