ByteDance hôm 24.8 đệ đơn kiện lên tòa án liên bang quận Trung tâm của California để phản đối mạnh mẽ việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lệnh hành pháp vào ngày 6.8 cấm TikTok hoạt động tại Mỹ vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, thay vì nhận được sự ủng hộ ở quê nhà Trung Quốc, ByteDance lúc này lại phải đối mặt với không ít phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến của cư dân mạng cho rằng chủ sở hữu TikTok là công ty “không có xương sống” và chỉ “quyết định chiến đấu khi không còn đường thoát”, theo South China Morning Post.
“Nếu bạn chiến đấu ngay từ đầu, mọi người sẽ ủng hộ bạn. Nhưng bạn đã cúi đầu trước Mỹ, điều đó khiến công chúng ghét bạn. Giờ bạn mới nhận ra không có cách nào khác hơn là việc phải chống lại vì tất cả những gì bạn có được từ Mỹ là các lệnh trừng phạt ngày càng khốc liệt. Liệu bạn có còn nghĩ rằng mọi người sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn?”, một người dùng Weibo có tên “Jiujiuwangfugui” bình luận, và bình luận này nhận được hơn 30.000 lượt thích trên một trang blog địa phương.
Song, có một bộ phận người ủng hộ ByteDance trên các kênh truyền thông xã hội của Trung Quốc cho rằng công ty nên được khuyến khích nhiều hơn. “Sẽ không công bằng đối với ByteDance nếu họ bị dư luận trừng phạt. Điều đó sẽ để lại ấn tượng không tốt cho các công ty Trung Quốc khác thâm nhập thị trường nước ngoài”, Tổng biên tập tờ Global Times Hu Xijin viết trong bài đăng trên Weibo hôm 24.8.
Dư luận ở đại lục về cuộc chiến giữa ByteDance và chính quyền Washington hoàn toàn trái ngược với sự ủng hộ mạnh mẽ mà họ dành cho Huawei Technologies, hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi giữa năm 2019 và đang phải đối diện với nhiều hạn chế hơn nữa trong năm nay. Giải thích phần nào cho điều này, Zhang Dingding, chuyên gia phân tích lĩnh vực internet, cựu giám đốc công ty nghiên cứu Sootoo Institute có trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng: “Huawei có mối liên hệ sâu sắc với tinh thần yêu nước ở Trung Quốc, trong khi ByteDance không có điều đó”.
Theo một số nhà phân tích, ByteDance có thể sẽ phải đi một hành trình gập ghềnh vì ngay cả khi vụ kiện này thành công, công ty vẫn phải giải quyết việc rút dần hoạt động của TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày theo như một lệnh hành pháp khác được ông Trump ký vào ngày 14.8.
“Các hành động của Tổng thống Trump như lệnh hành pháp ký ngày 14.8 chịu sự xem xét tư pháp rất hạn chế. Vì vậy, ByteDance có thể sẽ gặp khó khăn khi nỗ lực chống lại việc bị buộc phải ngưng hoạt động ở Mỹ”, Nathaniel Rushforth, luật sư Mỹ và chuyên gia an ninh mạng tại DaWo Law Firm có trụ sở tại Thượng Hải, nói.
Bình luận (0)