Mới đây, đại diện BYD đã xác nhận với Bloomberg về kế hoạch sẽ sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Ngoài việc thông tin về mục đích sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á, các kế hoạch đầu tư cụ thể vẫn được giữ kín.
Tuy nhiên, việc BYD mở bán tại Việt Nam sẽ sớm diễn ra. Thời gian đầu, xe điện của hãng dự kiến sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc và sau đó có thể từ Thái Lan khi nhà máy lắp ráp xe điện tại đây được vận hành.
BYD hiện đang là nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc và thứ 2 toàn cầu, sau Tesla. Trong năm nay, họ đang lên kế hoạch cho tham vọng sẽ soán ngôi "ông lớn" Tesla với mục tiêu bắt đầu từ con số 3 triệu chiếc.
Để thực hiện được tham vọng trên, BYD đã đặt ra mục tiêu sẽ tăng sản lượng gấp đôi so với năm ngoái, lên con số 3,6 triệu xe, bao gồm cả ô tô xuất khẩu. Đồng thời, mở rộng quy mô thị trường ra các khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh.
Hiện BYD đang xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện đầu tiên ở nước ngoài tại Thái Lan với công suất dự kiến đạt 150.000 xe/năm và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2024. Tháng 1.2023, công ty có trụ sở ở Thâm Quyến cũng đã chia sẻ với tờ Reuters về kế hoạch sẽ mở nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô nhằm mục tiêu xuất khẩu sang Thái Lan. Tiếp sau Thái Lan và Việt Nam, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ xem xét tiếp tục xây dựng thêm các nhà máy ở Philippines và Indonesia.
Theo dự đoán của Công ty chứng khoán Zheshang, sản lượng của BYD có thể tăng lên 4,3 triệu chiếc trong năm nay. Chỉ tính riêng trong tháng 4.2023, doanh số bán hàng của hãng xe điện này đã đạt 210.295 chiếc, ghi nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của công ty này cũng tăng trưởng tới 25%.
BYD đã dừng sản xuất các dòng xe chạy xăng vào hồi tháng 3.2022 để tập trung vào các dòng năng lượng mới như xe điện và xe hybrid. Công ty này không tiết lộ chi tiết doanh số trong năm nay nhưng dựa trên tỷ lệ của năm 2022, họ sẽ có thể bán 1,75 triệu xe điện chở khách trong năm 2023, áp sát mục tiêu 1,8 triệu xe điện của Tesla.
Một số thương hiệu khác của Trung Quốc cũng đang có kế hoạch để vào thị trường Việt Nam. Trong đó, đầu năm 2022, Chủ tịch Great Wall Motor (GWM) cũng đã thông báo dự định triển khai sản xuất và bán hàng tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thông qua thương hiệu Haval chủ lực của mình.
SAIC được cho sẽ tham gia trực tiếp vào việc phân phối dòng xe MG trong nước thay vì thông qua nhà phân phối độc quyền TC Services. Một số đại diện xe Trung Quốc đang lên kế hoạch mở bán tại nước ta như Wuling, Haima, Chery,... Trước đó, Beijing là thương hiệu xe Trung Quốc nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng Việt Nam.
Tại Việt Nam, BYD hiện đang vận hành một nhà máy lắp ráp các thiết bị và linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Việc "lấn sân" sang thị trường xe điện của BYD chắc chắn sẽ đặt ra thách thức không hề nhỏ cho thương hiệu ô tô Việt - VinFast. Song, sự cạnh tranh sòng phẳng sẽ mở ra cơ hội sở hữu ô tô điện giá tốt cũng như đa dạng lựa chọn cho người Việt trong tương lai
Bình luận (0)