Ngày 3.1, thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Thuý Kiều, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết chiếm nhiều nhất trong số này là các trường hợp chấn thương đầu, chấn thương tay chân do tai nạn giao thông.
Như mới đây, trường hợp em L.M.N (12 tuổi, ngụ Long An) điều khiển xe đạp điện tông vào cột điện do không làm chủ được tốc độ. Sau tai nạn, N. được đưa vào bệnh viện, còn chiếc xe thì bị hư hỏng nặng.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận N. bị đa chấn thương, gãy kín 1/3 giữa xương đùi bên phải, có vết thương hở vùng cẳng chân phải. Bệnh nhi đã được các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật kết hợp xương và khâu vết thương.
Liên quan các trường hợp tai nạn giao thông, bác sĩ Kiều cho biết, bên cạnh các tai nạn do trẻ lớn tự điều khiển phương tiện, còn có những trường hợp được người nhà chở. Các sự cố tai nạn giao thông có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, nhất là những trường hợp chấn thương sọ não, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu do trẻ lớn tự điều khiển phương tiện nhưng khả năng xử lý tình huống khẩn cấp chưa tốt; trẻ được phụ huynh chở và xe va quẹt với các phương tiện khác; phụ huynh chở con nhưng lại sử dụng chất có cồn và không kiểm soát được tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu…
"Khi đi cùng con, phụ huynh cần chú ý quan sát, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông như đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ, không lái xe khi đã uống rượu, bia... Phải luôn chấp hành luật giao thông để con trẻ noi theo, nhất là trong thời điểm tết Nguyên đán đang đến gần", bác sĩ Kiều chia sẻ.
Bình luận (0)