Bưu điện Sài Gòn... lòe loẹt hẳn ra

Nhiều người dân và cả du khách khi chứng kiến tòa nhà Bưu điện TP.HCM gần 130 tuổi đang được sơn lại đã cho rằng màu sơn vàng quá đậm, không phù hợp...

Nhiều người dân và cả du khách khi chứng kiến tòa nhà Bưu điện TP.HCM gần 130 tuổi đang được sơn lại đã cho rằng màu sơn vàng quá đậm, không phù hợp...
Mặt tiền Bưu điện TP.HCM với màu sơn chói chang - Ảnh: Công Sơn
Mặt tiền Bưu điện TP.HCM với màu sơn chói chang - Ảnh: Công Sơn
Gắn bó với ngành bưu điện từ năm lên 16 tuổi, 24 năm nay về hưu ngồi viết thư thuê cho khách du lịch tại đây, ông Dương Văn Ngộ (84 tuổi) cảm thấy buồn khi chúng tôi hỏi về màu sơn mới của Bưu điện TP.HCM. “Ngày trước, ai tới đây đều khen bưu điện đẹp, giờ họ cảm thấy lạ lẫm lắm. Tôi không hiểu sao màu vàng nhẹ nhàng lúc cũ không chọn để trùng tu”, ông Ngộ nói. Chị Nguyễn Thị Thúy Loan, buôn bán tranh ảnh 30 năm đối diện nhà thờ Đức Bà, than: “Sơn phết gì mà lòe loẹt chịu không nổi luôn. Ngồi đây nghe du khách chê mà thấy tức anh ách... Mấy bữa nay nhìn xa xa tôi thấy màu sắc giống ngôi chùa hơn là bưu điện”.
Anh Sơn Dara, hướng dẫn viên du lịch Công ty Vido Tour, cho biết: “Cả tuần nay khi chúng tôi đưa khách nước ngoài đến tham quan, mọi người đều cho rằng khi nhìn trực diện chói chang quá. Thậm chí có người còn nhầm, không tin đây là bưu điện trung tâm ngày xưa”.
Đúng màu gốc ?
Theo ông Lê Kiêm Hòa, Trưởng phòng Đầu tư Bưu điện TP.HCM, tòa nhà Bưu điện trung tâm Sài Gòn đến nay đã có lịch sử gần 130 năm nên hiện có một số chỗ xuống cấp: tường bong tróc, xuống màu cần phải làm lại. Đây là lần sửa quy mô nhất với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng. Việc sơn sửa bắt đầu từ ngày 3.9.2014 và sẽ hoàn tất trước Tết âm lịch. Về màu sơn hiện tại mà nhiều người cho là quá đậm, lóa mắt, ông Hòa nói trước khi sơn Bưu điện TP.HCM đã mời Công ty sơn Kova đưa máy móc vào để giám định màu gốc của tòa nhà. Sau đó thợ sửa chữa đã cạo các lớp sơn, vôi ve cũ để tìm ra màu gốc nguyên bản. Từ màu gốc này, Bưu điện TP.HCM cho sơn thử 7 màu vàng lên tường, rồi mới chọn ra màu sơn giống với màu gốc nhất.
“Màu sơn mới hơi sáng nhưng sau khi tiếp xúc ánh sáng, mưa gió màu sẽ dịu đi. Lúc đó nhìn sẽ không vàng chóe như bây giờ đâu. Tôi khẳng định màu sơn mới theo đúng màu gốc của tòa nhà. Việc sơn sửa đảm bảo vẫn giữ đúng nguyên trạng của tòa nhà”, ông Hòa nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó giám đốc Bưu điện TP.HCM, việc sơn sửa lần này đã được Tổng công ty Bưu chính VN duyệt và cấp kinh phí. “Bưu điện TP.HCM yêu cầu việc sơn sửa vẫn giữ kiến trúc cũ của tòa nhà. Mọi phù điêu, hoa văn phải giữ nguyên như cũ, thợ không được tác động hay thay đổi. Bởi tòa nhà này không chỉ là tài sản của riêng ngành bưu chính mà còn là di sản của người dân thành phố”, bà Vân khẳng định.
Không phù hợp cảnh quan
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, có ý kiến khác: “Hồi xưa, khuynh hướng màu sắc của người Pháp đối với các tòa nhà cổ là màu sơn hơi vàng nhưng không quá đậm. Bây giờ các cơ quan khi trùng tu cũng yêu cầu phải làm giống như màu tường thực tế, kết hợp với xem ảnh màu chụp thật. Về nguyên tắc, khi sửa chữa các tòa nhà cổ trở thành di sản như Bưu điện TP.HCM là không được thay đổi phong cách kiến trúc, quy mô cấu trúc và màu sơn. Trước đây, Bảo tàng TP.HCM tiến hành sơn lại, chúng tôi được mời sang giám định bản gốc để chọn màu sơn làm sao cho tòa nhà vừa đẹp vừa đúng “phiên bản” gốc. Còn lần này việc sơn lại Bưu điện TP.HCM bên hội chưa nhận được thông tin gì cả”. Về thắc mắc này, ông Lê Kiêm Hòa nói sở dĩ Bưu điện TP.HCM không lấy ý kiến của chuyên gia mỹ thuật trong việc sơn sửa bưu điện vì “công trình này chưa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia” nên việc sơn sửa được giám sát bởi một hội đồng nội bộ do chính Bưu điện TP.HCM thành lập nên.
Kiến trúc sư Trần Đình Nam, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, nêu ý kiến: “Màu sơn mới đã làm bưu điện trung tâm mất đi vẻ cổ kính vốn dĩ của tòa nhà. Nó quá chói, không phù hợp với màu của các tòa nhà xung quanh, nhất là nhà thờ Đức Bà cạnh đó. Chất liệu sơn có cả hàng ngàn màu nên việc lựa chọn để sơn một công trình tượng trưng cho cả TP.HCM không phải là dễ dàng. Điều này vẫn nằm trong khả năng của các kiến trúc sư VN. Còn việc vị đại diện bưu điện nói màu sơn mới qua thời gian mưa gió sẽ dịu đi chỉ là cách biện minh thôi”, ông Nam nhận định. 
Bưu điện TP.HCM là công trình kiến trúc tiêu biểu và độc đáo của TP.HCM. Tòa nhà được người Pháp xây dựng từ những năm 1886 - 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Mặt tiền được trang trí bằng tên của những danh nhân Pháp, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan tại TP.HCM. Hiện nay, bưu điện cùng với Nhà hát TP, chợ Bến Thành, dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà... làm nên một quần thể di tích đặc biệt, trở thành những biểu tượng không thể nào thay thế được trong lòng người Sài Gòn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.