Theo CNBC, báo cáo thường niên của doanh nghiệp Anh cho thấy hãng đã hủy 28,6 triệu bảng Anh, tương đương 37,1 triệu USD, giá trị hàng hóa trong năm kết thúc vào ngày 31.3. Con số này tăng từ mức 26,9 triệu bảng Anh hàng hóa tồn bị hủy trong năm tài khóa 2017.
“Chi phí các mặt hàng thành phẩm bị hủy trong năm là 28,6 triệu bảng Anh, trong đó gồm 10,4 triệu bảng Anh giá trị hàng làm đẹp tồn kho”, báo cáo cho hay.
Burberry không phải doanh nghiệp đầu tiên phải hủy sản phẩm. Richemont, hãng sản xuất trang sức và đồng hồ sang trọng hiệu Cartier cũng hủy 481 triệu EUR, tương đương 557,2 triệu USD, giá trị hàng hóa trong tháng 5 để ngăn chúng bị hạ giá trên thị trường thứ cấp. Điều này sẽ làm giảm bớt sức hút thương hiệu sang trọng.
Một nhà đầu tư Burberry đặt câu hỏi trong buổi họp thường niên của hãng về việc vì sao các cổ đông công ty không có cơ hội mua số hàng chưa bán hết. Burberry chia sẻ với tờ The Times của Anh rằng họ xem xét chuyện loại bỏ hàng một cách “hết sức nghiêm túc”, và nhiều sản phẩm làm đẹp bị hủy hơn bình thường là vì hãng nhượng quyền thương mại đã được bán cho Coty. Công ty mỹ phẩm Mỹ tuyên bố sẽ mua giấy phép dài hạn cho Burberry Beauty theo thỏa thuận trị giá 225 triệu USD hồi tháng 4.2017. Burberry cho biết đây là hoạt động phổ biến trong ngành bán lẻ.
Một số nhà bình luận cho rằng việc hủy hàng hóa trong một số lĩnh vực nhất định sẽ bảo vệ thương hiệu, vì các doanh nghiệp có quyền hơn trong việc phân phối và tiếp thị sản phẩm. Giáo sư tiếp thị Mark Ritson tại Đại học kinh doanh Melbourne cho hay: “Về lâu dài, nó đảm bảo thương hiệu độc quyền hơn, cơ sở khách hàng hấp dẫn hơn và mạng lưới bán lẻ có sự hỗ trợ hơn”.
Về phần mình, phát ngôn viên thương hiệu xa xỉ Burberry cho hay: “Burberry có nhiều quy trình cẩn thận để giảm thiểu số lượng hàng tồn kho, dư thừa mà chúng tôi sản xuất. Các trường hợp loại bỏ sản phẩm là cần thiết, chúng tôi làm vậy một cách có trách nhiệm và chúng tôi tiếp tục tìm cách để giảm thiểu và tái đánh giá lượng hàng thải“.
Bình luận (0)