Kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2019, lũy kế nợ không nguồn quyết toán của BV là 69,9 tỉ đồng (tăng 34,3 tỉ đồng so với năm trước đó). Năm 2020, lũy kế nợ không nguồn quyết toán tăng lên 156,4 tỉ đồng; năm 2021 là 224,5 tỉ đồng; năm 2022 là 212,3 tỉ đồng; năm 2023 là 192,3 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2024 là 185,7 tỉ đồng.
Vì sao nợ dai dẳng ?
Về nguyên nhân tăng nợ không nguồn quyết toán, qua phân tích thu chi của BV, Sở Y tế kết luận: Việc phân phối chênh lệch thu chi các năm 2019, 2020, 2021 của BV chưa đúng quy định hiện hành với giai đoạn năm 2019, 2020, 2021 theo Thông tư 71 năm 2016 của Bộ Tài chính về phân phối kết quả tài chính trong năm, tạm chi trước thu nhập tăng thêm. Theo đó, BV đã chi trả thu nhập tăng thêm và chi khen thưởng, phúc lợi cho người lao động chưa căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính trong năm của BV, khi chênh lệch thu chi sụt giảm mạnh, năm 2020 - 2021 còn xảy ra dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, BV chi trả thù lao cho bác sĩ của các trường khối ngành sức khỏe theo hợp đồng hợp tác chuyên môn hạch toán chưa đúng nguồn theo Nghị định 111 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. BV chi thu nhập tăng thêm đặc thù của TP.HCM cho đối tượng làm việc theo chế độ hợp đồng hỗ trợ phục vụ từ nguồn cải cách tiền lương chưa đúng quy định tại Nghị quyết 03 năm 2018 (về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP.HCM quản lý) và Nghị quyết 08 năm 2023 của HĐND TP.HCM (quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM). BV thực hiện chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho người lao động chưa đúng đối tượng. Mức chi phụ cấp ưu đãi nghề một số viên chức làm công tác quản lý, không thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế chưa phù hợp theo các nghị định, thông tư và hướng dẫn của Sở Y tế.
Kiểm điểm, khắc phục
Về biện pháp xử lý, khắc phục, Sở Y tế yêu cầu BV Nguyễn Tri Phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp theo kế hoạch mà BV ban hành về triển khai kế hoạch cân đối tình hình tài chính giai đoạn 2024 - 2029 và các giải pháp khác (nếu phát sinh thêm và hiệu quả hơn) để giải quyết khoản nợ không nguồn quyết toán.
Phân phối kết quả hoạt động tài chính và xử lý tạm ứng chi thu nhập tăng thêm theo Thông tư 56 năm 2022 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chi đúng nguồn đối với bác sĩ của các trường khối ngành sức khỏe ký hợp đồng hợp tác chuyên môn với BV. Rà soát, thực hiện chi thu nhập tăng thêm đặc thù của TP.HCM cho đối tượng làm việc theo chế độ hợp đồng hỗ trợ phục vụ từ nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Rà soát, thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định.
Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm các cá nhân thuộc thẩm quyền của BV trong việc quản lý tài chính để dẫn đến tình trạng nợ nói trên. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng giao Phòng Tổ chức cán bộ của sở này tham mưu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân thuộc thẩm quyền của sở có liên quan theo quy định. BV báo cáo về Sở Y tế kết quả thực hiện.
Theo Sở Y tế TP.HCM, BV Nguyễn Tri Phương thuộc nhóm BV đa khoa có thu nhập trung bình (bao gồm lương, phụ cấp, tiền công dịch vụ, thưởng các dịp lễ, tết, phúc lợi). Tổng thu nhập bình quân của người lao động tại BV qua các năm từ 14,8 - 21,2 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập của người cao nhất qua các năm từ 75,2 - 103,4 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập của người thấp nhất qua các năm từ 7,5 - 10,6 triệu đồng/người/tháng.
Tuyệt đối không được chi khi không có nguồn
Chiều 25.11, tại cuộc họp trực tuyến với tất cả cơ sở y tế trực thuộc, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã cấp kinh phí hoạt động thường xuyên là 1.560 tỉ đồng cho các đơn vị và đề nghị khẩn trương giải ngân. Trong đó, kinh phí tự chủ là 220 tỉ đồng và kinh phí theo Nghị quyết 08 của HĐND TP.HCM là 981 tỉ đồng...
Sở Y tế TP.HCM lưu ý các đơn vị là phải chi theo đúng tiêu chuẩn, định mức. Thực hiện phân bổ quỹ tương ứng với nhóm tự chủ. Chi trả thu nhập tăng thêm, khen thưởng, phúc lợi dựa trên số liệu tài chính năm. Sở Y tế nhấn mạnh, tuyệt đối không được chi khi không có nguồn; phải đảm bảo thực hiện kế hoạch trả nợ nguồn.
Bình luận (0)