Bứt tốc

01/01/2020 04:53 GMT+7

Trên một hòn đảo yên bình giữa Thái Bình Dương, khi các nhà báo Ấn Độ, Pakistan, Fiji, Georgia... ngồi nói chuyện với nhau về phát triển, một nhà báo lớn tuổi người Úc hỏi tôi về xuất thân.

Khi tôi nói mình là con nông dân, và Việt Nam có cả một nước những người như tôi - tức từ nông dân mà trở thành ai đó, nhà báo này gật gù: Việt Nam đã làm rất tốt!
Ông đã đọc được về thành tựu của Việt Nam đâu đó trong các báo cáo phát triển toàn cầu, ở thành tích cơ bản hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ... Có tôi, ông chỉ có thêm một ví dụ.
Việt Nam được khen không phải vì đã trở thành một cường quốc. Việt Nam vẫn chỉ là một nước đang phát triển nằm giữa một điểm nóng địa chính trị toàn cầu. Việt Nam được khen vì đã rộng mở cơ hội cho công dân của mình có thể từ nông dân mà trở thành ai đó. Việt Nam được khen vì tuy nghèo, nhưng gần như 100% trẻ em được đến trường, gần như 100% người dân được tiếp cận với điện, vì lãnh đạo đất nước hiểu rằng điện không chỉ là điện, nó còn là văn minh.
Trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019, UNDP xếp Việt Nam hạng 118/189 quốc gia, cao hơn Ấn Độ (thứ 129), một cường quốc về nhiều mặt mà Việt Nam có lẽ còn lâu mới đuổi kịp. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp hạng cao hơn Timor-Leste (131), Lào (140), Myanmar (145), Campuchia (146).
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới, với tăng trưởng trung bình ở mức 1,36% trong suốt giai đoạn 1990 - 2018. “Việt Nam đã đúng đắn khi kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm”, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu. Trong các thông điệp của mình, lãnh đạo đất nước cũng luôn nhấn mạnh: Việt Nam chọn phát triển bao trùm, không để ai lại phía sau; Việt Nam chọn phát triển bền vững, không đánh đổi chất lượng cuộc sống lấy tăng trưởng.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhìn thấy mình ở đâu trong bảng xếp hạng toàn cầu. Ngay trong khu vực thôi, nếu Việt Nam chỉ hơn có 4 quốc gia kém phát triển hơn, thì cũng còn nhiều quốc gia ở trên nhiều bậc, đó là Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Có những chỉ số Việt Nam phấn đấu để cải thiện nhiều năm, nhưng vẫn chưa đạt được thành tựu đáng kể, như lao động có kỹ năng; và Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 1/3 các nước xếp hạng thấp nhất toàn cầu về tỷ lệ giới tính khi sinh (1,12), bạo lực đối với phụ nữ...
Tiến bộ so với chính mình chưa hẳn là tiến bộ, nhất là trong thế giới phẳng, nhất là khi Việt Nam đang ở cạnh cường quốc phát triển thần tốc như Trung Quốc.
Thành tựu đã ở phía sau và tương lai nằm phía trước. Trong bước đường tới tương lai, Việt Nam - ngoài vị trí địa chiến lược mang lại cả tiềm năng và thách thức, chỉ còn một lợi thế đáng kể khác - con người, cụ thể là tiếp tục đánh thức, cổ vũ và tạo điều kiện để gần 100 triệu người dân phát huy năng lực, cùng nhau bứt tốc, xây dựng đất nước hùng cường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.